Ít người biết rằng, lịch sử bưu điện phương Tây gắn liền với các Kitô hữu đời đầu, thậm chí có manh mối cho thấy các thánh tông đồ là những người đầu tiên gởi thư tín.
Trong kỷ nguyên của tin nhắn và thư điện tử, có lẽ nhiều người đã quên đi tầm quan trọng kéo dài một thời của dịch vụ thư tín và chuyển giao bằng bưu điện. Tuy nhiên, nên nhớ rằng thư điện tử sẽ chẳng xuất hiện nếu trước đó không có dịch vụ bưu tín. Và theo một số nguồn tin, chúng ta có thể truy ngược về cội nguồn của hoạt động thư từ phương Tây về hàng ngàn năm trước, vào thời đầu của Hội Thánh.
Thánh Phaolô viết thư cho các tín hữu |
Trên thực tế, từ “post”, nghĩa là “bưu điện”, được cho là lấy từ “apostolic” trong cụm từ “apostolic letters”, tức những bức thư do các tông đồ gởi cho các cộng đoàn Kitô hữu. Một trong những lần đầu tiên từ “post” được sử dụng để chỉ hoạt động gởi và nhận thư từ đã được tìm thấy trong hệ thống luật pháp do hoàng đế Charlemagne (742-814) của La Mã ký vào năm 779. Nhưng các Kitô hữu đã biết về hệ thống gởi thư này thậm chí còn sớm hơn thời điểm đó. Không ít những người làm nghề thư tín viên đã rạp mình trên lưng ngựa trong nhiều tuần để đưa các thông điệp từ cộng đoàn này sang cộng đoàn khác.
Ðến thời Trung Cổ, mọi tu viện lớn đều thành lập mạng lưới đưa thư dạng này, sẵn sàng gởi thư từ đến địa chỉ cần thiết bằng ngựa hoặc đi bộ. Những mạng lưới đưa thư ban đầu chứng tỏ hiệu quả đến nỗi vào thế kỷ 16, một số sứ thần đại diện của nước châu Âu tại Tòa Thánh đã hỏi Ðức Giáo Hoàng liệu họ có thể sử dụng dịch vụ này hay không. Ðến năm 1499, Ðức Giáo Hoàng Alexander VI ra sắc lệnh thành lập Bưu điện quốc gia tại Tây Ban Nha. Các vương triều Naples và Milan nhanh chóng nối gót.
Năm 1852, Vatican bắt đầu sử dụng con tem. Trước đó vài năm, Anh là nước đầu tiên nghĩ ra con tem và đưa vào hệ thống thư tín. Mỗi lá thư đều được dán tem để chứng minh rằng đã trả phí tổn trước khi có thể gởi đi. Sự xuất hiện của tem càng làm tăng tính hiệu quả của dịch vụ bưu điện, và hệ thống Bưu điện Vatican trở nên nổi tiếng khắp toàn châu Âu vì phục vụ đáng tin cậy và có chất lượng cao. Ðể quản lý hoạt động in ấn tem, Ðức Giáo Hoàng thường giao nhiệm vụ này cho một vị hồng y. Ðây là người sẽ quyết định số lượng tem được phát hành trong năm. Khác với các vương quốc lớn, Vatican trước đây không in hình Ðức Giáo Hoàng trên tem, nhưng từng con tem vô cùng dễ nhận dạng nhờ biểu tượng của Tòa Thánh.
Một phát kiến quan trọng khác đã ra đời vào năm 1870, đó chính là bưu thiếp. Ðây là phiên bản không những giá cả phải chăng hơn nhiều so với lá thư được dán tem, mà còn chứa hình ảnh đẹp mắt, chẳng hạn như danh lam thắng cảnh hoặc địa điểm du lịch nổi tiếng.
Vào ngày 11.2.1929, Ý và Tòa Thánh ký vào Hiệp định Lateran, theo đó công nhận Vatican là quốc gia độc lập. Kế tiếp là một loạt các thay đổi: Tòa Thánh được hoàn trả đất đai được sáp nhập vào vương quốc Ý năm 1870, một con đường mới được xây dựng, kết nối thành phố Vatican với trung tâm Rome (Via della Conciliazione), và hệ thống bưu điện của Vatican được thành lập. Từ tháng 2.1929, toàn bộ thư từ của Ðức Thánh Cha đều được chuyển qua “Poste Vaticane”, với các hộp thư màu vàng đặc trưng. Từ thời điểm này trở đi, tem bắt đầu in hình Ðức Giáo Hoàng bên cạnh các biểu tượng của Vatican.
Ngày nay, toàn bộ các thư từ và bưu kiện của Vatican hiện vẫn được xử lý thông qua Poste Vaticane có lịch sử gần 100 năm. Và các con tem của Tòa Thánh thuộc nhóm tem được săn lùng nhiều nhất vì độ hiếm cũng như vai trò của nó trong lịch sử của bưu chính.
Lần kế khi ấn nút “gởi” trong thư điện tử, bạn hãy nhớ tri ân các thánh tông đồ đã mở ra phương thức trao đổi hiệu quả cho nhân loại.
Cặp tem đặc biệt về Ðức Giáo Hoàng Phanxicô Ngày 13.12, Ðức Phanxicô sẽ kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục. Nhân dịp này, Văn phòng Sưu tầm Tem và Nghiên cứu tiền đúc của Vatican vào ngày 4.11 đã phát hành hai con tem, dựa trên hai bức họa chân dung từ hai hình ảnh khác nhau của Ðức Thánh Cha, do họa sĩ Tây Ban Nha Raul Berzosa thực hiện. Con tem đầu tiên trong bộ đôi, giá trị 1,10 euro (gần 30.000đ), ghi lại hình ảnh của linh mục trẻ Jorge Bergoglio khi phục vụ ở giáo phận Malaga, Tây Ban Nha. Con tem thứ hai, giá trị 1,15 euro, là hình ảnh hiện tại của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô. Họa sĩ Berzosa cho hay bức họa này được vẽ với ý nghĩa nêu bật “lòng thương xót”. |
GIANG VÔ YÊN
Bình luận