Thứ Sáu, 29 Tháng Bảy, 2016 18:56

Châu Phi tìm giải pháp mục vụ về gia đình

Liên Hội đồng Giám mục châu Phi và Madagascar nhóm họp khóa toàn thể lần thứ 17 từ ngày 19 đến 25.7 tại Luanda, thủ đô Angola theo chủ đề “Gia đình tại châu Phi, hôm qua hôm nay và ngày mai theo Tin Mừng”. Khóa họp khai mạc với thánh lễ do Đức cha Gabriele Mbilingi, Tổng Giám mục Lubango, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Angola, chủ sự tại nhà thờ chánh tòa Thánh Gia. Trong 6 ngày họp, các Hồng y, Giám mục thảo luận về tình trạng gia đình tại châu Phi trước những xu hướng mới trong sự toàn cầu hóa và tìm kiếm những giải pháp mục vụ rõ ràng về gia đình vốn là nòng cốt của xã hội.

Đại hội này của Liên hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar cũng là một sự kiện quan trọng đối với đời sống Giáo hội Công giáo tại Angola, vì đây là lần đầu tiên Liên Hội đồng Giám mục này nhóm tại đây kể từ khi được thành lập cách đây 47 năm.

Cũng nhân đại hội, Tổ chức bác ái Missio của Đức đã trình bày chương trình tiếp tục cộng tác và giúp đỡ Giáo hội Công giáo tại châu Phi sớm tự lập về tài chính và huấn luyện các giới chức tôn giáo quản lý, quản trị tài sản của Giáo hội. Đức ông Klaus Kramer, Chủ tịch tổ chức Missio nói : “Chúng tôi muốn Giáo hội tại châu Phi không lệ thuộc sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài, đồng thời tăng cường khả năng quản lý kinh tế. Một Giáo hội có quản trị tốt có thể nâng cao hiệu năng mục vụ và tiếp tục các công tác xã hội mưu ích cho mọi người. Mục đích là đạt tới một Giáo hội độc lập và tự chủ về tài chính và có thể sống chứng tá Kitô của mình”. Đề nghị trên đã được các giám mục châu Phi chào mừng và đón nhận tích cực. Hồi năm 2015, Missio đã mở khóa huấn luyện các vị quản lý tài chính của Giáo hội.

Tu sĩ dòng Phanxicô hèn mọn kỷ niệm 70 năm phục vụ tại Mỹ Latinh

Trong các ngày thượng tuần tháng 7.2016, tu sĩ dòng Phanxicô hèn mọn đã mừng kỷ niệm 70 năm phục vụ tại châu Mỹ Latinh và vùng quần đảo Caribê. Lễ mừng bao gồm nhiều cuộc diễn thuyết, chiếu phim tài liệu và thánh lễ tạ ơn.

Ngày 28.3.1946, vài tu sĩ Bắc Mỹ, thuộc tỉnh dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã đến Brazil và bắt đầu hoạt động tại thành phố Rio de Janeiro. Thật ra ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20, các tu sĩ đã từ Honduras và Rome tới hoạt động tại Minas Gerais (Brazil), nhưng không thành công. Sau tổng công nghị năm 1955, đã có hai tỉnh dòng được thành lập, và sự hiện diện của các tu sĩ bắt đầu đem lại hoa trái.

Đồng sáng lập Con đường tân Dự tòng đã qua đời

Bà Carmen Hernández đã qua đời chiều ngày 19.7 tại Madrid Tây Ban Nha, hưởng thọ 85 tuổi, sau một thời gian dài bị bệnh. Bà Hernández sinh năm 1930 tại tỉnh Navara Tây Ban Nha, đã cùng ông Kiko Arguello sáng lập phong trào Con đường tân Dự tòng. Lễ an táng bà được cử hành lúc 6 giờ chiều ngày 21.7 tại nhà thờ chánh tòa Almudena ở thủ đô Madrid do Đức Tổng Giám mục Carlos Osoro Sierra chủ sự. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô được đọc lên trong lễ an táng : “Tôi xúc động khi hay tin bà Carmen Hernández qua đời sau một cuộc đời được ghi đậm bằng tình yêu đối với Chúa Giêsu và lòng hăng say truyền giáo. Trong giờ chia ly đau thương này, tôi gần gũi trong tinh thần, với lòng quý mến đối với thân nhân và toàn thể Con đường Tân dự tòng mà bà là người đồng sáng lập, cũng như đối với toàn thể những người quý chuộng nhiệt huyết tông đồ của bà được cụ thể hóa, nhất là trong việc đề ra một hành trình tái khám phá bí tích Rửa Tội và thường huấn về đức tin...”

Hiện nay có hơn 30.000 cộng đồng Con đường tân dự tòng tại 120 quốc gia trên thế giới.

