Ước tính 35% trong tổng số 45 triệu dân của Argentina đang sống dưới ngưỡng nghèo đói, và nỗi khốn khổ càng thêm trầm trọng trong lúc dịch bệnh hoành hành.
Tại Argentina, vẫn còn nhiều người phải sống trong hơn 4.000 khu ổ chuột nằm rải rác khắp quốc gia Mỹ Latinh này. Vào thời điểm bình thường, chỉ những ai túng quẫn cùng cực mới sống tại villas miseria(tức “khu ổ chuột của sự khốn cùng”), và tình hình còn bi đát hơn nhiều trong giai đoạn 40 ngày phong tỏa theo lệnh của chính phủ nhằm phòng chống dịch Covid-19 lây lan.
Cha Carlos “Charly” Olivero |
Linh mục khu ổ chuột
Ở cửa ngõ vào Rosario, thành phố cách Buenos Aires khoảng 300km, bạn sẽ bắt gặp những lán trại lụp xụp dựng bằng gỗ tạm, che chắn bằng các túi nhựa cỡ lớn và lợp bằng tôn thép gỉ. “Ða số những người ở đây phải kiếm miếng ăn mỗi ngày”, theo cha Fabian Belay thuộc Tổng Giáo phận Rosario. Tổng Giáo phận này đang tổ chức “tổ đặc nhiệm xử lý khủng hoảng”, nhằm hỗ trợ người nghèo ở thành phố lớn thứ ba của Argentina này vượt qua được giai đoạn dịch bệnh.
“Dân cư của khu ổ chuột bị buộc phải nhốt mình bên trong các ‘căn nhà’ tạm bợ, phải chịu đựng cái nóng bức kinh người khi ánh nắng mặt trời dội như thiêu như đốt xuống những nơi che đậy bằng các tấm tôn và túi nhựa”, cha Belay trao đổi với báo mạng Crux. Mọi người đều cố gắng hết mức để duy trì các biện pháp giãn cách xã hội, nhưng mục tiêu của chính phủ là “cô lập cộng đồng”, đồng nghĩa không ai được ra vào khu vực họ đang ở.
ĐTC Phanxicô khi còn là TGM Buenos Aires khởi đầu cho sáng kiến linh mục khu ổ chuột |
Cha Belay là một trong số các linh mục được biết đến với danh hiệu “linh mục khu ổ chuột” ở Argentina. Phong trào này bắt đầu ở Buenos Aires cách đây vài thập niên, và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành trong giai đoạn những năm 1990 và 2000 từ vị chủ chăn khi ấy là Ðức Hồng y Jorge Mario Bergoglio - Ðức Giáo Hoàng Phanxicô ngày nay. Kể từ đó, Giáo hội Argentina tiếp tục mở rộng mạng lưới các linh mục sống và truyền đạo cho người nghèo, xây dựng những nhà thờ trở thành trái tim của các cộng đồng vẫn tràn trề sức sống, bất chấp cuộc sống thường nhật luôn vấp phải nhiều khó khăn.
Ở khu ổ chuột Villa 20-21 của Buenos Aires, cha Carlos “Charly” Olivero đảm nhiệm vai trò như cha Belay, nhưng ở tầm quốc gia. Năm 2008, Ðức Hồng y Bergoglio giao nhiệm vụ cho ngài thành lập lưu xá cho những con nghiện ma túy, đó là khởi đầu của trung tâm Hogar de Cristo (Nhà của Ðức Kitô), nhằm hỗ trợ và khuyến khích giới trẻ lầm đường quay về nẻo chánh. Giờ đây, hàng trăm “ngôi nhà của Chúa” như thế này đã mọc lên khắp Argentina, bao gồm 10 khu ở Rosario. Cha Olivero là một trong 7 linh mục đã được Tổng thống Alberto Fernandez mời đến tư dinh hồi tháng 3, thời điểm cơn khủng hoảng mang tên Covid-19 chỉ vừa mới bắt đầu ở Argentina. Họ được yêu cầu cố vấn cho Tổng thống cách thức áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong những villas miseria đông đúc của nước này.
Vẫn còn nhiều người phải sống trong hơn 4.000 khu ổ chuột nằm rải rác khắp Argentina |
Thực hiện lời hứa
“Chúng tôi biết rằng đôi khi không gian sống của bạn bị hạn chế, nhưng vẫn có thể tự cách ly trong khu ổ chuột. Và nếu bạn phát hiện người nào đó đang sống lang thang trên đường và cần được cách ly, hãy nói với chúng tôi; đừng để những cụ già phải vất vưởng trên đường phố, hãy mang họ đến giáo xứ của chúng tôi”, các linh mục kêu gọi trong video clip được Tổng thống Fernandez chia sẻ trên Twitter vào buổi gặp cách đây 2 tháng. “Giáo xứ của các khu ổ chuột luôn rộng mở khi cần thiết”, các vị mục tử cho biết.
Gần một tháng kể từ khi đưa ra lời hứa đó, cha Olivero đã biến lời nói thành hiện thực. Ngài là một trong hai linh mục coi sóc giáo xứ Caacupe, và họ đã biến những căn hộ nhỏ thành nơi để người cao tuổi neo đơn có chỗ nương náu, tránh được nguy cơ lây bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, một số khu nhà thuộc hệ thống Hogar de Cristo cũng trở thành nơi ở tạm cho nhiều người đang cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng. Công việc chăm lo các con nghiện ma túy và đang cai nghiện cũng thay đổi lớn so với trước khi xảy ra dịch bệnh: các linh mục mỗi ngày đều gọi điện cho những đối tượng này và mỗi tuần đều đến thăm họ, tuân thủ các quy tắc an toàn phòng dịch.
Bên cạnh đó, cha Olivera và cha Belay đều mở rộng quy mô của các bếp từ thiện, cố gắng mang lương thực cho tất cả những người đang bị đói ở khu vực mà họ quản lý. “Ðiều đó có nghĩa là chúng tôi phải xử lý lượng thực phẩm đủ cung ứng cho số lượng người gấp 2 - 3 lần so với trước đây. Nhà thờ cũng trở thành bếp từ thiện. Chúng tôi cũng phân phát các túi thực phẩm để mọi người có thể nấu nướng tại nhà”, cha Olivera cho biết. Ngoài ra, vị linh mục phối hợp với giới chức chính quyền địa phương để tổ chức đăng ký hưởng trợ cấp của chính phủ cho người nghèo tại nhà thờ. “Không phải ai cũng biết đọc và viết, chứ đừng nói đến chuyện điền đơn qua mạng”, ngài nhận định.
Bất chấp những thách thức đang phải đối mặt, cha Olivera vẫn có thể phát hiện được những tia sáng hy vọng, và khẳng định tinh thần tương thân tương ái vẫn hiện hữu trong mỗi người Argentina. “Dịch bệnh tác động đến mỗi người, nhưng chúng tôi qua đó thấy được cơ hội làm lan tỏa trong giới trẻ tinh thần của sự giúp đỡ và đoàn kết đối với những người cao tuổi, nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Ðây cũng chính là cách để lan tỏa Lời Chúa”, vị linh mục kết luận.
BẠCH LINH
Bình luận