Ngày 16.8.2015, Tu viện Đại kết Taizé đã kỷ niệm 75 năm thành lập, 100 năm sinh nhật của vị sáng lập là thầy Roger Schutz và 10 năm ngày thầy qua đời.
MỘT MÙA XUÂN NHỎ
Cộng đoàn Taizé là một tu hội đại kết tại làng Taizé, tỉnh Saône-et-Loire, thuộc vùng Bourgogne, miền tây nước Pháp. Cộng đoàn này hiện bao gồm hàng trăm anh em tu sĩ thuộc nhiều giáo hội Kitô khác nhau như Công giáo, Tin lành, Anh giáo... đến từ khoảng 30 quốc gia trên thế giới. Được thành lập vào năm 1940 bởi thầy Roger Schutz - một người Tin Lành. Lý tưởng của cộng đoàn là cổ vũ mạnh mẽ cho nền công lý và hòa bình của thế giới thông qua việc cầu nguyện và chiêm niệm. Tại đây, thầy đã đón tiếp những người tị nạn từ đệ nhị thế chiến, trong đó có nhiều người Do Thái. Hoạt động của thầy bị theo dõi nên phải trốn sang Thụy Sĩ đến năm 1944 mới trở lại Taizé.
![]() |
Thầy Alois Loeses cùng các em thiếu nhi |
Năm 1949, thầy cùng 6 sư huynh khác làm lễ tuyên khấn độc thân, sống cộng đoàn và sống trong thanh bần ẩn dật bằng chính sức lao động của mình. Bất chấp những khó khăn về vật chất vào thời điểm đó, họ không chút hoài nghi về ngày “lời cộng đoàn” sinh hoa kết trái. Từ cuối thập niên 50, giới trẻ bắt đầu tìm đến Taizé. Cũng từ năm 1962, các thầy quyết định mỗi năm rời khỏi Taizé một lần để tổ chức những cuộc “gặp gỡ châu Âu” với các Giáo hội khác. Năm 1989, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, những cuộc gặp này có thêm sự tham dự của nhiều bạn trẻ đến từ Đông Âu, trong đó có rất đông tín hữu Chính Thống.
Ngày 5.10.1986, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến chia sẻ những sinh hoạt với cộng đoàn nhỏ bé này. Trong cuộc viếng thăm và cầu nguyện với những người tham dự trên một ngọn đồi ở Taizé, ngài đã tỏ ra rất thân thiết với các sư huynh của cộng đoàn, và đặc biệt gởi đến thầy Roger tình huynh đệ. Ngài nhắc lại lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII: “Taizé, đó chính là một mùa xuân nhỏ! Với mùa xuân bé nhỏ này, niềm vui của Phúc Âm đã mang lại niềm hy vọng cho sự hòa giải và hiệp nhất giữa những môn đệ của Chúa Kitô.”
![]() |
Thầy Roger Schutz |
Tên gọi của Taizé được nhắc đến như biểu tượng của bình an, hòa giải, hiệp thông và sự chờ đợi chân thành một mùa xuân trong Giáo hội, như chính lời phát biểu của thầy Roger: “Khi Giáo Hội biết yên lặng lắng nghe, chữa lành và hòa giải, chính là lúc Giáo Hội rạng rỡ nhất vì phản ảnh tình yêu thương thuần khiết”.
CỘNG ĐOÀN ĐẠI KẾT VÀ QUỐC TẾ
Cộng đoàn Taizé có mặt ngay từ lúc phong trào đại kết bắt đầu hình thành tại các Giáo hội Kitô giáo ở châu Âu. Thậm chí trước khi có những sư huynh Công giáo gia nhập (kể từ năm 1968), cộng đoàn đã tiếp đón rất nhiều bạn trẻ Công giáo đổ dồn về Taizé và gieo vào lòng họ những mối quan tâm đối với Giáo hội La Mã.
Cộng đồng Taizé hiện trải rộng khoảng 30 quốc gia, trong đó, nhiều thầy đang có mặt tại Brazil, Bangladesh, Hàn Quốc và Sénégal, hoạt động trong những cộng đoàn được thành lập để chia sẻ với những người nghèo khổ nhất và sẵn sàng đón tiếp những ai cần đến họ. Họ đến sống với các em đường phố, các tù nhân, các người bệnh ở giai đoạn cuối, những người sống trong cảnh khốn cùng... Các sư huynh còn tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa các Kitô hữu theo yêu cầu của các Giáo hội địa phương.
