Ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đón nhận người tị nạn tại châu Âu, các giáo hội địa phương hưởng ứng rất tích cực.
Số lượng người bị buộc phải bỏ quê nhà để di dân đang ở mức cao nhất kể từ sau thế chiến thứ hai. Chiến tranh, xung đột, đói nghèo đã khiến 13.9 triệu người phải di cư chỉ trong năm 2014. Trong các phát biểu mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng kêu gọi một tinh thần đoàn kết hơn nữa, mời gọi các tín hữu sống tinh thần “Giáo Hội như mẹ hiền” để đón nhận những người tị nạn. ĐTC xác quyết rằng: “Đối với tình trạng di dân đang có xu hướng toàn cầu hóa, cần phải có sự toàn cầu hóa về bác ái và hợp tác, để làm cho điều kiện sống của người tị nạn xứng với con người hơn… Ngoài tình liên đới với người tị nạn, cần có lòng can đảm và óc sáng tạo để phát triển trên bình diện thế giới một trật tự kinh tế tài chánh công bằng và liêm chính hơn, cùng với sự gia tăng dấn thân xây dựng hòa bình. Đây là những điều kiện không thể thiếu được để đạt tiến bộ đích thực”. Ngày 6.9, cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã có cuộc họp báo giải thích về lời kêu gọi của Đức Thánh Cha. Cha nhấn mạnh: “Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha nên hiểu là lời mời gọi thể hiện tình đoàn kết và quảng đại trước cuộc khủng hoảng nhập cư đang diễn ra khi chúng ta chuẩn bị cho Năm Thánh của Lòng Thương Xót. Sự chuẩn bị phải đi vào cuộc sống thông qua các công việc bác ái cụ thể”.
![]() |
Nụ cười của một em bé tị nạn, em khoác lên người cờ của Liên minh Châu Âu (EU) |
Đặc biệt, tại hội nghị ở Paris về “Các nạn nhân của bạo lực chủng tộc và tôn giáo trong vùng Trung Đông” ngày 8.9 vừa qua, Đức TGM Paul Richard Gallagher, sứ thần Tòa Thánh, kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ quyền tự do tôn giáo của các dân tộc vùng Trung Đông. Hội nghị do Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Ngoại trưởng Jordan Nasser Judeh đồng chủ trì. Vị sứ thần Tòa Thánh đã đưa ra những đề nghị giúp cải tiến tình hình cấp bách hiện nay: “Cần gây tạo điều kiện để cộng đồng quốc tế cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và bảo đảm các điều kiện an ninh tối thiểu cho các nhóm thiểu số và các cộng đoàn Kitô tại Trung Đông. Cần phải nhấn mạnh rằng quyền tự do tôn giáo cũng bao gồm quyền tự do theo tôn giáo mình muốn”.
![]() |
Người dân Châu Âu chào đón người tị nạn |
Các Giám mục trong Ủy ban thường vụ Liên Hội đồng Giám mục châu Âu, gọi tắt là COMECE, cũng đã đưa ra lời kêu gọi đón nhận người tị nạn cùng với một tuyên bố về cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra tại lục địa này. Ngài nói: “Trong thực tế, một số quốc gia đang tìm cách thoái thác hoàn toàn trách nhiệm của họ. Đó là điều không thể chấp nhận. Về căn bản, Liên minh châu Âu được thành lập dựa trên sự liên đới của toàn thể các quốc gia châu Âu với nhau. Vấn đề tị nạn là một thách đố chung, và do đó đòi hỏi một giải pháp chung toàn châu Âu”.
![]() |
Hai cha con sau những ngày tháng vượt đường xa |
Vào trung tuần tháng 8, nhằm hỗ trợ các nhà chức trách dân sự địa phương, Đức Hồng y Angelo Bagnasco TGP. Genoa, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đã ra lệnh mở cửa chủng viện của Tổng giáo phận làm nơi tạm trú cho 50 người tị nạn. Các tu viện, đền thờ, và các cơ sở Công giáo khác của Tổng giáo phận hiện đang có hơn 300 người tị nạn khác tá túc. Đức Hồng y nói thêm rằng Hội đồng Giám mục Ý đang gấp rút thực hiện lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô và ngài hy vọng rằng 27.133 giáo xứ tại Ý sẽ che chở cho hơn 108.000 người. Quyết định này đã được thực hiện “trong tinh thần Tin Mừng, trong sự hiệp thông với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô và phù hợp với tinh thần đoàn kết, vốn là một đặc trưng lâu đời của Giáo Hội tại Genoa”. Tờ Osservatore Romano cho biết Đức Tổng Giám mục Stanislaw Gadecki của Tổng giáo phận Poznan - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan - đã ra một thông cáo đặc biệt yêu cầu mỗi giáo xứ hãy chuẩn bị đón nhận người tị nạn.
