Là khu vực phải thường xuyên hứng chịu thiên tai, Liên Hội đồng Giám mục Châu Á mời gọi mọi người đấu tranh bảo vệ môi trường.
Theo Đài Radio Vaticana, Liên Hội đồng Giám mục Châu Á vừa tổ chức một hội thảo hai ngày tại khu Abby Seiff ở thủ đô Bangkok (Thái Lan), với sự tham dự của giới hữu trách của Giáo hội Công giáo các nước trong khu vực. Nội dung chính của hội thảo là vấn đề Trái Đất nóng dần lên và ảnh hưởng của tình trạng này tại Đông Nam Á. Trong bài giảng khai mạc hội thảo vào ngày 18.8, Đức Hồng y (ĐHY) Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Giáo phận Rangoon (Myanmar) đã khẳng định: “Chúng ta cần phải có những giải pháp thực tiễn để đối đầu với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu”, như các đợt nắng nóng khủng khiếp tại Pakistan, mưa lũ ở Việt Nam và Myanmar, cũng như rừng sương mù dày đặc tại Malaysia. Các chuyên gia đã cảnh báo miền nam Việt Nam là một trong những vùng trên thế giới có thể chịu tác hại nặng nề do mực nước biển dâng cao khi nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng.
![]() |
Lũ lụt ở Myanmar |
Để phòng chống nguy cơ biến đổi khí hậu “hủy hoại nhân loại và công trình Tạo dựng là quà tặng Thiên Chúa ban”, ĐHY Bo mời gọi mọi chức sắc trong Giáo hội hợp lực đấu tranh bảo vệ môi trường, đáp lại lời hiệu triệu của Đức Thánh Cha Phanxicô qua Tông thư Laudato Si’ về việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại. Đức TGM Rangoon cũng nhắc đến nhiều thiên tai đã tàn phá Myanmar trong thời gian qua, từ cơn bão Nargis khiến 150.000 người thiệt mạng và mất tích cùng 800.000 người phải di tản vào năm 2008, đến đợt lũ lụt trong suốt nhiều tuần của tháng 7 và tháng 8 vừa qua đã gây thiệt hại cho hơn một triệu rưỡi người.
ĐHY Bo tuyên bố: “Người dân nghèo khổ ở những vùng bị lũ lụt trước đây không hề biết đến thuật ngữ “hiện tượng nóng lên toàn cầu”, nhưng họ lại liên tục trở thành nạn nhân của tình trạng này trong những thập niên qua, do các biến đổi về khí hậu. Chúng ta đang đứng trước một giao lộ của lịch sử. Những gì trước đây chỉ là các cơn bệnh cấp tính lẻ tẻ tấn công hệ sinh thái của chúng ta, nay lại biến thành một căn bệnh mạn tính của hành tinh xanh”. Do đó, ĐHY Bo kêu gọi Giáo hội các nước phối hợp hành động.
Cùng chia sẻ quan điểm của Đức TGM Rangoon, Đức cha Philip Banchong Chaiyara, với tư cách chủ tịch Caritas Thái Lan, qua phần phát biểu của mình, đã nhắc nhở vai trò của mỗi người chúng ta là “triển khai các chiến lược chăm sóc ngôi nhà chung” nhằm bảo vệ công trình Tạo dựng của Thiên Chúa.
![]() |
Người dân nghèo phải gánh chịu những hậu quả của việc môi trường bị ô nhiễm |
Trong một báo cáo tại hội thảo, cha Allwyn D’Silva, thư ký Văn phòng Liên Hội đồng Giám mục châu Á, đã ghi nhận ngày nay chúng ta bắt đầu ý thức hơn về các vấn đề khí hậu. Cha D’Silva nhấn mạnh rằng “các thách thức của biến đổi khí hậu chỉ có thể được giải quyết khi chúng ta đoàn kết, liên đới với nhau. Giúp đỡ các nạn nhân chưa đủ mà còn phải ngăn ngừa những nguyên nhân gây ra tình trạng này”. Trong khi mỗi quốc gia đang phải vật lộn giải quyết các vấn đề môi trường của riêng mình, việc phối hợp kinh nghiệm giữa các nước với nhau rất cần thiết, trong bối cảnh môi trường ngày càng ô nhiễm, hệ sinh thái ngày càng bị đe dọa do hoạt động của con người.
Đại diện của tám quốc gia gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Pakistan, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đều xác nhận nguyên nhân chính của các vấn đề về môi trường ở Đông Nam Á là việc chặt phá rừng, xây đập và xả nước bừa bãi. Và người nghèo là những người hứng chịu hậu quả nặng nề nhất.
Cô Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia về Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường tại TP.HCM nhận định: “Trong năm 2015, tại Việt Nam, trong lúc nơi này bị hạn hán khắc nghiệt thì nơi khác lại bị lũ lụt hoành hành. Nước biển thì xâm hại sông ngòi. Nguồn nước ngọt trở nên khan hiếm, trong khi lúa gạo là nông sản chủ lực của nền kinh tế nước nhà lại càng ngày càng khó trồng trọt hơn. Tình hình ngày càng đáng báo động hơn. Phải chăng chúng ta đang khởi đầu quá trình tự hủy diệt chính mình?”.
VIẾT HIỆP
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.