Thứ Sáu, 15 Tháng Bảy, 2016 00:27

Giải mã bí ẩn Bethsaida

Sau nhiều thế kỷ tranh cãi, cuối cùng, chứng cứ xác thật cũng giúp giới khảo cổ học tìm được Bethsaida, nơi chứng kiến hai phép lạ của Chúa Giêsu và là quê nhà của nhiều thánh tông đồ.

Bethsaida từng được nhắc đến trong Tân Ước với hai phép lạ của Chúa Giêsu: chữa lành cho một người mù (Máccô 8:22-26) và lần đầu tiên hóa bánh nhiều (Luca 9:10-17). Cuộc truy tìm vị trí chính xác của Bethsaida là một trong những bí ẩn lớn nhất suốt nhiều năm qua.

Con đường của các tông đồ

Chăm chú đào bới một cách cẩn thận giữa những đống đá lớn nhỏ, một nhóm các nhà khảo cổ học, sinh viên, và người tình nguyện dần dần thở phào nhẹ nhõm khi đào đến phần còn lại của một con đường trải đá từ nhiều thế kỷ trước. Theo giới học giả, một vài thánh tông đồ thường xuyên rảo bước trên con đường này vào thời Chúa Giêsu còn tại thế.

Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực khai quật địa điểm cách bờ biển Galilee khoảng 2 km về hướng đông bắc. Dẫn đầu nhóm là tiến sĩ Nicolae Roddy của Đại học Creighton, bang Nebraska (Mỹ), theo trang tin Popular Archeology. Họ tập trung vào các điểm vừa được phơi bày ở khu vực dán nhãn “Vùng C” ở nơi được cho là Bethsaida, làng cá mà theo Kinh Thánh từng là quê nhà của các thánh tông đồ Phêrô, Anrê và Philipphê, chưa kể có thể bao gồm những vị khác như Giacôbê và Gioan. Trưởng nhóm Roddy cho biết: “Chúng tôi phát hiện một con đường trải đá từ thời các vị tông đồ của Chúa Giêsu, trải dài theo hướng tây xuyên qua khu dân cư, từ điểm được gọi là Ngôi nhà của Ngư phủ. Tôi nói với mọi người rằng các thánh tông đồ Anrê, Phêrô và Philipphê hầu như chắc chắn là từng đặt chân lên con đường này”.

Trên thực tế, con đường của các tông đồ được đánh giá là một trong những phát hiện ấn tượng nhất trong thời gian gần đây tại nơi nhiều khả năng là làng cổ Bethsaida. Kể từ năm 1987, tiến sĩ Rami Arav, giám đốc dự án khảo cổ Bethsaida của Đại học Nebraska kiên trì công việc khai quật tại đây.

Làng cổ Bethsaida

Bethsaida nằm ở phía bắc của Biển Galilee. Nhờ vào vị trí chiến lược, bao gồm các con đường thương mại cổ đại, đất đai màu mỡ, vùng biển trên là nơi tụ tập vô số kiến trúc thời xưa. Các nhà khảo cổ học tìm được nhiều di tích làng mạc rải rác trong khu vực, và suốt nhiều năm vẫn chưa rõ nơi nào là ngôi làng từng được Chúa Giêsu lui tới và làm phép lạ. Sau cùng, nhóm chuyên gia Đại học Nebraska trải qua hơn 20 năm đào bới khẳng định đã tìm được ứng viên tốt nhất cho Bethsaida, đó là Khirbet et-Tel (hay còn gọi là “The Tell”). 

Tàn tích của ngôi làng nằm trên một ngọn đồi, bên trên vùng đồng bằng thượng nguồn sông Jordan, nơi đổ vào Biển Galilee. Diện tích nơi đây vào khoảng 81.000 m2. Giả thuyết cho rằng Et-Tel là địa điểm trong Tân Ước từng được học giả người Mỹ Edward Robinson nêu lên vào năm 1838, nhưng không được đa số các nhà nghiên cứu đương thời chấp nhận. Phải đợi cho đến khi các kết quả khai quật được công bố nhờ vào dự án khảo cổ được triển khai từ năm 1987 trở đi, người ta mới công nhận nơi đây nhiều khả năng là Bethsaida. Được biết, các chuyên gia đã tái dựng một khu phức hợp với cánh cổng khổng lồ có từ thời Đồ sắt ở phía đông của ngọn đồi. Và trong quá trình khai quật, tiến sĩ Arav phát hiện lịch sử của Bethsaida không chỉ dừng lại ở thời đại của Chúa Giêsu, mà có từ thời Vua David. Họ đã tìm được phần còn lại của một thành phố cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên (TCN). Theo các chuyên gia, vị trí và diện tích của kiến trúc cổ cho thấy nó có thể là kinh đô Geshur của vương triều Aram hay Syria.

Các cuộc khai quật cho thấy Bethsaida đã bắt đầu được định hình và có dân sinh sống vào thế kỷ thứ 10 TCN. Vào lúc đó, khu vực phía bắc và phía đông Biển Galilee thuộc vương quốc Geshur. Hoàng gia Geshur có mối liên kết hôn nhân chính trị với triều đại David. Vua David cưới hoàng hậu Maacha, con gái của vua Geshur; bà là mẹ của Absalom, người sau này phải sống lưu vong ở vùng đất Geshur. Các chuyên gia khảo cổ đã khai quật được những cấu trúc và thành trì vô cùng ấn tượng.

Khu thành cổ được chia thành 2 phần: một thành phố ở dưới thấp trải dài gần như khắp quả đồi, và thành phố cao tọa lạc ở hướng đông bắc. Vào thế kỷ thứ 9 TCN, toàn bộ kinh đô đều được bao quanh bởi một bức tường thành kiên cố, làm bằng đá basalt. Bề ngang bức tường khoảng 6m, được ốp trụ tường 2 bên nên rộng đến 8m. Đoạn thành ở phía đông bao gồm hai lớp cửa, với cửa bên ngoài có đường nối giữa hai tòa tháp lớn, nhưng hiện chỉ có tháp phía tây kích thước 10m x 8m được khai phá. Một con đường dài 30m được lát bằng đá basalt từ bên ngoài dẫn đến nhà gác 4 phòng bên trong, có kích thước 35m x 17,5m. Tựu trung, đây là cổng thành lớn nhất từ thời Kinh Thánh từng được khai quật ở Israel. Họ cũng tìm thấy các dấu tích của một vụ tấn công, thời điểm vua Assyria Tiglath Pileser III kéo quân công phá thành trì này vào khoảng năm 734 TCN. Kể từ thời điểm đó đến giai đoạn Hellenistic (tức giai đoạn lịch Hy Lạp cổ đại kể từ cái chết của Alexander Đại đế vào năm 323 TCN cho đến thời Đế chế La Mã vào năm 31 TCN), khu vực từng vô cùng trù phú chỉ còn lại dân cư thưa thớt.

Tầm quan trọng của Bethsaida một lần nữa được thể hiện vào giai đoạn Hellenistic-La Mã. Theo đó, vua Herod Philip vào thế kỷ thứ nhất đã đổi tên nơi này thành Julias, theo tên Julia Livia, vợ của Đại đế Augustus. Vị vua cũng qua đời và được chôn cất tại đây.

LING LANG

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm