Các tín hữu, đặc biệt là người Ý, luôn nhớ về Đức Gioan XXIII với hình ảnh một vị giáo hoàng vui tính, hiền hòa, cởi mở và đã tạo nên dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Giáo hội qua Công đồng Vatican II.
Sáng 24.5.2018, một đoàn xe trong vòng bảo vệ của cảnh sát xuất phát từ Vatican đến thành phố miền bắc Ý là Bergamo, cách hơn 6 giờ chạy xe. Ở một khía cạnh nào đó, đây quả thật là một đoàn xe của Đức Giáo Hoàng, nhưng không giống như hình ảnh mà chúng ta thường hình dung.
![]() |
Thi hài Thánh Gioan XXIII được rước về quê hương |
Cuộc hành hương đặc biệt
Trên thực tế, một đấng kế vị của thánh Phêrô đang đi về hướng bắc, nhưng không phải là Đức Tổng Giám mục đương chức của thành Rome. Thay vào đó, đoàn xe đưa di hài của vị cố Giáo Hoàng được Đức Phanxicô tuyên thánh vào năm 2014: thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII (1881-1963). Còn được gọi một cách trìu mến là “Ðức Giáo Hoàng Gioan nhân hậu”, ngài là người triệu tập Công đồng Vatican II, kết nối Giáo hội vào dòng chảy nhiều đổi thay của thế giới. Đức Giáo Hoàng là người con mến yêu của Sotto il Monte, một thị trấn nhỏ bé với khoảng 4.000 dân gần thành phố Bergamo. Chuyến du hành này được tổ chức nhân 60 năm ngày Đức Gioan XXIII được mật nghị bầu chọn làm chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ năm 1958. Ngoài ra, đây cũng là dịp để những người dân địa phương ít có điều kiện đến Rome - như người nghèo và người cao tuổi - có thể viếng ngài.
Di hài của vị thánh được đưa đến quảng trường trung tâm Bergamo vào trưa cùng ngày, nơi diễn ra lễ đón chính thức. Kế đến, đoàn dừng lại tại một nhà tù địa phương, tưởng nhớ chuyến thăm nổi tiếng của thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII ở nhà tù Regina Coeli thuộc Rome vào năm 1958, trước khi đến địa điểm tiếp theo là một trường dòng. “Các con không thể rời khỏi nhà tù để đến với ta, vậy thì ta đến thăm các con”, Đức Gioan XXIII nói với các tù nhân khi ấy. Thời khắc này trở thành vĩnh viễn, và những hình ảnh ghi lại cảnh tượng xúc động vẫn tiếp tục tồn tại đến ngày nay trong các kho tư liệu của báo đài. Đến Chúa nhật 27.5, di hài của ngài được rước đến Sotto il Monte (tên hoàn chỉnh là “Sotto il Monte Giovanni XXIII”) và được lưu ở Đền Thánh Đức Mẹ Hòa Bình để công chúng kính viếng đến ngày 10.6.
![]() |
Dự kiến, sẽ có nhiều người hành hương đến Sotto il Monte trong suốt thời gian này, và để tạo điều kiện cho mọi người di chuyển tự do, chính quyền địa phương quyết định phong tỏa xe cộ tại khu vực trung tâm. Ngoài việc thúc đẩy về kinh tế cho Sotto il Monte, cho phép nhà hàng, khách sạn và các cửa hàng trong thị trấn đón lượng khách gia tăng đột biến trong dịp rước vị thánh về quê nhà, làn sóng người hành hương đông đảo cho thấy người Ý vẫn luôn rất yêu mến Đức Gioan XXIII. Hầu như mỗi cửa hàng trên đất nước hình chiếc ủng, mỗi xe taxi chở khách ngoài ảnh tượng Chúa và Đức Đồng Trinh thường có hình ảnh của ngài, được đặt một cách rất trang trọng.
![]() |
Gần gũi và cảm thông
Việc Đức Gioan XXIII xuất thân từ một gia đình nông dân, và có tấm lòng rộng mở, đầy cảm thông với những con người bình thường đang chịu khổ đau, tất cả hòa quyện thành một ấn tượng khó quên, không những trường tồn mà ngày càng sâu sắc hơn theo thời gian. Với phong cách có nhiều khác biệt so với các vị tiền nhiệm, ngài được gọi là “vị giáo hoàng của dân chúng”, đấng mà bất kỳ người nào cũng cảm thấy có mối liên hệ thân thuộc, gần gũi. Với sự ảnh hưởng rộng rãi ấy, tạp chí Time đã bình chọn ngài là “nhân vật của năm” vào năm 1962. Kể từ khi tổ chức bình chọn vào năm 1927, đây là lần đầu tiên tạp chí danh tiếng này tôn vinh một giáo hoàng.
Đáng ghi nhận, Đức Gioan XXIII được bầu chọn vào thời điểm mà nhiều người cho rằng tôn giáo nói chung bắt đầu bị xã hội phương Tây lơ là. Thời gian ngài dẫn dắt Giáo hội đã tạo nên rất nhiều đổi thay tích cực, giúp nhiều khoảng cách được xóa bỏ. Bằng những cách riêng của chính mình, mỗi triều đại giáo hoàng từ sau Đức Gioan XXIII đều nỗ lực tạo nên mối liên kết tương tự với thế giới.
![]() |
Trên thực tế, qua những dấu ấn của 6 vị giáo hoàng gần đây nhất, bao gồm Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô I, Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và hiện là Đức Thánh Cha Phanxicô, đều cho thấy Hội Thánh luôn “đến với muôn dân”. Từ “Ðức Giáo Hoàng Gioan nhân hậu”, thông điệp này được tiếp nối một cách nhiệt thành và sâu sắc. Có thể nói, Đức Gioan XXIII đã thổi một làn gió mới vào Giáo hội, mát lành đến tận ngày nay.
GIANG VÔ YÊN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.