![]() |
CĐ Taizé trong một giờ cầu nguyện chung tại nhà thờ Hòa Giải, Taizé |
Năm nay, cộng đoàn mừng kỷ niệm lần thứ 75 thành lập và lần thứ 100 sinh nhật của thầy Roger. Hơn 6.000 người từ khắp nơi trên thế giới đã hành hương một tuần lễ tại Taizé, tham dự cuộc gặp gỡ với chủ đề “Vì một tình liên đới mới”. Cũng trong buổi lễ, Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đại diện Đức Giáo hoàng Phanxicô ca ngợi tu viện đại kết Taizé “như một phòng thí nghiệm, nơi các bạn trẻ có thể dấn thân đối thoại liên tôn”. Ngài nhắc lại lời Đức Phanxicô về quan hệ chặt chẽ của ngài với Taizé, và khẳng định lại sự gần gũi với tu viện đại kết này: “Thầy Roger hăng say tìm kiếm sự hiệp nhất của Giáo Hội. Thầy cởi mở đối với những kho tàng được gìn giữ trong các truyền thống Kitô khác nhau... Ngọn lửa nhiệt huyết của thầy có thể coi như một dụ ngôn đích thực về tình hiệp thông.”
Sau dịp kỷ niệm trên, Taizé đã bắt đầu chuẩn bị một giai đoạn mới cho “Cuộc Hành hương của lòng tin trên Trái Đất”, một cuộc gặp gỡ quốc tế của giới trẻ, sẽ diễn ra tại Cotonou, Bénin (Tây Phi) từ ngày 31.8 đến 4.9.2016. Cũng trong dịp này, thầy bề trên Alois Loeser đã tuyên bố thành lập cộng đoàn mới tại Cuba, theo lời đề nghị của một giám mục Công giáo và một chủng viện Tin Lành ở đây, theo Đài Radio Vatican.
THẮP SÁNG KHÁT VỌNG TÌM GẶP THIÊN CHÚA
Tuy đã qua 75 năm nhưng “sức hút” của tu viện Taizé vẫn chưa hề giảm, nhất là với các bạn trẻ. Vào những năm cuối thập niên 50, để duy trì nếp sống cộng đoàn và đan viện, các sư huynh đã mở trung tâm tiếp đón đầu tiên cách Taizé 4km. Số lượng khách đến thăm ngày càng đông, khiến các thầy cũng phải ngạc nhiên. Nhưng thầy Roger quyết định đón nhận tất cả mọi người. Đối với thầy, việc lắng nghe tiếng nói của giới trẻ luôn được ưu tiên.
PHONG TRÀO ĐẠI KẾT Mục đích của phong trào đại kết là hiệp nhất các Kitô hữu thuộc các Giáo hội Tin lành, Công giáo, Chính thống, nhằm cổ vũ sự thống nhất đức tin và hiệp thông giữa các cộng đồng Kitô giáo. Kể từ khi được các Giáo hội Kitô giáo chính thức ủng hộ, phong trào đại kết đã mở ra nhiều mạng lưới và nhờ đó đã không ngừng phát triển, vươn đến nhiều hoạt động của xã hội. Trong bối cảnh đó, từ cuối thập niên 1950, các bạn trẻ tham gia hoạt động mục vụ của cộng đoàn Taizé ngày càng đông. Phong trào đại kết tiên phong này đã gây được tiếng vang trong cộng đồng Kitô hữu và được xem là “nơi để đối thoại và hiệp thông”. Từ cuộc gặp mặt lớn đầu tiên mang tính quốc tế được tổ chức vào năm 1966, chẳng bao lâu sau, vào năm 1974, một hội nghị giới trẻ quy tụ được hơn 30.000 thanh niên đã diễn ra tại ngọn đồi Taizé. Thành công này phải kể đến uy tín đặc biệt của thầy Roger Schutz, người đã dành hẳn một khán đài cho giới và luôn biết dùng những từ ngữ đơn giản để giảng về công cuộc hòa giải của các Kitô hữu. |
Sức hút lâu bền này trước tiên xuất phát từ tính linh hoạt của chương trình hoạt động tại Taizé và sự thay đổi những sắc thái trong đời sống tâm linh. Thầy Alois Loeser, bề trên hiện nay của cộng đồng Taizé, nhấn mạnh: “Cuộc gặp gỡ của các bạn trẻ chính là một chuyến hành hương của hòa giải. Chúng tôi cố gắng giúp mọi người lắng nghe và cùng chia sẻ với nhau, dù còn nhiều khác biệt về quan điểm”.
