Thứ Tư, 17 Tháng Năm, 2023 17:35

Giáo hội có thêm hai vị chân phước

 

Ðức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã đại diện Ðức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lễ tôn phong đấng đáng kính Maria de la Concepción Barrecheguren lên bậc chân phước tại nhà thờ Chánh tòa Granada (Tây Ban Nha), trước sự hiện diện của 2.500 tín hữu vào ngày 6.5.2023. Cùng ngày tại Estádio Centenário, Montevideo, Uruguay, trong thánh lễ với khoảng 15.000 người tham dự, Đức Hồng y Paulo Cezar Costa, Tổng Giám mục Brasilia, đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô, tôn phong Giám mục Jacinto Vera lên bậc chân phước.

Chân phước Maria de la Concepción Barrecheguren, quen gọi là Conchita, sinh ngày 27.11.1905, đã trải qua một cuộc sống đầy đau khổ vì bệnh tật, nhưng chị đã biến những khổ đau thành con đường nên thánh. Chân phước qua đời ngày 13.5.1927.

Chân phước Jacinto Vera sinh ngày 3.7.1813 trên một con tàu ở Đại Tây Dương. Ngài thụ phong linh mục ngày 5.6.1841, khi 28 tuổi. 18 năm sau, cha được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa Uruguay. Khi giáo phận Montevideo được thành lập năm 1878, cha được bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi ngày 15.7.1878. Ngài qua đời ngày 6.5.1881.


TÂN CHỦ TỊCH CARITAS QUỐC TẾ

Tại Đại hội thứ 22 của Caritas Quốc tế diễn ra tại Rome ngày 13.5.2023, Đức cha Tarcisius Isao Kikuchi, Tổng Giám mục TGP Tokyo, Nhật Bản, đã được bầu làm tân Chủ tịch Caritas Quốc tế, kế nhiệm Đức Hồng y Antonio Tagle, người Philippines, hiện là Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng. Đức cha Kikuchi năm nay 65 tuổi (1958), thuộc dòng Ngôi Lời, đã hoạt động truyền giáo tại Ghana, làm cha sở một giáo xứ miền quê trong 8 năm. Năm 2004, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Niigata Nhật Bản, và 13 năm sau thăng Tổng Giám mục Tokyo. Ngài từng làm Giám đốc Caritas Nhật Bản trong 15 năm, từ năm 2007 đến 2022, và làm Chủ tịch Caritas châu Á từ năm 2011 đến 2019, kiêm thành viên Ban chấp hành Caritas Quốc tế từ năm 1999 đến 2004, thành viên Hội đồng đại diện của Tổ chức này từ năm 2011 đến 2019.


GIÁO HỘI TẠI NAM SUDAN ĐÓN TIẾP NẠN NHÂN CHIẾN SỰ

Đức cha Stephen Ameyu Martin, Tổng Giám mục Juba, Nam Sudan, đã kêu gọi các dòng tu trong Tổng Giáo phận rộng cửa đón tiếp những nạn nhân chiến sự chạy trốn cuộc chiến giữa quân đội và lực lượng bán quân sự ở Sudan. Tổ chức từ thiện của giáo phận Malakal đã cung cấp thuyền để những người này vượt sông đến Malakal.

Theo các nhà chức trách ở Juba, cho đến nay, mới chỉ có hơn 50.000 người chạy trốn chiến tranh ở Sudan đến Nam Sudan, chủ yếu là người Nam Sudan xa xứ sinh sống ở Khartoum. Ai Cập và Chad cũng đã tiếp nhận dòng người tị nạn từ Sudan, lần lượt là 70.000 và 30.000 người. Hàng ngàn người khác đã đến Ethiopia.


GIÁO HỘI TẠI TRUNG MỸ LÊN TIẾNG VỀ VIỆC KHAI THÁC MỎ Ở PANAMA

“Việc khai thác khoáng sản là không khả thi và cũng không bền vững ở một quốc gia có nguồn nước và đa dạng sinh học phong phú và dễ bị tổn thương về khí hậu như Panama. Điều này đã được nhiều nghiên cứu quốc tế và quốc gia chứng minh. Các giám mục của chúng tôi đã xác nhận điều đó: tiền không thể bù đắp cho thiệt hại mà việc khai thác có thể gây ra trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”. Đây là lời tuyên bố của phân bộ Panama thuộc Mạng lưới Giáo hội Sinh thái vùng Trung Mỹ-Mexico, được ký bởi 13 tổ chức Công giáo và 5 dòng tu, bao gồm Mục vụ Xã hội - Caritas, Ủy ban Công lý và Hòa bình, Mục vụ Bản địa, Santa Maria. Đại học Antigua... Bản tuyên bố cũng chỉ ra rằng, công ty khai thác mỏ Minera Panama được Chính phủ giao diện tích khai thác 17.780,38 ha nằm ở trung tâm của Hành lang sinh học Trung Mỹ và Khu bảo tồn Donoso. Việc khai thác gây thiệt hại nghiêm trọng tương lai của người dân Panama và Ngôi Nhà Chung.


