Chuyến công du của Đức Thánh Cha mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt: tiến tới tăng cường quan hệ với Chính Thống giáo Armenia và đặt nền móng cho sự hòa giải và hiệp thông giữa phương Tây và phương Đông.
Chuyến thăm Armenia của Đức Phanxicô một lần nữa nhấn mạnh tinh thần đoàn kết và hòa giải tôn giáo - chính trị giữa phương Tây và phương Đông.
![]() |
Chuyến thăm Thánh đường Etchmiadzin
Khởi đầu chuyến thăm được nhiều mong đợi, Đức Phanxicô vào ngày 24.6 đã có buổi cầu nguyện tại Thánh đường Etchmiadzin tọa lạc ở thủ đô Yerevan cùng với Thượng phụ Chính Thống giáo toàn Armenia : Karekin II, và một nhóm 100 người được chọn lọc từ các chức sắc của hai giáo hội. Thánh đường Etchmiadzin vốn được xem là thánh đường tổ, được xây dựng đầu tiên trên đất Armenia vào đầu thế kỷ thứ 4 (giữa năm 301-303) nhờ vào công của Thánh bảo hộ Gregoriô, theo sau sắc chỉ của Vua Tiridates III công nhận Kitô là quốc giáo của nước này.
Trong tiếng chuông cầu nguyện vang vọng, Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ đã cúi gập người hôn vào cây thánh giá và quyển Kinh Thánh trước khi ôm choàng nhau để bày tỏ tình hữu nghị và thông điệp hòa bình. Kế đến, họ cùng đọc thánh vịnh 122 tại bệ thờ cao, trước khi Đức Thánh Cha cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã “chiếu rọi ánh sáng của niềm tin lên mảnh đất này, niềm tin đã trao cho Armenia nhân dạng độc nhất vô nhị và biến quốc gia đặc biệt trở thành một nơi giảng lời Chúa dạy”. Ngài đã nhắc lại niềm tin đã thúc đẩy Armenia trở thành quốc gia đầu tiên đưa đạo Kitô lên hàng quốc giáo vào năm 301, vào thời điểm mà các cuộc hành hình và ngược đãi người theo đạo Kitô vẫn tiếp tục phổ biến dưới thời Đại đế Diocletian của đế quốc La Mã.
![]() |
Đức Thánh Cha nói: “Đối với Armenia, niềm tin vào Thiên Chúa không phải giống như cần một tấm vải để mặc hoặc vứt bỏ tùy tình huống, hoặc tiện lợi thì sử dụng, mà là một phần then chốt trong nhân dạng của người dân Armenia, một món quà cho thấy tầm quan trọng sâu rộng của Armenia, đã được đón nhận với sự hân hoan, được bảo tồn với nỗ lực và sức mạnh vô bờ, thậm chí dù phải trả giá bằng mạng sống”. Ngài cũng ngỏ lời tri ân về hành trình đã được Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính Thống giáo Armenia cùng cam kết và thực hiện thông qua đối thoại đầy tinh thần thân hữu và thấm đẫm tình anh em “nhằm hướng đến sự chia sẻ hoàn toàn trong bữa tiệc Thánh Thể”.
![]() |
ĐTC lưu ý rằng các cuộc xung đột và sự chia rẽ vẫn đang hiện diện trên thế giới: “Đáng buồn là thế giới của chúng ta đang bị khắc sâu bởi chia rẽ và xung đột, cũng như dưới các hình thái đầy ảm đạm của sự thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, bao gồm tình trạng người bóc lột người, thậm chí không loại trừ cả trẻ em lẫn người già”. Ngài khuyến khích mọi tín hữu Kitô giáo, theo tinh thần của phong trào Đại Kết, hãy ngăn chặn những hành vi bóc lột và thao túng niềm tin, đồng thời hãy đối thoại, bảo vệ và lan tỏa sự thật bằng giá trị của mỗi con người, nhờ vào các phương pháp giúp biểu lộ lòng yêu thương và sự cứu rỗi mà chúng ta luôn mong mỏi được truyền bá.
Nỗi đau là hạt giống của hòa bình
Sau khi rời khỏi Thánh đường Etchmiadzin, chiều 24.6 ĐTC đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Serzh Sargsyan và ngoại giao đoàn. Trong bài phát biểu bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha nhắc lại chuyến thăm Vatican của tổng thống nước này vào năm ngoái. Ngài nhận định về nỗi đau của Armenia: “Đáng buồn rằng thảm kịch đó, nạn diệt chủng đó là thảm họa đáng trách đầu tiên mở màn cho một loạt các thảm họa khác trong thế kỷ trước”. Ngài cũng bày tỏ lòng kính trọng trước dân Armenia, những người được ánh sáng của Thánh Kinh soi đường, thậm chí vào thời khắc bi thảm nhất trong lịch sử của quốc gia này, vẫn tìm được sức mạnh nơi thập giá và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, để một lần nữa trỗi dậy và tiếp tục cuộc hành trình với phẩm giá cao thượng của chính mình.
![]() |
Trong ngày thứ hai của chuyến thăm, Đức Giáo Hoàng đến thăm đài tưởng niệm nạn nhân diệt chủng của Armenia và gặp gỡ hậu duệ của những người sống sót sau các vụ giết chóc kinh hoàng vào năm 1915. Đức Thánh Cha viết trong sổ lưu niệm: “Tại đây tôi cầu nguyện với nỗi đau buồn trào ra từ tâm khảm, rằng những thảm kịch như thế này sẽ không bao giờ diễn ra, rằng nhân loại sẽ không bao giờ lãng quên và sẽ biết cách chế ngự cái ác bằng điều thiện. Cầu xin Thiên Chúa hãy bảo vệ ký ức của dân Armenia. Ký ức không bao giờ được phép quên đi hoặc gạt bỏ. Ký ức là cội nguồn của hòa bình và tương lai”. Cùng ngày, ngài đã thăm và trao đổi với con cháu của khoảng 400 trẻ mồ côi từng được các Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV và Piô XI đón về ở dinh thự mùa hè tại Rome vào thập niên 1920. “Phúc lành đã giáng xuống mảnh đất của núi Ararat”, AP dẫn lời Andzhela Adzhemyan, một di dân 35 tuổi đến từ Syria, người đã đến thăm đài tưởng niệm. Ông Adzhemyan đã nhận xét chuyến thăm của người đứng đầu Tòa Thánh: “Ngài đã mang lại cho chúng tôi sức mạnh và niềm tin để giữ vững đức tin, dù bất cứ chuyện gì xảy ra đi chăng nữa”.
![]() |
Đức Thánh Cha một lần nữa đã nêu bật tầm quan trọng của việc tưởng nhớ quá khứ trong buổi cầu nguyện vào chiều ngày 25.6 tại quảng trường Cộng hòa ở Yerevan. Sự kiện tại đây cũng thu hút sự quan tâm và tụ tập đông đảo nhất của người dân Armenia trong chuyến thăm lần này của Đức Giáo Hoàng : ước tính phải đến 50.000 người tham gia, theo Vatican. Với sự tháp tùng của Đức Thượng phụ Karekin II và Tổng thống Serzh Sargsyan, Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng thậm chí nỗi đau dù dữ dội nhất “vẫn có thể trở thành một hạt giống của hòa bình trong tương lai”. Ngài nói: “Ký ức, được hòa quyện với lòng yêu thương, có đủ năng lực để vạch ra những con đường mới mẻ và đầy bất ngờ, nơi mà những mưu đồ gieo rắc sự thù hằn trở thành các dự án của sự hòa giải, nơi mà hy vọng sẽ trỗi dậy nhằm hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”. Đức Thánh Cha đặc biệt kêu gọi Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ hãy tiến tới hòa giải, và cầu nguyện cho hòa bình tại Nagorno-Karabakh.
Thúc đẩy hòa hợp
Theo đài phát thanh Vatican, vào ngày 26.6, ngày cuối cùng trong chuyến thăm Armenia, Đức Phanxicô đã tham dự buổi lễ do Thượng phụ Karekin II cử hành. Trong bài phát biểu kết thúc, Đức Thánh Cha đã bày tỏ cảm xúc về chuyến thăm đặc biệt khó quên đến quốc gia này, và cầu nguyện hai Giáo hội sẽ “thuận theo lời kêu gọi của Thiên Chúa tiến đến giai đoạn hiệp thông hoàn toàn và cùng nhanh chóng đạt được điều đó”.
![]() |
Gởi lời cảm ơn đến Đức Thượng phụ Karekin II về lòng hiếu khách, Đức Phanxicô bày tỏ một cách chân thành: “Ngài đã mở toang cánh cổng đón tôi vào nhà, và chúng ta đều trải nghiệm được sự tốt đẹp và điều thú vị khi những người anh em cùng chung sống trong sự hòa hợp, đoàn kết. Chúng ta đã gặp nhau, cùng ôm chầm như những người anh em; chúng ta đã cùng cầu nguyện và chia sẻ những món quà, niềm hy vọng và cùng bày tỏ sự quan ngại về những vấn đề còn tồn đọng. Chúng ta cùng cảm thấy một nhịp đập, và chúng ta tin tưởng và trải nghiệm được rằng giáo hội của Thiên Chúa là một”.
Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ tưới cây biểu tượng Trong một động thái mang tính biểu tượng, Đức Phanxicô và Đức Thượng phụ Karekin II đã cùng tưới nước cho một thân cây được xem là tượng trưng cho các tín hữu Kitô giáo tại Armenia, với niềm hy vọng rằng họ sẽ đơm hoa kết trái và tạo ra những cuộc đời mới. Hai vị cũng lấy vò chứa đầy nước đổ vào đống đất đã được trẻ em Armenia và các nơi khác trên thế giới tự tay thu gom và đặt vào một cái vò có hình dáng tương tự con thuyền Ark của Nôê. Trước đó, Đức Phanxicô đã tham gia sự kiện Holy Mass tại thành phố Gyumri. Đức Thượng phụ Karekin II đã chào đón Đức Thánh Cha bằng lời cảm ơn Giáo hội Công giáo đã “trao bàn tay giúp đỡ của tình anh em cho các nạn nhân” của trận động đất kinh hoàng vào năm 1988, khiến 25.000 người thiệt mạng và đẩy hàng trăm ngàn người vào tình trạng vô gia cư, theo đài phát thanh Vatican. |
Nhắc lại sự kiện Thánh tông đồ Bartôlômêô và Tađêô “là những người đầu tiên công bố Tin mừng trên vùng đất này”, và “Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô đã trao trọn đời mình vào tay Chúa tại Rome”, Đức Thánh Cha cho rằng các vị thánh “nhất định sẽ vô cùng hoan hỉ khi chứng kiến tình cảm giữa chúng ta và niềm khao khát mãnh liệt nhằm đạt đến sự hiệp thông hoàn toàn”. Ngài cầu nguyện Chúa Ba Ngôi hãy “hòa quyện mọi con tim và linh hồn của mọi tín đồ thành một thể; mong Người hãy đến để một lần nữa đoàn kết chúng ta”, và “mong mọi hành động đáng xấu hổ của chúng ta đều được xóa bỏ” nhờ tình yêu của Thiên Chúa, “vượt qua mọi sự bất hòa trong các tín hữu của Chúa Giêsu”.
Mở lời kêu gọi vì hòa bình từ Giáo hội Armenia và sự hiệp thông “trọn vẹn”, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho một niềm khát khao cháy bỏng hướng đến sự hòa hợp trong các cộng đồng tín hữu Kitô giáo. Thế nhưng, ngài nhấn mạnh sự hợp nhất này không phải đồng nghĩa với sự quy phục của giáo hội này trước giáo hội khác, hay nói cách khác là bị đồng hóa, mà thay vào đó là sự chấp nhận mọi món quà đã được Thiên Chúa trao tặng cho từng người”. Thay lời kết, Đức Thánh Cha thúc giục các tín hữu “hãy lắng nghe những tiếng kêu gọi từ những người ở tầng lớp thấp, nghèo khổ, từ nhiều nạn nhân của lòng hận thù, đang phải chịu đựng và trả giá cho sự theo đuổi đức tin bằng cả mạng sống”, và từ các thanh niên “đang nỗ lực tìm kiếm một tương lai tự do khỏi các bất đồng trong quá khứ”.
![]() |
Sau buổi lễ, Đức Giáo Hoàng đã lên đường trực chỉ hướng tây đến biên giới giữa Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara đã đóng biên giới hai nước nhằm ủng hộ Azerbaijan sau khi cuộc xung đột Nagorno-Karabakh bùng nổ thành chiến tranh toàn phần vào năm 1992. Việc đóng cửa thông thương càng làm tồi tệ hơn tình hình kinh tế vốn bi quan của Armenia. Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng sẽ sớm thấy biên giới được mở cửa. Và ngài cũng đã thả bồ câu biểu tượng cho hòa bình tại tu viện Khor Virap gần biên giới. Tu viện này là một trong những nơi linh thiêng nhất trên đất Armenia và nằm dưới chân núi Ararat, mà theo truyền thuyết là nơi ông Nôê đã neo đậu thuyền Ark sau cơn Đại hồng thủy.
Kết thúc chuyến thăm, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho “ánh sáng của Thiên Chúa một lần nữa soi sáng rực rỡ trên mảnh đất này, như từ thời của Thánh Grêgôriô đã chiếu sáng lòng yêu thương, ngõ hầu có sự tha thứ và hòa giải”.
BẠCH LINH
Về nạn diệt chủng người Amernia Tòa Thánh ngày 26.6 đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc và lên án từ phía Thổ Nhĩ Kỳ khi cho rằng Đức Giáo Hoàng đã áp dụng “tinh thần của thời Thập tự chinh” với việc công nhận nạn thảm sát người Armenia vào thời đế quốc Ottoman trong giai đoạn thế chiến thứ nhất là hành vi diệt chủng. Phát ngôn viên Vatican, cha Federico Lombardi, khẳng định không hề có lời nói hoặc phát biểu của Đức Thánh Cha cho thấy bất kỳ sự thù hằn nào đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mà trên thực tế ngài đã kêu gọi Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ hãy bắt tay xây dựng những cầu nối hướng đến hòa bình và sự hòa giải. Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn bác bỏ từ “diệt chủng” khi nói về sự kiện Armenia, cho rằng con số 1,5 triệu người thiệt mạng là do giới sử gia thêm thắt và thổi phồng. Khi Đức Phanxicô lần đầu tiên sử dụng từ này vào năm ngoái, Ankara đã rút đại diện ngoại giao khỏi Tòa Thánh trong suốt 10 tháng. Và gần đây nhất, vào ngày đầu tiên đặt chân đến Armenia, Đức Giáo Hoàng một lần nữa lặp lại, trước khi kêu gọi thế giới không bao giờ nên quên đi thực tế đó hoặc hãy tìm cách giảm đến mức thấp nhất “hành động tàn sát phi nhân tính và trên diện rộng này”. |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.