Sau ba năm đại dịch, trong những ngày này, Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc đang chuẩn bị cho các cuộc hành hương đông đảo của tín hữu đến các Trung tâm Thánh Mẫu vào tháng Năm, Tháng kính Đức Mẹ. Trong một thông cáo, Tổng Giáo phận Bắc Kinh viết: “Cùng với Giáo hội hoàn vũ, giờ đây chúng ta có thể nhớ đến ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô, và noi gương Đức Trinh Nữ Maria bước theo Chúa Kitô, Con Mẹ, để mặc khải dung nhan Chúa Phục Sinh và sống một cuộc sống mới”. Các giáo phận Bắc Kinh và Thượng Hải đã công bố chương trình tổ chức các cuộc hành hương, các giờ lần chuỗi Mân Côi, chầu Thánh Thể, các cuộc rước, cử hành thánh lễ trọng thể và thực hành bác ái. Các đền thánh, nhà thờ và nhà nguyện sẽ luôn mở cho các tín hữu.
Đền thánh Đức Mẹ ở Môn Đầu Câu, ngoại ô Bắc Kinh, là một địa điểm sùng kính Đức Mẹ được người Công giáo Trung Quốc rất yêu mến. Tại Thượng Hải, giáo phận đã chuẩn bị mọi sự để chào đón hàng trăm ngàn tín hữu hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn trong tháng Năm.
![]() |
Giới Hồi giáo và Công giáo Indonesia góp phần giảm rác thải nhựa
Phong trào Từ thiện Rác thải Indonesia (GRADASI) đã được giới Hồi giáo và Công giáo ở Indonesia hưởng ứng. Phong trào này nhằm mục đích giảm ô nhiễm nhựa trong cộng đồng bằng cách gom góp rác thải sinh hoạt và sử dụng lợi nhuận thu được từ rác thải để hỗ trợ các hoạt động xã hội, từ thiện của cộng đồng tôn giáo. GRADASI được khởi xướng vào năm 2021, tính đến tháng 3.2023, 123 tấn rác thải đã được thu gom từ 34 cộng đoàn Hồi giáo. Trong số này, 38 tấn là rác thải nhựa. Hiện nay, khoảng 100 cộng đoàn Hồi giáo trên khắp Indonesia đang thực hiện điều này. Giáo phận Bogor ở Tây Java đã ra mắt chương trình Kolekte Sampah vào năm 2022, có 15 trong số 28 nhà thờ thực hiện sáng kiến này. Cha Yosef Segu, chủ tịch Ủy ban Sinh thái của giáo phận Bogor nói rằng Kolekte Sampah là một hình thức chuyển đổi sinh thái bắt nguồn từ thông điệp Laudato si’, các giáo xứ đã có hành động thực sự đối với vấn đề rác thải chứ không chỉ bằng kêu gọi, giáo dục hay học tập.
![]() |
Giáo hội tại Philippines liên đới với người lao động
Một liên minh gồm các vị đại diện Giáo hội Công giáo và các tổ chức lao động ở Philippines đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những lời kêu gọi tăng lương nhân kỷ niệm Quốc tế Lao động 1.5. Đức Giám mục Gerardo Alminaza, Chủ tịch Tổ chức Giáo hội Liên đới với Nhân dân Lao động nhấn mạnh đến tính công bằng, cấp bách và mức lương đủ sống cho người lao động trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Người lao động xứng đáng được “tăng lương đáng kể” và việc tăng lương tối thiểu lần này là vì “phẩm giá và công lý”. Đức Giám mục cho biết chi phí sinh hoạt gia tăng và “tiền lương không đủ” đang buộc người lao động phải làm việc hơn 12 giờ mỗi ngày để có thêm thu nhập chu cấp cho gia đình họ.