Tòa Thánh tham dự cuộc hòa đàm của Mozambique

Tòa Thánh và đại diện Giáo hội Công giáo ở Mozambique tham gia cuộc hòa đàm giữa chính phủ và lực lượng Renamo từ ngày 21.7. Phái đoàn gồm có Đức Tổng Giám mục Edgar Pena Parra, Sứ thần Tòa thánh tại Mozambique và Đức cha João Carlos Hatoa Nunes, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Mozambique. Lực lượng Renamo cáo buộc Chính phủ Mozambique vi phạm hiệp định Hòa bình ký kết hồi năm 1992 qua sự trung gian của cộng đồng Thánh Egidio ở Rome. Mozambique đã được Cộng đồng thánh Egidio giúp đỡ để tái lập hòa bình vào năm 1992, sau 15 năm nội chiến đẫm máu khiến cho hơn một triệu người bị thiệt mạng. Nhờ nhiều tiếp xúc bán chính thức, Cộng đồng thánh Egidio đã làm trung gian thành công giữa các bên có liên quan. Nhưng nay tiến trình hòa bình cần được củng cố thêm tại Mozambique.

Đức Thượng phụ Foud Twal nhận Huy chương Giêrusalem

Ngày 12.7, Tổng thống Palestine đã trao huy chương Giêrusalem cho Đức nguyên Thượng phụ Công giáo Latinh Fouad Twal mới mãn nhiệm. Buổi lễ diễn ra tại Ramallah, gần dinh Tổng thống, trước sự hiện diện của nhiều giới chức chính quyền, tôn giáo. Huy chương được trao cho Đức Thượng phụ Twal như dấu tỏ lòng biết ơn đối với sự hướng dẫn tinh thần của ngài trong việc phục vụ cống hiến cho người Palestine.

Ngày 24.6, Đức Thánh Cha đã nhận đơn từ chức vì tuổi tác của Đức Thượng phụ và chỉ định cha Pierbattista Pizzaballa, dòng Phanxicô, Quản thủ thánh địa làm Giám quản Tông tòa thay thế. Cha Pizzaballa đã là bề trên của dòng trong 12 năm và là người đặc trách mục vụ cho cộng đoàn Kitô Do Thái tại Thánh Địa.

Đức Phanxicô chia buồn về vụ thảm sát tại Munich

Trong điện văn gởi đến Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng Giám mục giáo phận Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết: “Đức Thánh Cha Phanxicô bàng hoàng về sự kiện kinh khủng xảy ra tại Munich, trong đó nhiều người, nhất là người trẻ, bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương nặng. Ngài chia sẻ nỗi đau khổ của những người sống sót và bày tỏ sự hiệp thông của ngài. Trong kinh nguyện, ĐTC phó thác những người qua đời cho lòng thương xót của Thiên Chúa...”.

Thủ phạm vụ thảm sát tại tiệm ăn McDonald’s ở Munich vào ngày 22.7 là Ali Sonboly, 18 tuổi, người Đức gốc Iran. Trong số 9 người bị sát hại, đa số là người trẻ và có 7 người là người nước ngoài. Số người bị thương lên tới 35 người. Thủ phạm đã tự sát trong lúc trốn chạy.

Ba địa điểm di tích Kitô giáo

Tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã liệt kê thêm ba địa điểm di tích Kitô giáo vào số các di sản văn hóa của nhân loại, đó là cổ thành Philipphê bên Hy Lạp; nhà thờ Armeni ở Ani, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ; và các Nghĩa trang Kitô thời Trung cổ ở các nước thuộc Nam Tư cũ. Quyết định trên được Ủy ban di sản thế giới (thuộc UNESCO) đề ra trong khóa họp thứ 40 tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 15.7.

Thánh hiến châu Phi cho Lòng Thương Xót Chúa

Ngày 14.9, châu Phi sẽ được các giám mục thánh hiến cho Lòng Thương Xót Chúa, nhân hội nghị lần thứ III của các Hội đồng Giám mục toàn châu Phi và Madagascar. Hội nghị sẽ được tổ chức tại Kigali, thủ đô Rwanda từ ngày 9 đến 15.9 và có chủ đề là “Lòng Thương xót Chúa, suối nguồn của hy vọng cho việc tái truyền giảng Tin Mừng tại châu Phi”. Mục đích của hội nghị là tìm cho châu lục này một khả thể hòa giải đâm rễ sâu trong Lòng Thương xót Chúa trong bối cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ kết thúc vào ngày 20.11. Tham dự hội nghị có Đức Hồng y Laurent Monsengwo, Tổng Giám mục Kinshasa, sứ thần của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngày 15.9, các tham dự viên sẽ hành hương Đền thánh Đức Mẹ Sầu Bi Kibeho - Lộ Đức của châu Phi - nơi Đức Mẹ đã hiện ra với vài bạn trẻ trong giai đoạn 1981-1989.

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm