Ngày 21.12, Ðức Giáo Hoàng đã tiếp kiến giáo triều và có những trao đổi nhân dịp Giáng Sinh như truyền thống hằng năm.
Năm nay, trong bối cảnh nhân loại phải trải qua những ngày tháng u ám vì dịch Covid-19, Ðức Phanxicô đặc biệt nêu nhiều suy tư về “khủng hoảng”, nhấn mạnh sự khác biệt với “xung đột”. Ngài mời gọi giáo triều xem cơn khủng hoảng đang diễn ra là một “thời kỳ ân sủng” để chúng ta “hiểu được Ý Chúa đối với mỗi người và với toàn thể Giáo hội”.
![]() |
Giáng Sinh đã cận kề, đứng trước mầu nhiệm Nhập Thể, ở cạnh Hài Nhi sinh ra trong máng cỏ, hay chiêm ngắm mầu nhiệm Phục Sinh và Ðấng đã bị treo lên thập giá, chúng ta chỉ có thể tìm ra vị trí thích hợp dành cho mình “nếu biết từ bỏ, trở nên khiêm tốn và giản dị”. Và như vậy, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh, chỉ khi tự đặt mình ở “vị trí chót cùng” thì chúng ta mới thật sự có một “chỗ tốt”, nhất là trong mùa Giáng Sinh năm nay, “Giáng Sinh của đại dịch, của khủng hoảng y tế, kinh tế, xã hội và cả Giáo hội”.
Bão tố để hoán cải
“Cơn hoạn nạn này là một thử thách, và đồng thời cũng là cơ hội lớn để chúng ta hoán cải và tìm lại giá trị đích thực”, Ðức Giáo Hoàng nói. Ngài nhắc lại ngày 27.3 - khi một mình ở quảng trường Thánh Phêrô và ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi (cho Rome và cho thế giới) đặc biệt vì không phải dịp Giáng Sinh hay Phục Sinh, vào lúc Covid-19 đang hoành hành dữ dội: “Trước một quảng trường trống rỗng, nhưng thật ra vẫn đang đầy ắp sự hiệp thông từ khắp thế giới, tôi muốn cầu nguyện cho tất cả, với tất cả, và tôi đã có cơ hội để nói về ý nghĩa của ‘cơn bão’ đang càn quét thế giới”.
![]() |
Phép lành toàn xá đặc biệt ngày 27.3 - ảnh: Vatican Media |
“Cơn bão ấy đã phơi bày sự yếu đuối của chúng ta và cho thấy những sự an toàn mà chúng ta viện dẫn để lập nên lịch trình, kế hoạch, thói quen hoặc xem là ưu tiên, đều giả tạo và thừa thãi. Bão tố đã chứng minh rằng chúng ta đã bỏ quên những điều thật sự nuôi dưỡng, nâng đỡ và tạo nên sức mạnh cho đời sống mỗi người cũng như cho cộng đồng. (…) Từ đó, các lớp trang điểm - mà chúng ta dùng để che đậy cái tôi - dần rơi rụng và để lộ ra bản chất không thể chối cãi: chúng ta đều là anh chị em”, Ðức Thánh Cha phân tích và qua đó liên hệ với thông điệp của ngài về tình huynh đệ Fratelli Tutti - Tất cả anh em.
Khủng hoảng và cứu độ
Ðức Phanxicô giảng giải các khía cạnh của khủng hoảng: “Khủng hoảng vẫn hiện diện ở các thời kỳ của lịch sử, và ảnh hưởng đến ý thức hệ, chính trị, kinh tế, kỹ thuật, sinh thái, tôn giáo. Ðây là một phần bắt buộc trong lịch sử của mỗi người và của xã hội. Nó thể hiện như một sự kiện bất thường và luôn mang lại cảm giác sợ hãi, hoang mang, lưỡng lự khi phải chọn lựa điều cần làm”.
![]() |
Đại dịch cũng là dịp để thể hiện tình liên đới |
Ngay trong Kinh Thánh cũng có nhiều “nhân vật gặp khủng hoảng”, nhưng chính nhờ đó, họ đã góp phần vào lịch sử của cứu độ. Khủng hoảng của tổ phụ Abraham khi phải rời bỏ đất đai và trải qua thử thách lúc dâng hiến con trai Isaac lên Chúa, là sự khởi đầu của một “dân tộc mới”. Khủng hoảng của tiên tri Môsê là khi thiếu tự tin vào bản thân và đã có lúc muốn thoái lui trước sứ vụ, nhưng qua đó, Chúa đã làm ông trở thành người dẫn đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập. Còn khi tiên tri Êlia khủng hoảng, lo sợ và trốn vào sa mạc, thậm chí đã mong Chúa “cất đi mạng sống”, thì ông đã nhận ra sự hiện diện của Người qua “làn gió hiu hiu” (1 V 19, 11-12): “Tiếng nói của Chúa không bao giờ là những âm thanh rền vang của cuộc khủng hoảng, mà là âm thanh dịu dàng của làn gió hiu hiu vẫn thầm thì với chúng ta giữa những biến cố”.
Tương tự như thế là những khủng hoảng của thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Phaolô… nhưng vượt lên trên hết, chính là những gì Chúa Giêsu đã trải qua. Từ những cám dỗ ở hoang địa đến nỗi cô đơn, lo lắng rồi sự phản bội của Giuđa tại vườn Cây Dầu và đỉnh điểm là cơn khủng hoảng trên thập giá, Ðức Kitô đã phó dâng trọn vẹn vào tay Chúa Cha và với sự tín thác đó, Người đã mở đường cho Phục Sinh.
![]() |
Ðừng lẫn lộn với xung đột
Qua những phân tích trên, Ðức Thánh Cha mời gọi giáo triều vững lòng khi phải “bước vào khủng hoảng”, nhưng đừng “nhầm lẫn khủng hoảng với xung đột”. Nhìn Giáo hội dưới góc độ của xung đột, “tả khuynh với hữu khuynh; cấp tiến với bảo thủ” là gây chia rẽ, phân cực và là sự phản bội bản chất đích thực. Giáo hội vốn sống động nên vẫn “luôn trải qua khủng hoảng”. Giáo hội có thể khủng hoảng, nhưng không xung đột. Chính vì vậy, Ðức Phanxicô nhắc nhở: “Ðừng đánh giá Giáo hội một cách vội vàng khi chỉ nhìn trên những cuộc khủng hoảng của quá khứ hay hiện tại. Ðã bao nhiêu lần chúng ta phân tích như thể đây là những vấn đề hoàn toàn vô vọng?”. Nhiều sự việc đã bị kết luận một cách tiêu cực “gần như lập tức trên báo đài”, trong khi những dấu hiệu của hy vọng vẫn được tồn tại rất lâu sau đó.
“Hãy ngừng sống trong quan điểm xung đột và bắt đầu tìm lại con đường cho chúng ta. (…) Những ai không nhìn khủng hoảng với ánh sáng của Tin Mừng thì chỉ như đang mổ xẻ một tử thi. Hãy lấy can đảm để tuyên bố rằng giai đoạn khủng hoảng chính là thời kỳ của Chúa Thánh Thần”, Ðức Thánh Cha thúc giục. Qua những biến động của khủng hoảng, chính là lúc để đổi mới, để “hiểu Ý Chúa đối với mỗi người và với toàn Giáo hội”. n
Lan Chi
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.