Thánh Jacinta Marto là em gái Thánh Francisco Marto. Nhiệm vụ duy nhất của cô bé là hoán cải các tội nhân và gìn giữ các linh hồn khỏi sa vào hỏa ngục. Nếu Lucia, người chị họ, đã đàm đạo với Mẹ trong những lần Ngài hiện ra; và nếu Francisco thấy mọi sự, nhưng không nghe được gì, thì bản thân Jacinta không nói, nhưng thấy và nghe tất cả.
![]() |
ƠN LÀNH CỦA JACINTA
Jacinta là em gái út trong các anh em nhà Marto, sinh sau anh Francisco hai năm. Năm 1917, như anh mình, cô bé không biết đọc và chưa xưng tội rước lễ lần đầu. Theo lời chị họ Lucia, Jacinta là một bé gái nhỏ nhắn, linh hoạt, vui vẻ và chân thành. Rất nhạy cảm, nhưng cũng dễ hờn dỗi; một điều cỏn con cũng khiến em không hài lòng. Tuy nhiên, như Francisco, Jacinta cùng có sự thanh thản nội tâm, nhờ vào bầu khí đức tin mạnh mẽ trong gia đình. Trong mọi hành động của bé gái đều toát lên sự hiện diện của Chúa và Mẹ Maria. Thậm chí ở sâu trong núi đồi, nơi khuất xa mọi ánh mắt nhìn, cùng với anh, Jacinta rất thích làm người ta nhớ đến tên mình. Ngay cả khi đọc toàn bộ kinh Kính Mừng (Ave Maria), cô bé cũng quan tâm làm sao cho mỗi lời vọng ra, nghe thật rõ ràng. Và như sau này Lucia đã khẳng định, Đức Mẹ ban cho Jacinta “muôn ngàn hồng ân” và “ơn hiểu biết sâu sắc về Chúa và đức hạnh”. Chân dung chị Lucia vẽ về em họ mình là “người tay sạch lòng thanh”, theo như trang mạng santietbeati.be, của Ý viết về các thánh và chân phước. Đôi mắt Jacinta nói lên sự hiện diện và quyền năng của Chúa; cô bé say mê “hy sinh và hãm mình”.
Như Francisco, em ghi khắc trong tim lời Mẹ dặn trong lần hiện ra thứ tư (tất cả có sáu lần): “Các con hãy cầu nguyện và hy sinh thật nhiều cho các tội nhân. Nhiều linh hồn xuống hỏa ngục, vì họ không có ai hy sinh và cầu nguyện cho họ”. Ngay lần đầu Đức Mẹ hiện ra, Jacinta đã có thói quen trao các bữa ăn xế của mình cho người nghèo và để thay thế, em dùng các hoa quả và rễ cây rừng để dịu cơn đói. Em nói mỗi khi nhịn ăn hay uống, hoặc lúc chịu khinh khi, trêu chọc và bị đối xử tàn tệ, bất công: “Điều này giúp hoán cải nhiều tội nhân hơn”. Em luôn lặp lại: “Em yêu Chúa và Mẹ đến độ không thấy chán khi nói với các Ngài rằng em yêu mến các Ngài”. Jacinta không ngừng hát khe khẽ: “Lạy thánh tâm dịu hiền Đức Mẹ Maria, Mẹ là nguồn cứu độ con! Lạy trái tim Vô nhiễm nguyên tội, xin hoán cải các tội nhân, và cứu các linh hồn khỏi sa hỏa ngục’’. Lời hứa của Đức Trinh Nữ Maria không ngừng vang vọng trong tâm hồn của Jacinta, cũng như của Francisco và Lucia: “Các con sẽ đau khổ nhiều, nhưng ân sủng Chúa sẽ phục hồi cho chúng con”.
![]() |
Jacinta ngày còn thơ ngây trên tay một viên cảnh sát |
“PHÉP LẠ” TỪ LINH CỬU
Như Francisco, Jacinta không sống bao lâu. Cùng lúc với anh trai mình, cô bé mắc phải bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918, nhưng Jacinta chết sau Francisco một năm, sau nhiều tháng hấp hối. Trong giai đoạn ấy, Đức Mẹ đã hiện ra cho cô bé ba lần. Một ngày kia, Jacinta hô lên : “Ôi Mẹ ơi !...Các bạn không thấy Đức Mẹ Cova da Iria (Fatima) đó sao ?”. Ngày 20.2.1920, em chết một mình, như Mẹ đã tiên báo cho hai em trong một thị kiến: “Đức Mẹ đã nói với chúng em rằng không bao lâu nữa Mẹ đến tìm Francisco và đem anh ấy về Trời. Còn em, Ngài hỏi xem có muốn hoán cải thêm các tội nhân không. Em nói có”, theo lời thuật đầy xúc động của chị họ Lucia sau này trên website fatima.be. Vì thế, Mẹ chưa chữa em lành nhưng để em phải chịu khổ thêm “để đền bù nhân loại đã xúc phạm đến Trái tim Vô nhiễm của Mẹ”. Jacinta qua đời đơn quạnh, nhưng không sợ hãi, vì Mẹ đã hứa đến “tìm em để đưa về Trời”.
Linh cữu của cô bé thị nhân được quàn tại nhà thờ các Thiên Thần. Và theo lời truyền tụng, ba ngày sau khi qua đời, thân xác của em tỏa hương hoa các loại, tạo sự ngạc nhiên vô cùng, và lưu lại trong không khí, mặc dù căn bệnh của em đã mưng mủ. Không ai có thể lý giải điều này. Môi và má em ửng hồng đẹp đẽ, như thể em còn sống.
Ngày 12.9.1935, thi hài của em đã được di dời từ Vila Nova vùng Ourém đến Fatima. Khi mở quan tài, nhân viên phục vụ có thể xác nhận rằng khuôn mặt thị nhân vẫn còn nguyên vẹn. Điều này cũng diễn ra tương tự, khi khai quật lần cuối tại Vương Cung Thánh Đường Fatima, ngày 1.5.1951. Một tấm ảnh khuôn mặt Jacinta đã được gởi đến chị Lucia. Chị lại gởi nó cho Đức cha José Alves Correia, Giám mục giáo phận Leiria, và qua một lá thư, chị cho ngài hay ước muốn của mình là một ngày nào đó Chúa lại ban cho Jacinta “hào quang các thánh, để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria”. Tiếp theo lá thư ấy, Đức Giám mục người Bồ Đào Nha này yêu cầu chị Lucia viết tất cả những gì chị biết về đời sống của Jacinta. Các bản văn đó tạo nên tập đầu tiên trong sáu tập ghi lại “Hồi ký của sơ Lucia”, xuất bản năm 1935.
Tuyên thánh và tuyên chân phước
Ngày 13.5.2017, 17 năm sau khi Đức Gioan Phaolô II chủ sự lễ tuyên Chân phước cho Jacinta Marto cùng với anh trai Francisco Marto ở Fatima, ĐTC Phanxicô trở lại nơi này để cử hành lễ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra, và tôn phong Hiển thánh hai thiếu niên này. Hai vị là anh em ruột đầu tiên không phải tử đạo được cùng tuyên thánh. Phép lạ được ghi nhận do lời chuyển cầu của họ và được lưu giữ để phong Chân phước, là việc chữa lành chị Emilia Santos, bị bại hai chân, thuộc giáo phận Leiria (Bồ Đào Nha), ngày 25.3.1987, sau một tuần cửu nhật trong kỳ tĩnh tâm dành cho các bệnh nhân tại Fatima. Sơ Lucia dos Santos, chị em họ với Francisco và Jacinta, cũng có thể được phong Chân phước, sau đó Hiển thánh, nhưng sơ qua đời chưa lâu lắm (năm 2005). Ngày 13.2.2008, ĐTC Bênêđictô XVI đã cho phép miễn trừ năm năm cần thiết để khởi động hồ sơ phong Chân phước. Việc yêu cầu mở hồ sơ được thực hiện hai tháng sau, và Tòa án được thiết lập ngay năm sau. Hồ sơ giáo phận về phong Chân phước đã được long trọng khép lại ngày 13.2 vừa qua. |
THÀNH KHÁNH
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.