Ngày 11.4, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự lễ kính Lòng Chúa Thương Xót tại nhà thờ Chúa Thánh Thần Sassia (Santo Spirito in Sassia).
Ngôi thánh đường này cũng là Ðền thánh Lòng Chúa Thương Xót tại Rome, cách Vatican chỉ vài trăm mét. Chia sẻ Lời Chúa, Ðức Thánh Cha giảng giải về việc sau khi Phục Sinh, Ðức Giêsu hiện ra với các tông đồ, vào lúc các ông đang sợ hãi đóng kín cửa: “Trong thời khắc của những hoài nghi và lo sợ, Ðức Giêsu đã nâng họ lên bằng Lòng Thương Xót. Và các môn đệ khi nhận được Lòng Thương Xót, họ cũng trở nên biết xót thương”. Chúa đã ban cho các vị tông đồ - vốn “đang nhốt mình trong nỗi day dứt” - sự bình an “làm lan tỏa lòng tin tưởng trong họ”, “sự bình an của tâm hồn”. Các tông đồ từ chỗ đang nản chí đã “làm hòa với chính bản thân họ”, vì các ông chuyển từ nỗi day dứt sang lòng nhiệt thành với sứ vụ được Chúa sai đi. Sự bình an ấy khơi dậy một sứ vụ, đồng thời cũng “cắt đứt những xiềng xích đang cầm tù tâm hồn”.
Cũng với sự bình an này, Ðức Giêsu đã ban tặng Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, “để tha thứ các tội lỗi”. Chúng ta không thể nào tự làm sạch tội của mình, chỉ có Chúa mới làm được điều đó vì “Người giúp chúng ta thoát khỏi những đau khổ tột cùng”. “Như các tông đồ, chúng ta cũng cần để cho mình được tha thứ”, Ðức Phanxicô nhấn mạnh. Chúng ta cần hiểu rằng “trung tâm của Bí tích Giải tội là Chúa và Lòng Thương Xót của Người”. Như người cha giúp con nhỏ đứng dậy sau khi té ngã, “bàn tay của Chúa cũng sẵn sàng nâng chúng ta đứng lên và giúp chúng ta tiến bước về phía trước”. Bàn tay vững chãi và đáng tin cậy ấy chính là Bí tích Giải tội: “Ðó là Bí tích của sự Phục Sinh, là Lòng Thương Xót thuần khiết”.
Hồng ân kế tiếp mà Ðức Giêsu ban cho các môn đệ là những vết thương của Người: “Như thánh Tôma, chúng ta chạm tay vào được bằng chứng rằng Chúa yêu thương ta đến tận cùng. Những vết thương chính là các con kênh rộng mở kết nối Người với chúng ta. Khi tôn kính những vết thương ấy, chúng ta khám phá ra rằng mỗi sự yếu đuối của ta đều được Người đón nhận trong sự dịu dàng. Các vết thương rạng ngời của Chúa đã đâm thấu những điều u tối mà chúng ta vẫn giữ trong lòng”. Và hành trình của Kitô hữu bắt đầu từ đây. Chỉ có đón nhận tình yêu của Chúa, “chúng ta mới có thể mang đến điều gì đó mới mẻ cho đời”, chứ không phải dựa vào khả năng, hệ thống hay kế hoạch của con người.
Các tông đồ, sau khi đón nhận Lòng Thương Xót, cũng đã biết mở lòng ra để khoan dung, độ lượng. Các vị trao những gì mình có thành của chung, đó chính là “Kitô giáo thuần khiết”. Họ đã khám phá ra rằng “khi cùng có sứ vụ, ơn tha thứ và Thánh Thể thì việc cùng chia sẻ của cải thế gian là điều tự nhiên”. Vì vậy, Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu: “Ðừng sống đức tin một cách nửa vời, chỉ nhận mà không trao đi. Nếu trói buộc tình yêu ở bản thân mình, đức tin sẽ héo hon trong một khung cảnh cằn cỗi. Không có tha nhân, đức tin sẽ trở nên viển vông. Không có hoa trái của Lòng Thương Xót, đức tin sẽ chết”. Chỉ khi quan tâm đến vết thương của anh chị em xung quanh, chúng ta mới chứng thực được rằng Chúa đã chạm đến cuộc đời mình.
Ðây là lần thứ hai Ðức Thánh Cha dâng lễ kính Lòng Chúa Thương Xót tại nhà thờ Chúa Thánh Thần Sassia. Năm ngoái, do đại dịch bùng phát, thánh lễ không có cộng đoàn tham dự. Năm nay, các biện pháp phòng chống Covid-19 được chính phủ Ý nới lỏng, tuy vẫn phải hạn chế số lượng nhưng vẫn có khoảng 80 người được dự. Một số vị Thừa sai Lòng Chúa Thương Xót đã đồng tế với Ðức Thanh Cha. Ngoài ra, trong số những người hiện diện, có các tù nhân đến từ 3 nhà giam Regina Coeli, Rebibbia và Casal del Marmo. |
Lan Chi
Bình luận