Các chuyên gia trên thế giới mới đây đã tề tựu tại Ðài Thiên văn Vatican để nghe kết quả báo cáo về cuộc nghiên cứu quan trọng liên quan đến hàng chục ngàn thiên hà lâu nay vẫn giấu mặt ở vùng phụ cận Dải Ngân hà.
Đài Thiên văn Vatican đã ra thông cáo báo chí về việc tổ chức buổi cung cấp thông tin mới nhất về kết quả khảo sát sâu ở khu vực trung tâm của Dải Ngân hà.
“Xua mây” khỏi vùng trời bị che khuất
Từ lâu, các nhà thiên văn vô cùng đau đầu trước tình trạng mà theo thuật ngữ của ngành là “Vùng bị từ chối”. Đây là cụm từ dùng để chỉ một dải bầu trời bị chính Dải Ngân hà của chúng ta che khuất những thiên hà khác cũng như mọi thứ liên quan, theo trang tin Công giáo Catholic News Agency.
Giới chuyên gia vận dụng nhiều kỹ thuật quan sát khác nhau và liên tục kiên trì nhìn xuyên qua bóng dáng khổng lồ của Dải Ngân hà để nghiên cứu vùng vũ trụ đằng sau đó. Một trong số này là cuộc khảo sát có tên VISTA Variables in the Via Lactea extended (VVVX) - khởi động từ tháng 2.2010, dự án tập trung quan sát vùng phình ra của Dải Ngân hà cũng như phần phía nam của đĩa thiên hà. Công cụ được sử dụng để nghiên cứu là Kính viễn vọng VISTA ở Paranal (Chile).
Đài Thiên văn Vatican thông báo, nhờ vào kỹ thuật mới và vô cùng phức tạp, giờ đây đội ngũ VVVX “đã có thể nhìn xuyên qua các lớp bụi và thấy được những thiên hà xa xôi ở bên kia Dải Ngân hà”.
Đài Thiên văn Vaticanlà một trung tâm nghiên cứu khoa học không gian danh tiếng trên thế giới |
Trong số những khám phá được trình bày tại hội nghị ở Vatican, những người có mặt được tiếp cận “danh mục mới gồm gần 20.000 thiên hà chưa từng được quan sát trước đó, và nằm ngay bên kia mặt phẳng của Dải Ngân hà”. Điều này cho phép giới thiên văn học “phát hiện những cấu trúc trong vũ trụ” nhưng thường bị thiên hà của chúng ta che khuất. Bên cạnh đó, Đài Thiên văn Vatican cung cấp thông tin về cuộc nghiên cứu “sao siêu tốc”. Đây là những ngôi sao di chuyển với vận tốc lớn hơn 2 triệu km/giờ, và được cho đạt tốc độ kinh khủng sau đợt chạm trán siêu hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà.
Các nhà khoa học đồng thời chia sẻ những phát hiện mới về dạng “sao biến quang” ở dĩa hạt nhân của Dải Ngân hà. Những thiên thể này có sự thay đổi đầy hỗn loạn về độ sáng, hiện tượng chưa từng quan sát trước đó ở những dạng sao khác. Những khám phá được trình bày tại hội nghị đã “mở đường cho sự hiểu biết sâu hơn về cấu trúc của Dải Ngân hà và sự hình thành chung của mọi thiên hà”, theo Đài Thiên văn Vatican.
Lịch sử đóng góp cho đức tin và khoa học
Sự kiện ở Đài Thiên văn Vatican một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của viện nghiên cứu do Vatican sáng lập trong nỗ lực mang sự hòa hợp giữa đức tin và khoa học. Có nguồn gốc từ năm 1582, Đài Thiên văn Vatican là một trong những đài quan sát thiên văn hoạt động lâu đời nhất trên thế giới. Năm 1891, viện nghiên cứu một lần nữa được thành lập trở lại theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, với mục đích củng cố sự ủng hộ của Giáo hội Công giáo đối với khoa học.
Ban đầu nằm gần Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Đài Thiên văn Vatican được chuyển đến cung điện mùa hè của giáo hoàng Castel Gandolfo, dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô XI do tình trạng ô nhiễm ánh sáng ở thành Rome. Đến năm 1981, một lần nữa do tình trạng ô nhiễm ánh sáng lan rộng, đài thiên văn quyết định thiết lập trung tâm nghiên cứu mới ở bang Arizona (Mỹ), nơi nổi tiếng với những bầu trời đen.
Kính viễn vọng Công nghệ Hiện đại Vatican (VATT) tọa lạc trên đỉnh núi Graham ở vùng nông thôn Arizona, cách thủ phủ Phoenix khoảng 360km về hướng đông nam. Nơi này được trang bị kính viễn vọng Alice P. Lennon và cơ sở nghiên cứu Thomas J. Bannan. Cách đây 30 năm, kính viễn vọng của đài thiên văn đã tiếp nhận ánh sáng đầu tiên.
Quay lại Đài Thiên văn Vatican, hiện nơi này có hơn 10 linh mục và tu sĩ đến từ 4 châu lục, chuyên nghiên cứu vũ trụ dựa trên các công cụ khoa học hiện đại. Đài thiên văn cũng làm việc với các nhà khoa học đến từ những viện thiên văn lớn trên khắp thế giới. Người đứng đầu đài thiên văn là thầy Guy J. Consolmagno của dòng Tên.
Trong số các thành viên của đài thiên văn có thầy Robert J. Macke, người giúp đỡ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lắp đặt thiết bị đóng vai trò then chốt trong việc nghiên cứu vật liệu thu thập từ tiểu hành tinh Bennu và vừa được đưa về Trái đất hồi cuối tháng 9.
HỒNG HOANG
Bình luận