Chiến tranh Vùng Vịnh và nền ngoại giao vì hòa bình của Tòa Thánh

Cách đây 30 năm, chiến tranh Vùng Vịnh bùng nổ, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Vatican đã nỗ lực không mệt mỏi để hướng các bên liên quan lựa chọn biện pháp chính trị thay cho quân sự.

Ngày 2.8.1990, lực lượng Iraq tiến vào nước láng giềng Kuwait, mở đầu cuộc chiến với liên minh do Mỹ đứng đầu. Chiến tranh Vùng Vịnh kéo dài đến ngày 28.2.1991, gây ra thương vong và thiệt hại nặng nề. Trong suốt 7 tháng giao tranh, Ðức Gioan Phaolô II đã liên tục lên tiếng kêu gọi các bên đình chiến và ngồi vào bàn đàm phán. Theo Vatican News, tổng cộng, ngài đã 55 lần nhắc đến vấn đề này trong những lần xuất hiện trước công chúng. Một trong những lời mời gọi hành động vì hòa bình gây ấn tượng sâu đậm của Ðức Thánh Cha là sứ điệp được ngài công bố với các tín hữu có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô khi ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi (cho Rome và cho thế giới) vào Giáng Sinh 1990: “Chúng ta mong chờ ngày không còn mối đe dọa của vũ khí. Những nhà lãnh đạo đừng quên rằng chiến tranh là một biến cố không thể vãn hồi! Vẫn còn khả năng tìm thấy con đường của lắng nghe và hòa bình khi hướng về lẽ phải, với sự kiên nhẫn, thiện chí đối thoại và sự tôn trọng những quyền không thể chối bỏ của dân chúng”.

Chiến tranh chỉ mang lại những đau thương, hoang tàn

Thư gởi nguyên thủ Iraq và Mỹ

Những ngày tháng diễn ra cuộc xung đột giữa Iraq với liên minh của Ả Rập - phương Tây cũng là giai đoạn mà cộng đồng quốc tế nhận thấy rõ nền ngoại giao vì hòa bình của Tòa Thánh. Vatican không ngừng tìm kiếm những phương cách để mang lại sự ổn định cho vùng Trung Ðông. Trong suốt tháng 8.1990 - tháng khởi đầu của chiến tranh Vùng Vịnh, nhật báo L’Osservatore Romano của Tòa Thánh mỗi ngày đều đăng một đoạn trích từ các sứ điệp nhân Ngày Thế giới vì Hòa bình hằng năm, kể từ năm 1968, của các Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II. Ðây là cách thể hiện rất kiên trì và khéo léo quan điểm các quốc gia cần chung sống hòa bình. Tháng 11.1990, Ðức Hồng y Quốc vụ khanh Agostino Casaroli đã có một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ George Bush ở Washington DC. Cũng trong giai đoạn đó, Ðức Hồng y Jean-Louis Tauran, Ngoại trưởng Tòa Thánh đã lên đường đến Baghdad. Tất cả những nỗ lực này đều để nhấn mạnh thông điệp của Giáo hội: Chiến tranh chỉ là ngõ cụt.

Lực lượng của Mỹ đến Ả Rập Xê Út vào cuối tháng 8.1990 để chuẩn bị cho cuộc chiến - ảnh: AFP

Trong lúc cả thế giới xem trực tiếp trên truyền hình những hình ảnh của các chiến dịch “Lá chắn sa mạc”, rồi “Bão táp sa mạc”, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn kiên định và làm mọi điều có thể với niềm hy vọng Vùng Vịnh sẽ im tiếng đạn bom. Ngày 15.1.1991, ngài gởi hai lá thư, một bức cho Tổng thống Mỹ Georges Bush, bức còn lại cho Tổng thống Iraq Saddam Hussein. “Tôi thấy trách nhiệm phải trao đổi với ông, nguyên thủ của quốc gia có tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự nhất. Tôi vẫn xác tín rằng chiến tranh không mang lại giải pháp đúng đắn cho các vấn đề của quốc tế. (…) Tôi hy vọng một cách chân thành rằng hòa bình vẫn còn có thể cứu vãn”, Ðức Thánh Cha viết cho ông Bush. Trong thư gởi vị nguyên thủ Iraq, Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Chúng ta đều có thể mường tượng được hệ quả thảm khốc của một cuộc xung đột vũ trang tại Vùng Vịnh đối với hàng ngàn người dân, với đất nước của ông và với cả khu vực, nếu không muốn nói là với toàn thế giới”. Ngài nhắc về trách nhiệm đối với lịch sử và khẳng định vẫn tin tưởng ông Hussein “sẽ có được những quyết định hợp lý và can đảm, mở đầu cho tiến trình hòa bình”.

