Thứ Sáu, 15 Tháng Giêng, 2021 15:38

Cuộc rước tượng Chúa Giêsu Nazareth Ðen ở Philippines

 

Ðối với các tín hữu nhiệt thành của Philippines, việc có thể chiêm ngưỡng tượng Chúa Giêsu Nazareth Ðen từ xa đã là đặc ân, trong lúc dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành tại quốc gia Ðông Nam Á này.

 

 

Ðầu đội mão gai, vai vác thánh giá, bức tượng gỗ Chúa Giêsu Nazareth Ðen (Nuestro Padre Jesús Nazareno - Black Nazarene) được các nhà truyền giáo Tây Ban Nha mang từ Mexico đến Manila (Philippines) trên thuyền buồm vào năm 1606.

Nguồn gốc bức tượng

Có hai phiên bản phổ biến để giải thích về màu đen của tượng. Theo phiên bản đầu tiên, sau khi bức tượng được một nhà điêu khắc không rõ tên ở Mexico hoàn tất vào ngày 31.5.1606, khói bốc lên từ những ngọn đèn cầy cầu nguyện đã tạo ra màu đen đặc trưng của bức tượng. Một phiên bản khác được nhiều người đồng ý hơn là trong lúc thuyền buồm chở theo bức tượng rời cảng Acapulco, Mexico, đến Manila, có kẻ trên thuyền đã cố ý phóng hỏa. Thế nhưng, bằng cách nào đó bức tượng đã thoát khỏi nguy cơ cháy trụi và mang theo vĩnh viễn dấu vết từ vụ cháy.

Các tín hữu Philippines  rất sùng kính Chúa Giêsu Nazareth Đen

Ðức ông Sabino A. Vengco Jr., giáo sư của Trường Thần học Loyola (Philippines) cũng đưa ra một giải thích thực tế hơn, theo đó màu đen của bức tượng là do nhà điêu khắc sử dụng gỗ cây mesquite, tương tự như tượng gỗ Ðức Mẹ Antipolo ở Manila từ thế kỷ 17. Nhiều người tin rằng bức tượng có phép lạ, vì tượng Chúa Giêsu Nazareth Ðen không hề suy xiển bất chấp thiên tai, nhân họa, từ hỏa hoạn, đến động đất trong nhiều thế kỷ, cũng như trải qua giai đoạn Manila bị ném bom hồi thế chiến thứ hai. Năm 1650, Ðức Giáo Hoàng Innocent X cho phép dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu. Ðến năm 1651, Ðức Thánh Cha chính thức công nhận Cofradia de Jesus Nazareno, nhóm tín hữu sùng đạo và tin tưởng vào tượng Chúa Giêsu Nazareth Ðen.

Nhiều Kitô hữu chia sẻ vô số chứng từ về những phép chữa lành và các lời khẩn nguyện được đáp lại khi họ cầu nguyện trước tượng Chúa Giêsu Nazareth Ðen. Bức tượng mô tả Ðức Giêsu trong cuộc thương khó, mang vác thánh giá đến Golgotha, trước khi tử nạn và Phục Sinh. Vì thế, bức tượng được cho mang ý nghĩa về sự Phục Sinh. Tấm áo choàng trên thân tượng nhằm phản ánh hình ảnh người lính La Mã khoác áo lên Ðức Giêsu sau khi Người bị quất roi. Bên trên mão gai là biểu tượng cho Chúa Ba Ngôi. Tư thế quỳ nhấn mạnh nỗi thống khổ và trọng lượng nặng nề của cây thánh giá, khiến nỗi đau đớn về thân xác càng tăng gấp bội trước khi chịu khổ hình trên thập tự giá.

Duy trì giãn cách xã hội

Truyền thống bị gián đoạn

Năm 2021 đánh dấu lần đầu tiên cuộc rước truyền thống vào ngày 9.1 và nghi thức pahalik (hôn tượng) đã bị gián đoạn trong hơn 200 năm, tất cả vì dịch Covid-19. Thay vào đó, tượng được đưa lên ban công của nhà thờ Quiapo - nơi lưu giữ tượng - ở Manila hai tuần trước ngày diễn ra cuộc rước. Ðối với nhiều người, như thế cũng đã đủ trong điều kiện hiện tại. “Tôi vô cùng vui mừng vì cuối cùng đã chiêm ngưỡng được bức tượng”, theo anh George Arevalo, 32 tuổi. Lần đầu tiên Arevalo có thể chạm vào bức tượng là năm 2017. Khi đó anh cầu nguyện cho người vợ mang thai được mẹ tròn con vuông. Theo quy định phòng dịch của chính phủ Philippines, nhà thờ Quiapo (tên đầy đủ là Tiểu Vương Cung Thánh Ðường Chúa Giêsu Nazareth Ðen), chỉ tiếp 6.000 người trong dịp này, hay 400 người trong mỗi 15 thánh lễ. Số còn lại xem lễ trên các màn hình khổng lồ bên ngoài nhà thờ hoặc xem trực tuyến trên mạng xã hội.

Những giáo dân không vào được nhà thờ Quiapo sắp hàng bên ngoài

Cảnh sát Trưởng Manila Leo Francisco ước tính số người tham gia ngày lễ trên thực tế là khoảng 400.000 người, còn Thị trưởng Francisco “Isko Moreno” Domagoso ghi nhận các tín hữu hiện diện đầy trong vòng bán kính 2 km tính từ nhà thờ Quiapo. Ðức ông Hernando Coronel, cha sở của nhà thờ, cho biết sự kiện năm nay diễn ra một cách trôi chảy, với những người tham gia tuân thủ các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, tấm che mặt và duy trì khoảng cách 1m trong lúc họ sắp hàng bên ngoài nhà thờ khi thánh lễ diễn ra.

Trong những năm trước, lễ rước và pahalik thu hút hàng triệu tín hữu tham gia. Tuyến đường khoảng 6 km từ sân vận động Quirino đến nhà thờ Quiapo đầy nghẹt người, với nhiều tín hữu hy vọng có thể nhìn thấy và chạm tay vào bức tượng thiêng liêng. Thông thường cuộc rước kéo dài từ 18 đến 22 giờ, do quá nhiều người muốn chạm khăn vào bức tượng để được ban phúc lành. Cuộc rước dài kỷ lục là vào năm 2012, tổng cộng mất 22 giờ.

Những năm trước, hàng triệu người tham dự cuộc rước truyền thống

 

 

ÐỊNH NGUYỄN

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm