Chuyến ra khơi cuối cùng của cha Michel Jaouen

VIẾT HIỆP

Người con của đảo Ouessant, Tây Bắc Pháp, linh mục Michel Jaouen, vừa qua đời ngày 7.3, thọ 95 tuổi, sau một đời tận tụy đưa nhiều bạn trẻ từng có thời lầm lỡ ra khơi để hòa nhập lại xã hội, theo báo La Vie.

Con thuyền ba cánh buồm Bel Espoir không còn thuyền trưởng nữa. Cha Jaouen đã hoàn thành chuyến đi cuối cùng trong căn hộ của hiệp hội Amis du Jeudi-Dimanche (AJD) tại Paris. Hàng ngàn người đã trở thành kẻ mồ côi. Người “thợ xây tâm hồn” đã giúp họ làm lại cuộc đời, nay đã đặt bay xuống. Giọng sang sảng của ngài sẽ không còn vang vọng để nói về phẩm giá của mỗi cá nhân và đặc biệt của những người lầm lỡ.

Đối với vị tu sĩ Dòng Tên hăng hái này, cuộc sống không thể chỉ đóng khung trong trường học. Ra khơi thôi ! Năm 1968, để đưa người nghiện ra khơi, ngài sắm Bel Espoir, một chiếc thuyền gỗ cũ kỹ. Và thuận buồm xuôi gió.

Nhà hải hành nổi tiếng người Pháp Olivier de Kersauzon kể lại: “Tôi từng được nuôi nấng và giáo dục tại nhà cha sở. Khi biết ông ấy cũng là linh mục, tôi đã rất ấn tượng. Một tâm hồn lớn”. Một tâm hồn từng hòa điệu với sóng nước của vùng Finistère. Một tâm hồn được khắc họa vào đá hoa cương bằng những cơn gió lớn miền Bretagne. Một tâm hồn mà các tay đi biển lão luyện như Kersauzon, Arthaud, Tabarly, Lamazou đều đã có dịp hạnh ngộ tại các hải cảng, đôi khi trong các chuyến đi xa và rất yêu mến, thán phục.

Cậu bé “con nhà bác sĩ” Jaouen sinh tại đảo Ouessant năm 1920. Cậu có đôi mắt trong sáng, dáng vẻ ngư dân, từ sáng sớm đã sẵn sàng ra chợ cá ở cảng. Tuy nhiên, cậu chỉ sống tại đây trong ba năm đầu tiên vì căn nhà của gia đình Jaouen chẳng bao lâu trở nên chật hẹp với mười ba người con.

"...Con người ấy thật quảng đại và vài giây phút chia sẻ với cha cũng đủ mang lại nghị lực cho người đối thoại..."

Nhưng ngay cả khi đã vào đất liền, tại làng Kerlouan, Michel vẫn nhớ đến tuổi thơ hạnh phúc, đơn giản với không gian, biển cả, bạn bè và trí tưởng tượng… Và rồi, cậu bước vào trường Dòng Tên tại Brest, nơi cậu cảm thấy “như một con cua biển lọt vào lờ”! Năm hai mươi tuổi, chàng thanh niên Michel Jaouen vào nhà tập Dòng Tên, và đi Thượng Hải, nơi Tỉnh Dòng Paris đã được thiết lập. Cha kể: “Giả sử người ta giới thiệu Dòng như một nơi dành cho học thuật, có lẽ tôi đã đi chỗ khác. Tại Trung Quốc, may mắn là có vẻ vẫn có việc để tôi làm. Bởi lẽ tôi không hề hứng thú với chuyện suốt đời gắn bó với trường học và lây lất trong các thư viện hay đại học”.

Chiến tranh vội vã xóa đi các giấc mơ về chùa chiền và ruộng đồng của xứ Á Đông. Jaouen lại trở về gần Lyon. “Trong vùng tự do (những vùng tại Pháp không chịu sự quản lý của phát xít Đức, ND). Tôi hoạt động như mọi người, tôi làm việc xây sửa, làm mộc, trong phe Kháng chiến”, cha khiêm tốn tâm sự. Ngài kịch liệt từ chối đi lao động cưỡng bức tại Đức (STO) dù được bề trên “động viên”. Ngài chuyển sang hoạt động bí mật với bí danh Jean Lecoeur tại Bretagne, với hai thầy Dòng và các bạn. Ngài còn lập kế hoạch lên thuyền để đến London và liên kết với tướng De Gaulle nhưng bất thành. Sau đó, cha lại tham gia tổ chức Chữ Thập Đỏ tại thành phố Tours. Trong cuộc đổ bộ của quân đồng minh ở Caen, cha gom những người dân chạy loạn trước bom đạn để đưa họ sang vùng phía nam.