![]() |
Nhận thực phẩm từ các tình nguyện viên |
Từ ngày cuộc khủng hoảng tị nạn tại Châu Âu liên tục nóng lên, bản thân chính phủ các nước Đức, Áo và Ý đã có những thiện ý nhân đạo dành cho những người con xa xứ như điều động bác sĩ y tá đến vùng biên giới để điều trị cho người tị nạn. Hàng nghìn người di cư đã thở phào nhẹ nhõm sau khi vượt đoạn đường dài nguy hiểm để đến các địa điểm tiếp nhận người tị nạn, nơi người dân mang nước, thức ăn, đồ dùng sinh hoạt chào đón họ. Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra cởi mở cho việc thiết lập các trung tâm đăng ký ở các biên giới của Liên minh châu Âu (EU), như ở Ý hoặc ở Hy Lạp, để phân chia người di dân ngay từ khi họ mới đến về các quốc gia thành viên. Trong một lần đến thành phố Berne (Đức) bà Angela Merkel giải thích: “Vấn đề di dân là dịp để tín hữu Kitô ở Âu Châu củng cố các giá trị của mình. Và đây cũng là dịp để khách Hồi giáo của chúng ta tìm hiểu các giá trị Kitô giáo”. Tấm ảnh về bé trai Syria chết đuối trên đường di cư cùng gia đình và trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ như “giọt nước tràn ly”, khiến thế giới rúng động và buộc các nước EU phải hành động khẩn cấp.
Triệu Minh
Đóng cửa thì không phải là nhà thờ “Giữa Giáo hội và gia đình có một mối dây nối kết “tự nhiên”, bởi vì Giáo hội là một gia đình tinh thần và gia đình là một Giáo hội nhỏ. Một Giáo hội theo Tin Mừng chỉ có thể có hình thái của một căn nhà tiếp đón với cánh cửa luôn luôn rộng mở. Các nhà thờ, các giáo xứ đóng cửa thì không được gọi là nhà thờ, mà phải gọi là viện bảo tàng”. Đức Phanxicô đã khẳng định như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ Tư 9.9.2015, khi khai triển đề tài giáo lý “Tương quan giữa gia đình và cộng đoàn Kitô”. |
Ngoài châu Âu Uruguay Hôm 7.9.2015, Đức Hồng y Daniel Fernando Sturla Berhouet, Tổng Giám mục Giáo phận Montevideo của Uruguay tuyên bố nước này cần mở cửa tiếp nhận người tị nạn từ Syria. Vào tháng 10.2014, Giáo hội Công giáo tại Uruguay, với sự chấp thuận của chính phủ, đã đón nhận 5 gia đình người tị nạn Syria, tổng cộng là 42 người. ĐHY Sturla Berhouet nhận định việc đón tiếp thêm nhiều người tị nạn có thể giúp Uruguay tăng uy tín đối với cộng đồng quốc tế. Úc Dư luận tại Úc đang thảo luận về việc nên nhận bao nhiêu người tị nạn. Đảng Xanh yêu cầu nhận 20.000 người, trong khi Giáo hội Anh giáo yêu cầu nhận hơn 10.000. Đức cha Antony Fisher, Tổng Giám mục Công giáo ở Sydney yêu cầu nhận một con số đáng kể người tị nạn. Mặt khác, các tổ chức từ thiện tại Úc yêu cầu chính phủ tiếp nhận 30.000 người tị nạn Syria. Trong thông cáo công bố ngày 8.9, các tổ chức này, trong đó có tổ chức OXFAM khẳng định không nước nào có thể một mình khắc phục được cuộc khủng hoảng hiện nay nhưng là một nước phát triển, Úc có nghĩa vụ hành động tức khắc. (Q.C) |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.