![]() |
Người Công giáo Hàn Quốc lên tiếng bảo vệ đảo Jeju
Tín hữu Công giáo từ hai giáo phận ở Hàn Quốc đã tham dự thánh lễ đặc biệt cầu nguyện để bảo tồn đảo Jeju về mặt sinh thái, nơi mà họ nói sẽ bị hư hại nếu một sân bay mới được xây dựng theo kế hoạch. Ủy ban Môi trường Sinh thái của giáo phận Jeju giáo phận Incheon đã cùng tổ chức thánh lễ “Bảo tồn Môi trường Sinh thái của Jeju” tại đảo này vào ngày 23.4.2023. Hòn đảo vốn đã có sân bay quốc tế Jeju, được mệnh danh là một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới và được trung bình 26 triệu người sử dụng hằng năm. Người dân đảo Jeju, các nhóm bảo vệ môi trường và Giáo hội Công giáo đã lên tiếng phản đối sân bay thứ hai, vì cho rằng sẽ gây nguy hiểm cho môi trường và động vật hoang dã, đe dọa đến khu bảo tồn chim và môi trường sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Nhóm bảo vệ môi trường đã chỉ ra rằng “Jeju có thể có nền văn hóa vững chắc nhất khi nó giống Jeju, và khi nền văn hóa vững chắc, con người và thiên nhiên có thể cùng tồn tại”.
![]() |
Cộng đồng Công giáo Việt Nam kỷ niệm 20 năm hiện diện ở Tổng Giáo phận Seoul
Cộng đồng Công giáo Việt Nam đã tham dự thánh lễ ngày 23.4.2023 kỷ niệm 20 năm hiện diện ở Tổng Giáo phận Seoul. Đây là cộng đoàn có khoảng 600 tín hữu Việt sinh sống ở Seoul. Đức cha Peter Chung Soon - Taick, Tổng Giám mục Seoul, chủ sự thánh lễ tại Trung tâm Mục vụ, đã bày tỏ lòng biết ơn về hoạt động tông đồ của nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân Công giáo Việt trong 20 năm qua. Ngài khuyến khích các tín hữu Việt hãy như các môn đệ được Đức Kitô Phục Sinh sai đến nhiều nơi trên thế giới sống và thực hành Tin Mừng.
![]() |
Thủ tướng Ấn Ðộ gặp gỡ các đại diện Kitô giáo
Thủ tướng Narendra Modi đã có cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo Kitô giáo ở bang Kerala ngày 24.4.2023. Tại cuộc gặp gỡ, chủ đề thảo luận tập trung vào tình trạng bạo lực chống các Kitô hữu và những hạn chế đối với các Kitô hữu Dalit. Ông Modi bày tỏ sự quan tâm đến hoàn cảnh của các Kitô hữu và có phản ứng tích cực với việc đón tiếp Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Ấn Độ. Trước đây, Ðức Thánh Cha đã cho biết ngài muốn viếng thăm cộng đồng Công giáo tại nước này. Nhưng ngoài lời mời từ phía Giáo hội địa phương, còn cần có lời mời chính thức của quốc gia liên hệ. Ngày 30.10.2021, Ðức Thánh Cha đã tiếp Thủ tướng Modi tại Vatican. Nhân dịp này, ông đã mời Đức Thánh Cha viếng thăm Ấn Ðộ.
80 thành viên không phải là giám mục có quyền bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng Giám mục
Trong Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào tháng 10.2023 và 2024, có 80 thành viên không phải là giám mục sẽ có quyền bỏ phiếu. Theo quy định mới được Ðức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký và Ðức Hồng y Jean - Claude Hollerich, Tổng Tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ XVI trình bày ngày 26.4.2023, Thượng Hội đồng sẽ không còn các dự thính viên, nhưng có 80 tham dự viên không phải là giám mục, trong số này có 5 vị do Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam và 5 nữ tu do Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nữ bầu lên. Trong số 70 thành viên còn lại được xác định bởi các Hội đồng Giám mục và các Hội đồng của các Giáo hội, rồi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm, sẽ có một nửa là phụ nữ. Về việc có một nửa trong số 70 tham dự viên là phụ nữ “bởi vì thế giới của chúng ta là như thế”, theo Đức Hồng y Mario Grech và Đức Hồng y Jean - Claude Hollerich.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.