Tất cả đều là bí mật và Jean Lecoeur chỉ công khai xuất hiện khi phe phát xít đã bại trận: cha đăng ký vào chủng viện Dòng Tên tại Puy-en-Velay, tham gia khai quật và cải táng hài cốt các chiến sĩ tử trận trên chiến trường. Chiến tranh kết thúc, Lecoeur-Jaouen lại nghĩ đến việc ra đi. Luôn khao khát du hành, vị tu sĩ trẻ ấy thử đồng hành, trong thời gian rất ngắn, với đội kỵ binh, rồi đoàn quân viễn chinh Pháp ở Bắc Phi. Đó cũng là lần đầu tiên cha tiếp xúc những người từng lầm lạc. Nhờ đó, cha học biết “không lên án ai khi chưa biết họ”.

Trở lại Lyon, sinh viên Michel Jaouen ra sức học hành để hoàn tất chương trình trong một thời gian kỷ lục rồi cùng với các đồng môn, cha bắt đầu chăm sóc các thanh niên phạm pháp. Những cậu bé 12 - 13 tuổi, phần lớn là mồ côi, đôi khi không biết quốc tịch của cha mình. Giữa hai học phần thần học của Dòng, thầy Jaouen và các bạn lập ban Tuyên úy Giới trẻ Phạm pháp (Aumônerie de la Jeunesse Délinquante, AJD), sau đó đổi tên thành Asociation des jeudi dimanche. Cùng các sinh viên ở Paris, cha tổ chức trại hè ở Bretagne cho các cậu bé từng có thời lầm lạc. Hiệp hội AJD nhanh chóng phát triển trên khắp nước Pháp.

“Tôi muốn họtự đứng vững”

Kỳ nghỉ kết thúc, các cậu bé lại trở về điểm xuất phát. Nói cách khác là vào tù. Cha Jaouen từng bước “làm quen” rồi bám trụ ở khu trại dành cho trẻ vị thành niên trong nhà giam Fresnes. Cha là tuyên úy của chúng suốt mười năm sau và đã hiểu được giới hạn của việc cầm tù. Tại Paris, cha lập nên mái ấm Épinettes, tiếp nhận những bạn trẻ từng sống buông thả, thậm chí phạm tội, không nghề nghiệp, thất học và mất phương hướng. Từ khóa của cha Jaouen: trách nhiệm. Phương pháp: “đá vào mông”. Cha tóm tắt không nể nang: “Ai chống đối phương pháp này, là người không dám đá. Những cậu nhỏ từng phá làng phá xóm hay với các con nghiện đều gặp cùng một vấn đề, họ thiếu thốn tình cảm. Mấy đứa quậy phá thì có vẻ hung hăng, trong khi người nghiện thì trốn chạy. Đây là cách thức để thu hút sự chú ý của người khác và thiết lập mối quan hệ. Nhưng với tôi, tôi không muốn làm cái nạng cho họ chống, tôi muốn họ tự đứng vững…”.

"...Chính họ thực hiện chuyến du hành và tự túc chi phí..."

Biển cả hay cuộc du hành vẫy gọi? Có phải đây là những quan niệm mới về sư phạm phát sinh từ trải nghiệm tích lũy trong những năm tháng ấy? Chắc chắn cả hai yếu tố trên đã thúc đẩy cha Jaouen, giữa những năm 60, phải đổi hướng: mái ấm Epinettes vẫn là môi trường giáo dục có giám sát. Vậy tại sao không chọn một nơi không gợi lại quá khứ đau buồn? Hiệp hội AJD sau cùng cũng chọn được một chiếc tàu và mua với giá rẻ mạt: tàu gỗ, Prince Louis II, được đóng năm 1944 tại Bắc Âu và từng thắng giải đua thuyền ở Fastnet (Anh). Tàu được đặt tên lại là Bel Espoir (Hy vọng Đẹp). Chiếc thuyền ba cánh ra khơi lần đầu ngày 12.5.1968.

Không có ma túy, chỉ có một số loại thuốc tây cơ bản và một bác sĩ âm thầm tháp tùng. Tất cả những điều ấy cần thiết để quên đi chất kích thích: đó là khởi đầu đầy đau đớn trong chuyến hải trình của các bạn trẻ nghiện ngập. Chính họ thực hiện chuyến du hành và tự túc chi phí. Cha Jaouen giải thích cho các con nghiện 20-30 tuổi: “Nếu các con thực sự muốn cai nghiện, hãy tự xoay sở lấy. Các con có thể mua cocain được, thì hãy tìm cách xin tiền bố mẹ hay một tổ chức xã hội nào đó”. Cha nói tiếp: “Tách họ ra khỏi bọn buôn ma túy vẫn chưa đủ. Trên tàu này là một xã hội thu nhỏ. Ở đó, chúng tôi cùng chia sẻ các công việc không ép buộc, cùng học hỏi và giải trí. Chúng tôi giúp các bạn ấy thiết lập lại các mối quan hệ lành mạnh hơn, không lệ thuộc, không cần cảnh sát lẫn các nhà tâm lý”.

Với tàu Bel Espoir (từ nhiều năm qua có thêm tàu Rara Avis do Chủ tịch tập đoàn BHV tặng), linh mục Jaouen mời một số nhà lãnh đạo các công ty tham gia chuyến du hành sang đảo Antilles để chia sẻ cuộc sống trong vài ngày với các thanh niên đang cai nghiện. Đây cũng là cách để vận động tài trợ cho chuyến đi. Cha Jaouen kể: “Tôi còn nhớ viên phi công hãng hàng không Air France cùng vợ tham gia chuyến đi đến quần đảo Grenadines”. Sau chuyến đi, ông kết luận: “Đảo Grenadines chẳng mấy hấp dẫn. Bọn trẻ của cha mới lý thú!”. Đây là lời khen dành cho người thủy thủ hảo tâm, cha Jaouen, người đưa đò ngoan cường và nhiệt thành của các thanh niên nghiện ngập, người từng “ngẫu nhiên” trở thành tu sĩ Dòng Tên. Nhưng trước hết, đó là con người xuất chúng.

“Dị ứng” các khu biệt cư

Đấu tranh không mệt mỏi và rất ghét các khu biệt cư, cha luôn tin tưởng vào việc kết nối mọi người với nhau để phá bỏ việc cô lập những ai khó thích nghi với đời sống xã hội. Con người ấy thật quảng đại và vài giây phút chia sẻ với cha cũng đủ mang lại nghị lực cho người đối thoại. Đôi mắt xanh của cha như nhìn thấu suốt đến tận đáy lòng, ánh nhìn của sự thật. Đằng sau tính khí cứng rắn của cha là tình thương dành cho những người ngài không ngừng giúp đỡ. Điều chúng ta ít biết đến là trung tâm đào tạo của ngài, Moulin de l’Enfer, ở Lannilis, cứ mỗi khóa lại giúp từ 30-40 bạn trẻ học các nghề của ngành hàng hải.

Trong những người vừa “mồ côi” có người bạn trung thành của cha, George Pernoud, năm 2011 và 2012, đã đi vòng quanh các cảng của Pháp trên chiếc Bel Espoir để thực hiện một tập của chương trình truyền hình Thalassa. Ông Pernoud nhớ lại: “Cha Michel nói rằng điều luôn thiếu sót trong nền văn minh hiện đại chính là sự lắng nghe. Con người vĩ đại này đã ngã xuống”.

VIẾT HIỆP

“Đám cưới tôi, cha mặc đồ lao động đầy vết sơn…”

Nữ thủy thủ Karine Fauconnier đã lớn lên trên Vendredi 13, con tàu huyền thoại được bố của bà, ông Yvon, một thủy thủ nổi tiếng, chuyển thành du thuyền. Chính từ tàu khổng lồ này, bà đã gặp cha Jaouen lần đầu.

Chị chia sẻ về cha Jaouen:“Thủy thủ lừng danh Florence Arthaud đã nói: “Nếu mọi người đều giống như cha Jaouen, người ta sẽ dễ dàng tin Chúa hơn”. Đó là một mẫu người tượng trưng cho các giá trị tình yêu, chia sẻ và đời sống cộng đồng. Hơn hết, ngài là một thủy thủ. Tôi đã gặp ngài ở đảo Antilles. Lúc ấy tôi còn nhỏ, nhưng tôi nhớ cha rất rõ. Sau này, khi mười tám tuổi, tôi làm việc trong thời gian ngắn cho một nhật báo vừa thành lập. Bài báo duy nhất tôi đã viết là về ngài vì tờ báo chỉ duy trì được một tháng”.

“Cha Jaouen đến dự đám cưới của tôi vào năm 2005 trong bộ đồ lao động và giày đầy vết sơn vì vừa về từ xưởng bảo trì của chiếc Bel Espoir. Thật vui. Cha đã tìm ra một nguyện đường, người ta trao chìa khóa cho cha để dâng thánh lễ. Tôi đã nói với cha là tôi không thể làm phép cưới tại nhà thờ, vì tôi chưa được rửa tội và theo đạo. Cha trả lời: “Nếu con theo đạo Hồi, ta vẫn làm lễ cưới cho con ở nhà thờ! Ta không quan tâm điều đó. Ta có thể làm hôn lễ ở bất cứ nơi nào con muốn, kể cả trên thuyền nếu con thích”. Tôi còn nhớ bữa ăn tối tại nhà cha ở Paris, nơi luôn có khách vãng lai. Cha đã dọn bàn. Chúng tôi tất cả là sáu người, nhưng cha lại thêm bộ muỗng nĩa thứ bảy. Chúng tôi bắt đầu ăn. Tôi ngạc nhiên vì không ai đợi người thứ bảy cả. Cha trả lời: “Không, chẳng có người thứ bảy; nhưng cha luôn đặt thêm một bộ bát đĩa. Biết đâu sẽ có người gõ cửa”. Cha Jaouen là thế đấy. Một nhân vật kỳ lạ đã được rất nhiều việc. Chúng ta sẽ nhớ ngài”.