Hiệu quả về ngoại giao

Hai ngày trước khi gởi thư, Ðức Thánh Cha một lần nữa kêu gọi Iraq hãy “có những động thái để chấm dứt chiến tranh”, đồng thời cũng kêu gọi tất cả các quốc gia có liên quan cùng “tổ chức một hội nghị hòa bình giúp giải quyết thấu đáo các vấn đề nhằm mang lại sự ổn định lâu dài cho vùng Trung Ðông”. Pháp đã nhanh chóng ủng hộ quan điểm này và là nước đầu tiên trong liên minh Ả Rập - phương Tây trình đề xuất ngừng bắn lên Liên Hiệp Quốc. Tuy đề xuất của Pháp chưa được áp dụng ngay nhưng thiện chí của Paris đã cho thấy đường hướng ngoại giao của Tòa Thánh bắt đầu mang lại những hiệu quả tích cực.

Một xe tăng của quân đội Iraq bị phá hủy trong chiến tranh Vùng Vịnh

Trong bài huấn dụ nhân dịp năm mới trước giáo triều vào ngày 17.1.1991, Ðức Gioan Phaolô II đã nhắc đến cuộc chiến Vùng Vịnh và cảnh báo một thực tế là “luật của người mạnh đang áp đặt một cách thô bạo lên người yếu hơn”. Một lần nữa, Ðức Giáo Hoàng khẳng định, “những ai yêu hòa bình đều biết rằng hơn lúc nào hết, đây là thời điểm dành cho đối thoại, đàm phán và tôn trọng luật quốc tế. Ðúng vậy, vẫn còn có thể đạt được hòa bình. Còn chiến tranh thì sẽ chỉ mang lại sự suy tàn cho toàn thể nhân loại”.

Ngày 28.2.1991, sau nhiều thất bại, lực lượng Iraq rút khỏi Kuwait, chiến tranh Vùng Vịnh kết thúc. Trong buổi đọc kinh Truyền tin vào ngày 3.3.1991, Ðức Giáo Hoàng đã bày tỏ niềm vui khi bom đạn đã thực sự im tiếng: “Chúng ta cùng cầu nguyện để cảm tạ Chúa vì cuộc giao tranh ở Vùng Vịnh đã chấm dứt. Khẩn cầu Chúa thương xót và an ủi những nạn nhân của chiến tranh. Hãy cùng liên đới với người dân Kuwait, sau những thử thách quá lớn vừa qua, họ vẫn tìm lại được độc lập. Hãy gần gũi với người dân Iraq và những nỗi đau của họ. Xin Thiên Chúa hãy giúp cho đất nước này có thể hợp tác bền lâu với các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế”.

“Tòa Thánh không cầu mong gì cho mình”

Trả lời phỏng vấn báo Sole 24 Ore trước chuyến thăm Nga vào tháng 7.2017, Ðức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin nhấn mạnh ngoại giao của Giáo hội là “ngoại giao vì hòa bình”. Trong quan hệ quốc tế, Tòa Thánh “không quan tâm đến quyền lực, và không cầu mong gì cho mình”. Trọng tâm ngoại giao của Vatican là thể hiện tình liên đới, bằng “ngôn ngữ dựa trên Tin Mừng” để mang đến sự giúp đỡ cần thiết vào những thời điểm khó khăn. Và dù vẫn còn nhiều thách thức nhưng mục đích sau cùng của Giáo hội không bao giờ thay đổi: đưa Chúa đến với con người và mang con người đến gần với Chúa.