Thầy Roger đã giúp nhiều người tìm được chính mình qua giá trị của tình yêu, lòng tử tế khi chiêm ngắm trong thinh lặng về tình yêu của Thượng Đế qua thiên nhiên và tình người, tình nhân loại không phân biệt tôn giáo, màu da, chính kiến... Đức ông Noel Treanor, Tổng thư ký Hội đồng Giám Mục châu Âu đã nhận xét trong thông cáo báo chí: “Chủ trương của vị sáng lập phong trào Taizé đã đi vào tâm can của nhiều người trên khắp thế giới”. Thời gian cầu nguyện chung chính là kinh nghiệm đáng nhớ nhất đối với đa số các bạn trẻ khi đến sống ở Taizé. Các bài đọc trong Tin Mừng, Thánh Vịnh, Kinh Lạy Cha, các bài hát nhẹ nhàng, tiết tấu chậm rãi, lời cầu nguyện ngắn gọn được dùng đặc biệt trong giờ cầu nguyện của cộng đoàn Taizé. Điểm độc đáo và gây ấn tượng, cảm động nhiều hơn cả, có lẽ là vào cuối giờ cầu nguyện, những người tham dự được mời cầm lấy ngọn nến nhỏ của mình, tượng trưng cho những niềm vui, nỗi buồn, thử thách, hy vọng, đắng cay trong cuộc đời để mang lên cung thánh, ngồi với nhau thành vòng tròn. Ở giữa họ là cây Thánh giá lớn được sắp bằng nến của những người tham dự. Mọi người cùng hiệp thông trong thinh lặng, với tâm tình cảm mến và thờ lạy. Những phút giây này thật trái ngược với đời sống thường nhật mà họ luôn phải đối diện, bầu không khí thân mật đem lại cho họ cảm giác của con người tự do, có khả năng lột bỏ mặt nạ và chia sẻ những tâm tình sâu kín nhất.
Riêng tại Việt Nam, ngày 9.2.2010, nhân kỷ niệm 10 năm cầu nguyện theo cộng đoàn Taizé tại Tổng giáo phận TP.HCM, thầy Alois, bề trên của Cộng đoàn Taizé (Pháp) đã đến thăm Việt Nam. Thầy có mặt tại buổi gặp gỡ và cầu nguyện được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ của Tổng giáo phận. Từ nhiều năm qua, những buổi cầu nguyện Taizé luôn được thực hiện đều đặn vào mỗi tối thứ ba tại Đại chủng viện thánh Giuse. Và cho tới nay, hình thức cầu nguyện này đã lan tỏa tới nhiều giáo xứ trong giáo phận TP.HCM và nhiều giáo phận khác.
Triệu Minh
THẦY ROGER SCHUTZ Thầy Roger Schutz sinh ngày 12.5.1915 tại thị trấn Provence, bang Vaud, Thụy Sĩ. Là người Tin lành nhưng ngay từ nhỏ thầy đã chịu ảnh hưởng về tinh thần đại kết của mẹ và bà ngoại, vốn là người Pháp. Tu viện đại kết Taizé do thầy Roger sáng lập và hiện có khoảng 100 tu huynh thuộc các hệ phái Kitô khác nhau. Ngày 16.8.2005, đúng vào ngày chính thức khai mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, thầy Roger đã bị một kẻ dùng dao đâm chết khi thầy đang cùng 2.000 người cầu nguyện trong một thánh đường gần thành phố Mâcon, miền tây nước Pháp. Thầy hưởng thọ 90 tuổi. Hung thủ là một phụ nữ người Romania, 36 tuổi. Bà này đã bị bắt ngay tại nơi gây án. Theo giới chức Pháp, bà bị bệnh tâm thần. Thầy Alois Loeser, một người Công giáo Đức được chọn kế thừa sư huynh Roger để chăm sóc cộng đoàn Taizé. Thầy Roger nhận được nhiều giải thưởng về đóng góp cho hòa bình thế giới của các Viện đại học danh tiếng tại châu Âu và Mỹ. Năm 1988, tổ chức UNESCO cũng đã trao tặng thầy giải thưởng về hòa bình và giáo dục. Thầy cũng viết nhiều sách hướng dẫn cầu nguyện và tâm linh bằng tiếng Pháp, được dịch sang tiếng Anh; có 2 quyển được viết chung với Mẹ Têrêxa Calcuta với tựa đề “Maria, Mẹ của Sự Hòa Giải” (1989) và “Cầu Nguyện: Tìm Kiếm Trái Tim của Thiên Chúa” (1992). |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.