MINH NHẬT (theo báo Le Télégramme)

tin liên quan

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm ngày ban hành Tông huấn Christus vivit - Chúa Kitô đang sống, Đức Thánh Cha Phanxicô gởi sứ điệp mời gọi các bạn trẻ thắp lại niềm hy vọng, bắt đầu lại từ lời loan báo “Chúa Kitô hằng sống”.
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Cuộc rước Lễ Lá 24.3.2024 đã trở thành sự kiện lịch sử ở thị trấn Mongu, Zambia, với sự tham gia của các tín hữu Tin Lành và tín hữu Công giáo, thể hiện tinh thần đại kết Kitô giáo.
Rước Lá đón hòa bình
Rước Lá đón hòa bình
Trong thư được công bố vào Chúa nhật Lễ Lá, Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Myanmar, kêu gọi chấm dứt những đêm dài xung đột và sợ hãi, đồng thời mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin Chúa...
Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm ngày ban hành Tông huấn Christus vivit - Chúa Kitô đang sống, Đức Thánh Cha Phanxicô gởi sứ điệp mời gọi các bạn trẻ thắp lại niềm hy vọng, bắt đầu lại từ lời loan báo “Chúa Kitô hằng sống”.
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Cuộc rước Lễ Lá 24.3.2024 đã trở thành sự kiện lịch sử ở thị trấn Mongu, Zambia, với sự tham gia của các tín hữu Tin Lành và tín hữu Công giáo, thể hiện tinh thần đại kết Kitô giáo.
Rước Lá đón hòa bình
Rước Lá đón hòa bình
Trong thư được công bố vào Chúa nhật Lễ Lá, Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Myanmar, kêu gọi chấm dứt những đêm dài xung đột và sợ hãi, đồng thời mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin Chúa...
Tín dụng xã hội cho người cần giúp đỡ
Tín dụng xã hội cho người cần giúp đỡ
Hướng về Năm Thánh 2025, qua Caritas, Giáo hội Ý đang chuẩn bị dự án vi tín dụng xã hội, để hỗ trợ những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng thông thường.
1.700 người lãnh nhận Bí tích Rửa tội ở Malaysia
1.700 người lãnh nhận Bí tích Rửa tội ở Malaysia
Trong đêm vọng Phục Sinh 2024, Giáo hội tại Malaysia có hơn 1.700 dự tòng lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Trong những năm gần đây, số người trưởng thành xin lãnh nhận Bí tích Rửa tội gia tăng tại Malaysia.
Cuộc hành hương Laudato Si ở Bangladesh
Cuộc hành hương Laudato Si ở Bangladesh
Ủy ban Giám mục về Công lý và Hòa bình Bangladesh đã tổ chức cuộc hành hương “Laudato si Quốc gia”, cổ vũ chăm sóc thiên nhiên và môi trường, cũng như nhận thức được vai trò của mỗi người trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Thay đổi lối sống tiêu dùng và hưởng thụ
Thay đổi lối sống tiêu dùng và hưởng thụ
Đức Giám mục Hormat mời gọi tất cả tín hữu thay đổi suy nghĩ để trở nên toàn diện và hài hòa, coi vũ trụ, con người và Đấng Tạo Hóa đều ở trong một mạng lưới liên kết với nhau và hình thành nên một gia đình phổ quát.
Hiệp lòng dập tắt lửa oán ghét
Hiệp lòng dập tắt lửa oán ghét
Nhân tháng Ramadan của Hồi giáo (11.3 - 10.4.2024), Tòa Thánh đã công bố sứ điệp chúc mừng các tín hữu Hồi giáo trên thế giới, và kêu gọi cùng nhau dập tắt ngọn lửa chiến tranh và thắp lên ngọn nến hòa bình.
Giám mục Philippines lên tiếng bảo vệ Ðồi Sôcôla
Giám mục Philippines lên tiếng bảo vệ Ðồi Sôcôla
Đức cha Alberto Sy Uy, Giám mục giáo phận Tagbilaran ở Philippines đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo tồn Đồi Sôcôla (Chocolate Hills), sau khi một khu nghỉ dưỡng gây tranh cãi ở khu vực này tạm thời ngừng hoạt động vào ngày 15.3.2024