Thứ Năm, 26 Tháng Mười Một, 2020 16:18

Giải mã Tháp David

 

Một tàn tích của thành trì và pháo đài cổ được xây nối tiếp nhau trong suốt hơn 2.500 năm, và đến nay vẫn tiếp tục sừng sững tại Cổ Thành của Jerusalem bất chấp thăng trầm của thời đại.

 

 

Hơn nửa triệu người đã thăm Tháp David trong năm 2019, một lần nữa xác nhận tầm quan trọng hàng đầu của di tích cổ trong số những địa điểm lịch sử tại Jerusalem. Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã ngăn cản làn sóng hành hương và du khách đến Ðất Thánh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho ngành du lịch của khu vực này. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đang đứng trước cơ hội hiếm hoi để triển khai dự án khôi phục và bảo tồn với quy mô khổng lồ (tổng kinh phí 40 triệu USD) tại Tháp David. Nhân dịp này, các nhà khảo cổ học Israel cũng có dịp nghiên cứu nơi từng là thành trì của người Do Thái chống quân La Mã thời xưa, với hy vọng có thể hiểu thêm về Jerusalem trong giai đoạn Thập Tự Chinh.

Trùng tu và bảo tồn Tháp David

 

Tháp David nhưng không thuộc về vua David

Nếu chưa từng nghe về Tháp David, nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết được ngọn tháp này không hề dính dáng gì với vị vua nổi tiếng của người Do Thái trong Kinh Thánh. Theo các nghiên cứu, Tháp David, hoặc nói đúng hơn là phần nền móng của thành trì ngày nay, được xây dựng trong quá trình quân Maccabee - một lực lượng nổi dậy người Do Thái - kiểm soát Judea, tức sau thời của vua David gần cả thiên niên kỷ. Cách đây hơn 2.000 năm, những người Maccabee đã xây dựng một bức tường Jerusalem, và ngọn tháp cao ngất chỉ xuất hiện cách đây vài thế kỷ.

Thành trì được cho là của vua David có lịch sử lâu đời và trải qua nhiều biến động. Vua Herod cho xây một cung điện liền kề tường thành của người Maccabee và bổ sung 3 ngọn tháp nhằm tăng cường lớp phòng ngự cho khu vực này của Jerusalem. Trong đó, Tháp Mariam cao 22,5m và được đặt tên theo người vợ yêu dấu của vua (nhưng cũng chính vua Herod đã ra lệnh xử tử bà sau này). Ngọn tháp thứ hai cao 40m, được đặt theo tên một chiến hữu của Herod là Hippicus, người đã tử trận. Ngọn cao nhất trong số này là Tháp Phasael, được đặt theo tên một người anh em của vua.

 

Vào thời điểm diễn ra chiến tranh Do Thái - La Mã lần thứ nhất vào năm 66, những người Do Thái cố thủ bên trong thành trì kiên cố này. Sau khi Jerusalem thất thủ vào năm 70, hoàng đế La Mã Titus ra lệnh phá hủy các ngọn tháp và đưa quân đoàn số 10 đến đồn trú tại đây. Ðến thế kỷ 14, người Mameluke cầm quyền Israel vào thời điểm đó đã cho xây dựng một pháo đài tạm thời bên trên thành trì cổ, và bổ sung một đền thờ Hồi giáo để các binh sĩ có thể cầu nguyện mà không phải rời khỏi vị trí.

 

Sự nhầm lẫn kéo dài

Vậy thì nếu vua David hoàn toàn không dính dáng gì với nơi này, tại sao đến nay mọi người vẫn gọi di tích cổ là Tháp David? Trong thời Byzantine (từ thế kỷ 4-7), các tín hữu Kitô giáo vẫn hành hương đến đây để thưởng lãm phần còn lại của Tháp Phasael, mà họ cho rằng đây là cung điện được khởi công dưới thời vị vua Do Thái nổi tiếng. Họ lấy cái tên “Tháp David” từ Sách Diễm ca. Trong sách có đoạn: “Cổ của chàng như ngọn Tháp David được xây dựng với các tháp pháo, nơi treo cả ngàn tấm khiên, tất cả đều là áo giáp cho các dũng sĩ”.

Kế đến, người Hồi giáo tiếp tục truyền thống này bằng cách cho xây nơi thờ phượng bên trên khu vực mà họ cho là vua David đã ngừng lại để cầu nguyện. Nhiều trăm năm sau, các đoàn quân Thập Tự Chinh quyết định gọi thành trì cổ là “Tháp David”. Và gần đây nhất, những người đến đây vào thế kỷ 19 cũng vẫn tưởng chính Vua David là người bắt đầu mọi thứ. Trong quá trình bùng nổ chiến tranh Ả Rập - Israel vào năm 1948, người Jordan kiểm soát Cổ Thành của Jerusalem, và thành trì này trở thành tiền đồn của quân đội Jordan.

 

Từ tháng 7 năm 2020, công tác trùng tu và bảo tồn đã được triển khai tại Tháp David. “Ðây là di tích quan trọng của Jerusalem, bởi vì không có nơi nào khác có thể kể lại câu chuyện đầy đủ về lịch sử của nơi này”, theo Giám đốc Eilat Lieber của cơ quan quản lý Tháp David. Bà cho biết dự án mới còn tập trung vào nỗ lực khai quật nhằm tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra ở đây vào thời Trung Cổ. Cuộc Thập Tự Chinh đầu tiên đã giúp Kitô giáo lấy lại Ðất Thánh vào năm 1099, và sau đó các lực lượng Kitô giáo cũng như Hồi giáo đã thay phiên kiểm soát Jerusalem. Bà Lieber hy vọng các nhà nghiên cứu có thể khám phá thêm thông tin về giai đoạn này. 

 

LING LANG

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm