Thứ Bảy Tuần Thánh - 3.4, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ tế lễ Vọng Phục Sinh tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô ở Vatican.
Vì dịch Covid-19, đây là năm thứ hai liên tiếp thánh lễ vào thứ Bảy Tuần Thánh được tổ chức với số lượng người tham dự rất hạn chế, tại nhà nguyện có bàn thờ Ngai Tòa. 34 vị hồng y và 5 vị giám mục đã đồng tế với Ðức Thánh Cha. Tương tự như lễ Ðêm Giáng Sinh, 24.12.2020 vừa qua, lễ đã được dâng sớm hơn, vào lúc 19g30, để kết thúc trước giờ giới nghiêm tại Ý là 22g.
![]() |
Ảnh: Vatican Media |
Ðức tin và hành động
Phần chia sẻ Lời Chúa của Ðức Phanxicô đã được khai triển từ lời mời gọi “đến Galilê”: Ðừng sống đức tin một cách thụ động, mà hãy bằng hành động. Những phụ nữ được nhắc đến trong Tin Mừng “đã đến để khóc thương một người chết, nhưng ngược lại, họ đã được nghe loan báo về sự sống”. Họ “tràn ngập nỗi sợ và sự ngạc nhiên”, “một sự lo ngại hòa lẫn với niềm vui, đã làm choáng ngợp tâm hồn vào lúc họ nhìn thấy tảng đá lớn được lăn khỏi cửa mộ và bên trong là một thanh niên khoác bạch y”. Bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê đã nhận được lời mời gọi vào ngày Phục Sinh: “Hãy đến Galilê, trước tiên có nghĩa là hãy khởi đầu lại. Với các vị tông đồ, là quay trở lại nơi mà lần đầu tiên Chúa đã tìm họ và mời gọi họ theo Người. Ðó là nơi hội ngộ đầu tiên, và của tình yêu đầu tiên”.
Ðương nhiên, từ lần gặp gỡ ấy, không phải mọi việc của các môn đệ đều hoàn hảo: “Tuy được ở cạnh, nhưng các tông đồ đã không hoàn toàn hiểu được Thầy, nhiều lần, họ đã hiểu sai Lời Thầy và trước thập giá, các ông đã trốn tránh, để Người lại đơn độc. Dù đã có những thất bại như thế, nhưng Chúa Phục Sinh, một lần nữa, vẫn đến Galilê trước họ. Ði trước, nghĩa là hiện diện phía trước. Ngài gọi và mời họ đi theo mình”. Bằng “tình yêu vô bờ bến”, Chúa đã “mở ra những con đường mới ở giữa những hành trình thất bại của chúng ta”.
“Chúng ta luôn có thể khởi đầu lại, vì Chúa có quyền năng tạo nên một đời sống mới cho chúng ta, sau những thất bại của mỗi người. Ngay cả với những đổ vỡ trong tim chúng ta, Chúa cũng có thể làm thành một kiệt tác nghệ thuật. Ngay cả với những thành phần thảm hại của nhân loại, Chúa cũng chuẩn bị cho một trang sử mới. Chúa luôn đi trước chúng ta: Trên thánh giá của khổ hình, của sầu bi và của sự chết; cũng như trong vinh quang của Phục Sinh, của một lịch sử đang sang trang, của một niềm hy vọng đang được thắp lên lại. Trong những ngày tháng tăm tối của đại dịch, chúng ta nghe Chúa Phục Sinh mời gọi khởi đầu lại, và không bao giờ để mất niềm hy vọng”, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh.
![]() |
Thánh lễ hạn chế người tham dự để phòng chống dịch Covid-19 - ảnh: Vatican Media |
Ðừng đắm chìm trong những tiếc nuối
Và như thế, đến Galilê đồng nghĩa với “đi trên con đường mới, cũng là đi hướng ngược lại với ngôi mộ”, của sự chết chóc. Ðức tin không phải là sự hoài niệm não nề về một biến cố trong quá khứ: “Rất nhiều người, kể cả chúng ta, vẫn sống với ‘đức tin của những kỷ niệm’, như thể Ðức Giêsu chỉ còn là một nhân vật của quá khứ, một người bạn thuở thiếu thời giờ đã ở xa, một sự việc xảy ra đã lâu, khi ta còn bé và vẫn còn học giáo lý. Ðó là một đức tin được hình thành từ thói quen, từ những điều xưa cũ, từ kỷ niệm ấu thơ tươi đẹp, nhưng không còn liên quan đến ta, không còn làm ta rung động”. Ngược lại, đến Galilê nghĩa là được hiểu biết rằng để đức tin sống động, thì phải lên đường. Mỗi ngày, chúng ta nên sống sự khởi đầu của một hành trình, với sự ngạc nhiên của lần đầu gặp gỡ, và trải nghiệm những điều này bằng lòng tin tưởng mà không nhất thiết phải kiểm soát hay lên kế hoạch cho tất cả: “Chúng ta rất thường e ngại những điều bất ngờ của Chúa, nhưng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy để mình được ngạc nhiên!”.
“Ðức Giêsu không phải là một nhân vật đã lỗi thời. Ngài hằng sống, ở đây và bây giờ. Ngài đi với bạn hằng ngày, trong mỗi hoàn cảnh mà bạn sống, trong mỗi thử thách mà bạn phải trải qua, trong những giấc mơ mà bạn ấp ủ. Ngài mở ra những con đường mới mà bạn tưởng chừng như không hiện hữu, Ngài thúc giục bạn đi ngược với dòng chảy của sự tiếc nuối, của những điều ngỡ đã thấy. Ngay cả khi bạn dường như đã đánh mất tất cả, hãy mở lòng ra với sự ngạc nhiên từ điều mới mẻ của Chúa: Người sẽ làm bạn bất ngờ”, Ðức Phanxicô giảng giải.
Ngoài ra, đến Galilê cũng có nghĩa là đến với những vùng ngoại biên, vì Chúa Giêsu muốn loan báo Tin Mừng cho những ai đang phải sống trong đau khổ, bị lãng quên, cho những thân phận dễ bị tổn thương, cho người nghèo. Chúa luôn tìm kiếm họ và “trong mắt Người, không ai là kẻ thấp hèn, không ai bị loại trừ”.
Galilê của ngày nay
Thời nay, vẫn còn những “Galilê đích thực”: “Ðó là cuộc sống thường nhật, là những con đường mà chúng ta đi hằng ngày, là những góc phố mà Chúa đến trước chúng ta và Người vẫn luôn hiện diện, trong cuộc sống của những ai ở cạnh chúng ta, chia sẻ với chúng ta thời gian, mái nhà, công việc, nỗi đau buồn và niềm hy vọng. Ở Galilê, chúng ta được biết rằng có thể tìm thấy Ðấng Phục Sinh trong diện mạo của anh chị em xung quanh, trong niềm hứng khởi của những ai đang ước mơ, trong sự cam chịu của những ai đang nản lòng, và nhất là trong những người nghèo, những người bị lãng quên. Chúng ta sẽ ngạc nhiên với cách mà sự vĩ đại của Chúa được tỏ bày ở những điều bé mọn, với cách mà vẻ đẹp của Người lại rạng rỡ ở những ai chất phác và thanh bần”.
Ðức Giêsu, Ðấng Phục Sinh, yêu thương con người vô bờ bến và vẫn đến với chúng ta vào mỗi tình cảnh trong cuộc đời. Ngài hiện diện giữa thế gian và mời gọi chúng ra vượt qua những rào cản, chiến thắng những định kiến, để đến gần với anh chị em vẫn ở cạnh bên, để tìm lại ân sủng thường nhật: “Vượt trên mọi thất bại, mọi điều xấu xa, bạo lực, vượt trên mọi nỗi đau và vượt trên cái chết, Ðấng Phục Sinh hằng sống và dẫn lối cho lịch sử”.
“Nếu đêm nay, bạn giữ trong lòng một thời khắc u tối, một ngày chưa có tia nắng ban mai, một ánh sáng bị chôn vùi, một giấc mơ tan vỡ, hãy mở lòng với điều bất ngờ và Tin Mừng Phục Sinh: Ðừng sợ, Người đã sống lại, Người đợi bạn ở Galilê. Những điều chờ mong sẽ không bị thất vọng, nước mắt sẽ được lau khô, niềm hy vọng sẽ chiến thắng nỗi sợ hãi. Bởi vì Chúa luôn ở phía trước, Người luôn đi trước chúng ta. Và, với Người, mãi mãi, cuộc sống sẽ lại khởi đầu”, Ðức Thánh Cha kết luận.
Lan Chi
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.