Lan Chi

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Tôn giáo là một công cụ của hòa bình
Tôn giáo là một công cụ của hòa bình
Cuộc hội thảo “Kitô giáo trong đối thoại với Hồi giáo và các tôn giáo truyền thống châu Phi: những thách thức và cơ hội” được tổ chức tại Nairobi, Kenya từ ngày 9 đến 10.4.2024
Thủ bản Kinh Thánh bán đấu giá 3,8 triệu đô la Mỹ
Thủ bản Kinh Thánh bán đấu giá 3,8 triệu đô la Mỹ
Một trong những thủ bản Kinh Thánh cổ nhất thế giới sẽ được bán đấu giá, khởi điểm 3,8 triệu USD, vào ngày 11.6.2024 tại Luân Đôn.
Ðức Hồng y đầu tiên của Lào tròn 80 tuổi
Ðức Hồng y đầu tiên của Lào tròn 80 tuổi
Ðức Hồng y đầu tiên của Giáo hội Công giáo tại Lào, Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đã tròn 80 tuổi ngày 8.4.2024.
Tôn giáo là một công cụ của hòa bình
Tôn giáo là một công cụ của hòa bình
Cuộc hội thảo “Kitô giáo trong đối thoại với Hồi giáo và các tôn giáo truyền thống châu Phi: những thách thức và cơ hội” được tổ chức tại Nairobi, Kenya từ ngày 9 đến 10.4.2024
Thủ bản Kinh Thánh bán đấu giá 3,8 triệu đô la Mỹ
Thủ bản Kinh Thánh bán đấu giá 3,8 triệu đô la Mỹ
Một trong những thủ bản Kinh Thánh cổ nhất thế giới sẽ được bán đấu giá, khởi điểm 3,8 triệu USD, vào ngày 11.6.2024 tại Luân Đôn.
Ðức Hồng y đầu tiên của Lào tròn 80 tuổi
Ðức Hồng y đầu tiên của Lào tròn 80 tuổi
Ðức Hồng y đầu tiên của Giáo hội Công giáo tại Lào, Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đã tròn 80 tuổi ngày 8.4.2024.
Lạc quyên Mùa Chay ở Trung Quốc
Lạc quyên Mùa Chay ở Trung Quốc
Các tín hữu Trung Quốc đã quảng đại đóng góp cho cuộc lạc quyên năm 2024 do Jinde Charities (tổ chức từ thiện Công giáo tại Trung Quốc) khởi xướng vào Mùa Chay 2024
Ơn toàn xá cho tín hữu tham dự Ðại hội Thánh Thể ở Mỹ
Ơn toàn xá cho tín hữu tham dự Ðại hội Thánh Thể ở Mỹ
Tòa Ân giải Tối cao sẽ ban ơn toàn xá, theo các điều kiện thông thường, cho các tín hữu tham dự Cuộc hành hương Thánh Thể Quốc gia và Đại hội Thánh Thể Quốc gia diễn ra ở Indianapolis
Ðức Phanxicô tái lập tước hiệu “Thượng phụ Tây phương”
Ðức Phanxicô tái lập tước hiệu “Thượng phụ Tây phương”
Trong Niên giám Tòa Thánh năm 2024 mới xuất bản, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái lập tước vị của ngài là “Thượng phụ Tây phương”, một điều có thể làm cho các Thượng phụ Chính thống cũng như Đông phương hài lòng.
Ðức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân động đất tại Ðài Loan
Ðức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân động đất tại Ðài Loan
Trận động đất 7.2 độ Richter xảy ra sáng ngày 3.4.2024 đã làm khoảng 10 người chết, hơn 1.000 người bị thương và chừng 700 người mất tích hoặc còn bị mắc kẹt
Kinh Thánh trọn bộ được dịch ra 743 ngôn ngữ
Kinh Thánh trọn bộ được dịch ra 743 ngôn ngữ
Kinh Thánh toàn bộ Cựu và Tân ước đã được dịch ra 743 thứ tiếng trên thế giới
Tuyên bố mới về phẩm giá con người
Tuyên bố mới về phẩm giá con người
Tuyên bố “Dignitas infinita” về phẩm giá con người được Ðức Hồng y Victor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin giới thiệu ngày 8.4.2024