Các nhà khảo cổ học tìm được chứng cứ về một trận động đất từng xảy ra tại thành phố của David ở Giêrusalem cách đây khoảng 2.800 năm. Nhiều khả năng đây là sự kiện đã được ghi nhận trong Cựu Ước.
Thành phố của David là một khu vực nằm ở phía đông nam của Cổ thành Giêrusalem. Nơi đây liên tục diễn ra hoạt động khảo cổ và cũng là một nơi định cư quan trọng của Israel. Trong quá trình khai quật thành phố của David, đội ngũ chuyên gia thuộc Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel đã phát hiện dấu vết của một tầng khảo cổ bị phá hủy khoảng 2.800 năm trước. Ðịa điểm thu được manh mối chính là Công viên Quốc gia Thành phố của David.
![]() |
Manh mối từ nhiều nơi
Trong quá trình khai quật, các nhà khoa học tìm được một lớp vật liệu từ những mảnh vụn của đủ dạng đồ gốm. Họ phát hiện những mảnh vụn này đến từ chén bát, dụng cụ nấu bếp, đèn, vò gốm và những lọ chứa thực phẩm. Tất cả đều vỡ vụn dưới những bức tường bị đổ nát, theo trang Live Science dẫn báo cáo của đội ngũ chuyên gia. Họ cũng không tìm được bất kỳ dấu vết nào cho thấy từng xảy ra hỏa hoạn tại đây. Ðồng thời, các nhà nghiên cứu cũng loại trừ khả năng bị tấn công từ bên ngoài, chẳng hạn như trong một vụ giao tranh, xung đột vũ trang.
Những nơi khác của khu vực cũng xuất hiện các dấu vết phản ánh một vụ phá hủy tương tự vào thời điểm đó. Ðiều này cung cấp thêm chứng cứ cho thấy các dấu vết bị hủy hoại ở một số nơi thuộc vùng nam Levant (bao gồm Israel ngày nay, Palestine, Jordan) có thể là manh mối về một trận động đất được ghi chép trong Cựu Ước. Sách Amốt và Sách Xachari đều đề cập một cơn địa chấn xảy ra vào thời điểm này, khi Giêrusalem còn là kinh đô của Giuđa, dưới sự trị vì của một vị vua tên Uzziah (Ôxia). “Người ta sẽ chạy trốn như trong cuộc động đất đời Vua Ôxia, nước Giuđa”, Sách Xachari viết.
![]() |
Những mảnh vỡ của đồ gốm |
“Có vẻ như dù Giêrusalem không phải là tâm chấn của trận động đất, nơi này cũng bị ảnh hưởng đáng kể”, Live Science dẫn lời ông Joe Uziel, nhà khảo cổ học của Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel cho biết. Ðể rút ra kết luận liên quan đến tâm chấn, các chuyên gia đã dựa vào mức độ tổn thất ở Giêrusalem và những nơi khác của khu vực. Các dự án khảo cổ cũng tiết lộ, sau khi bị phá hủy, người xưa đã xây lại các tòa nhà và những bức tường. Việc trận động đất được đề cập trong Cựu Ước cũng là dấu hiệu cho thấy cơn địa chấn nhiều khả năng gây ra thương vong không hề ít.
Manh mối ở những nơi khác
Trước phát hiện trên, các học giả không tham gia cuộc nghiên cứu của Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel đều ủng hộ kết luận của nhóm này. “Các nhà khoa học đã diễn dịch và giải thích một cách có cơ sở”, theo ông Israel Finkelstein, giáo sư danh dự ngành khảo cổ của Ðại học Tel Aviv (Israel). Ðội ngũ nghiên cứu đã sử dụng những mảnh vụn gốm sứ để xác định niên đại của trận động đất. Dù vậy, giáo sư Finkelstein cho rằng cần sự tham vấn của các nhà địa chấn học nếu muốn tìm hiểu quy mô và mức độ ảnh hưởng của một trận động đất trong quá khứ.
![]() |
Khu vực khai quật |
Ông Finkelstein lưu ý chứng cứ về một trận động đất xảy ra hồi thế kỷ thứ 8 Trước Công nguyên cũng có thể được thu thập ở những nơi khác của khu vực, bao gồm Megiddo. Trong đó, Megiddo là địa điểm giáo sư Finkelstein từng khai quật nhiều năm trước. Cách đây khoảng 15 năm, một đội ngũ các nhà địa chấn học và khảo cổ học đã ghi lại chứng cứ về hoạt động địa chất tại đây, bao gồm những bức tường bị nghiêng và nứt gẫy.
“Tôi không thấy cuộc khai quật ở thành phố David như báo cáo đã nêu, nhưng rõ ràng có thể tìm thấy một số tổn hại ở Giêrusalem đến từ trận động đất xảy ra giữa thế kỷ thứ 8 Trước Công nguyên”, theo ông Shmuel Marco, giáo sư vật lý địa chất tại Ðại học Tel Aviv. Ông là người tham gia nghiên cứu trận động đất ở Megiddo. “Chúng tôi phát hiện tàn tích xảy ra cùng niên đại ở Megiddo, và những nơi khác trong các dự án khai quật, và trong mẫu khoan ở thềm Biển Chết”, ông Marco cho biết. Tất cả những manh mối cho thấy phạm vi địa chấn khá rộng.
Ông Jason Radine, Chủ tịch Khoa Tôn giáo Toàn cầu tại Ðại học Moravia ở Bethlehem, bang Pennsylvania (Mỹ), cũng đồng ý với kết luận của nhóm chuyên gia thuộc Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel. Ông lưu ý Cựu Ước từng đề cập Giêrusalem đã bị tấn công vào khoảng năm 790 hoặc 780 Trước Công nguyên. Một vụ tấn công như thế ắt hẳn phải để lại một lớp tàn tích liên quan đến vụ cháy. Thế nhưng, đội ngũ Israel không tìm thấy dấu vết như thế. Vì thế động đất nhiều khả năng gây nên sự phá hủy ở thành phố của David chứ không phải là nguyên nhân khác.
![]() |
Các vết tích có thể liên quan đến vụ động đất từng được đề cập trong Cựu Ước |
Ông Thomas Levy, giáo sư khảo cổ học uy tín của Ðại học California ở San Diego (Mỹ), cũng nghiêng về lập luận từng xảy ra trận động đất vào thời điểm đó và nhiều khả năng là cơn địa chấn được Cựu Ước ghi chép . “Khi kết hợp dữ liệu từ Thánh Kinh với khảo cổ học và địa chấn học cổ đại ở vùng nam Levant, rõ ràng chúng ta có thể thấy được sự tương quan giữa Sách Amốt và manh mối khảo cổ học”, ông kết luận.
LING LANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.