CÁC GIÁO XỨ Ở BẮC KINH QUYÊN GÓP KHOẢNG 50.000 EURO CHO CHỦNG VIỆN GIÁO PHẬN

Trong Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi năm 2023, các giáo xứ ở Tổng Giáo phận Bắc Kinh đã quyên góp được tổng cộng 344.098,28 Nhân dân tệ (tương đương gần 50.000 euro) cho chủng viện của giáo phận. Năm 2021, chủng viện Bắc Kinh kỷ niệm 40 năm thành lập. Theo số liệu thống kê, chủng viện Bắc Kinh đã đào tạo 320 chủng sinh cho đến năm 2021, trong đó 187 người đã thụ phong linh mục và 3 người đã thụ phong giám mục.


TÌNH LIÊN ĐỚI VỚI THA NHÂN TRONG CƠN KHỦNG HOẢNG XÃ HỘI Ở PAKISTAN

Sau vụ cựu Thủ tướng Imran Khan bị bắt giữ ngày 9.5.2023, xã hội Pakistan nổi lên những cuộc biểu tình gây tác động tiêu cực đến thương mại, giáo dục và kinh tế. Cha Mario Rodrigues, linh mục giáo phận Karachi, Hiệu trưởng Trường Thánh Patrick, lưu ý rằng, do các cuộc bạo loạn trên đường phố bắt đầu sau vụ bắt giữ nhà lãnh đạo chính trị Imran Khan, người dân đang khốn khổ và lạm phát tràn lan. Giá bột mì và bánh mì tăng chóng mặt… Trong bối cảnh này, các cộng đồng và tổ chức Công giáo, theo cách riêng đã thực hiện các sáng kiến về tình liên đới đối với những người túng thiếu nhất. Trường Trung học Thánh Patrick, nhờ vào sự cam kết của học sinh, đã quyên góp thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho 300 gia đình có nhu cầu. Cha Mario rất ấn tượng trước sự dấn thân của các bạn trẻ: “Chúng tôi đã phát động sáng kiến đoàn kết và tất cả các sinh viên đã đóng góp vào đó. Tôi rất vui khi thấy tất cả những điều này”.
 

ÐỨC MẸ AN ỦI VIẾNG THĂM TÍN HỮU PHILIPPINES

Đền thờ Thánh Augustinô ở Manila tổ chức hành hương kính Đức Mẹ An Ủi trong giáo phận và toàn quốc. Cha Edwin Hari, linh mục dòng Augustinô và là giám đốc đền thờ, cho biết sáng kiến nhằm mục đích thúc đẩy hơn nữa lòng sùng kính Đức Mẹ: “Đức Mẹ An Ủi sẽ viếng thăm các cộng đồng địa phương ở những nơi khác nhau trong nước. Chúng tôi muốn những người hành hương ngày càng quen thuộc hơn với lịch sử sùng kính Đức Mẹ An Ủi, vốn đã duy trì đời sống đức tin của những người mộ đạo trong nhiều thế kỷ. Đức Mẹ là người an ủi những người đau khổ. Đức Mẹ An Ủi viếng thăm các khu dân cư để mang đến thông điệp hy vọng, hòa bình, nâng đỡ và an ủi người nghèo và người bị áp bức, người đau khổ, những người tuyệt vọng và cho tất cả những ai trông cậy vào sự chuyển cầu của Mẹ”.


HƠN 400 NGƯỜI CHẾT VÌ LŨ LỤT Ở CONGO

Trận lũ lụt thảm khốc đã tấn công cư dân của khu vực Kalehe, thuộc tỉnh Nam Kivu, phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo, vào ngày 4.5.2023, làm ngập lụt các làng Bushushu và Nyamukubi, đã cướp đi sinh mạng của 400 người và làm nhiều người bị thương. Thảm họa này do nạn phá rừng mạnh mẽ, khai thác khoáng sản. Trong khi đó, người dân chẳng được hưởng lợi lộc từ việc khai thác mỏ. Ngoài nông nghiệp và chăn nuôi, đánh cá và buôn bán nhỏ là hoạt động chính của dân địa phương.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm