Hơn 250 thánh tích, bao gồm các mảnh xương và răng, từng thuộc về những vị thánh, đang chờ để trao cho người thích hợp.
Giáo phận London, trải dài từ hạt Huron đến Essex của Canada, đã cho phân loại di hài lẫn di vật của các vị thánh trước khi lưu trữ bộ sưu tập quan trọng bên trong một tầng hầm luôn được kiểm soát nhiệt độ, phục vụ cho mục tiêu bảo quản. Bà Debra Majer, chuyên viên lưu trữ văn thư của giáo phận, là người chịu trách nhiệm trông coi bộ sưu tập quý. Từ những năm 1700, nhiều đời giám mục đã lần lượt mang từng thánh tích về Ontario để tạo nên “kho tàng” như hiện nay. Đài CBC dẫn lời chuyên viên Majer nhận định: “Bạn không thể bỏ tiền mua và thánh tích cũng không được bày bán vì đây là những vật vô cùng thiêng liêng”.
![]() |
Bà Debra Majer |
Trong 10 năm qua, bà Majer đã đảm nhận một công việc bất thường và có thể nói là vô cùng khó khăn: tìm nơi “định cư” mới cho hơn 250 thánh tích.
Thánh tích quá lâu đời
Di vật của các vị thánh và những vị tử đạo, bao gồm xương, răng, trang phục hoặc tóc, được cất giữ bên trong theca (một dạng lọ nhỏ bằng kim loại), được đóng triện sáp bên trên. Dấu triện này tương đồng với con dấu của hồng y được đóng trên tài liệu đi kèm. Một sợi chỉ đỏ được bắt chéo đằng sau từng theca. Nếu theca bị vỡ, xem như không thể nào xác định được tính chân thực của thánh tích bên trong. Trong một số trường hợp, thời gian kéo dài có thể khiến tài liệu bị hư hại, gây khó khăn trong việc nhận dạng thánh tích thuộc về vị thánh nào. Đó là trường hợp mà giáo phận London đang phải đối mặt. “Không may là có 5 thánh tích quá lâu đời nên thông tin bị mờ nhạt theo năm tháng. Tôi không cách nào biết được những thánh tích này thuộc về vị nào”, bà Majer giải thích.
|
Hòm thánh tích |
|
Bộ sưu tập tại GP London, Otario |
Khi bắt đầu công việc “canh gác và bảo vệ” thánh tích cách đây 15 năm, bà Majer nhớ lại bộ sưu tập của giáo phận London bao gồm nhiều hộp chứa tài liệu bên trong. Chỉ cần không cẩn thận mở những tờ giấy cũ kỹ là thánh tích có thể rơi ra ngoài. Đáng tiếc, kể từ khi tiến hành hợp nhất các giáo xứ trong 10 năm qua, giáo phận London buộc phải chọn cách trao lại các thánh tích cho cộng đồng. Ai nấy đều có thể xin nhận nếu có tâm, không kể theo đạo Công giáo hay không. “Tất nhiên, mọi người đều muốn nhận các thánh tích nổi tiếng”, bà cho biết. Có nhiều thánh tích tại đây thuộc về những vị thánh thời danh, bao gồm thánh Phanxicô xứ Assisi, thánh Vinhsơn Phaolô, thánh Angela Merici, thánh Martin de Porres, thánh Anphong…, nhưng cũng có mẫu thuộc về những vị ít được biết hơn như thánh Prosperi và thánh Clari.
![]() |
Đá cẩm thạch nơi đặt thánh tích |
Biểu tượng cho niềm tin
Một số mẫu được cho là của thánh Cả Giuse, nhưng không có giấy tờ kèm theo để chứng minh. Bà Lizz Birchall, trợ lý của chuyên viên Majer cho hay, không vì thế mà những thánh tích chẳng có giấy tờ lại không quan trọng đối với bộ sưu tập. Đặc biệt, có hai thánh tích sẽ không rời khỏi nơi này. Một thuộc về thánh Peter Nolasco, không được nhiều người biết đến, nhưng giáo phận vẫn giữ tài liệu do Rôma chứng nhận từ đầu thế kỷ 18. Thứ hai là một mảnh được cho là lấy từ cây thánh giá từng mang thân xác Chúa Giêsu. “Chúng tôi đang nắm trong tay tài liệu từ năm 1782 xác nhận thánh tích này chính là một phần của cây thánh giá thiêng liêng”, chuyên gia Majer nhấn mạnh.
|
Hộp đựng xương thánh tử đạo Laurensô |
Những năm qua, thánh tích tiếp tục được chuyển về văn phòng của bà Majer, nhờ chuyên gia này tìm nơi lưu trữ mới cho các di vật của những con người thánh thiện trong lịch sử Công giáo. Có đôi lần bà phải phá hủy thánh tích, một quy trình được thực thi theo đúng giáo luật. Thánh tích phải được đốt đi, chôn xuống đất hoặc thả vào một đầm nước sâu, để “duy trì và tôn trọng cho những thánh tích thiêng liêng”.
|
Thánh tích và các tài tiệu chứng thực |
|
Di vật được cho là của thánh Cả Giuse |
BẠCH LINH
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.