Ngày 24.2 vừa qua, 15 vị chủ chăn đã đến thăm Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Paris - “trang trại lớn nhất nước Pháp”, được tổ chức thường niên với khoảng 700.000 lượt khách tham dự.
Giống Abondance với cái đầu lông trắng đặc trưng
- Thiệt tình là tôi không biết Prim-Holstein có cả màu kem. Tôi cứ nghĩ chúng toàn màu đen!
- Chẳng bao lâu nữa, có khi giống này sẽ có cả màu dạ quang nữa kìa. Nhất là ở vùng Corse của anh đó.
- Tôi thì thích giống bò của vùng Normandie, chúng nhìn rất đẹp.
- Nhưng quan trọng nhất là chất lượng của sữa kìa.
- Ôi, hãy nhìn con đằng kia!
Đức cha Jean-Marc Eychenne tại khu triển lãm cừu - ảnh: AFP |
Nếu không nói rõ, chắc khó có thể mường tượng đây là đoạn đối thoại giữa những vị giám mục. Những ai may mắn có mặt khi các vị chủ chăn đến thăm Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Paris - được tổ chức ở Trung tâm Triển lãm Porte de Versailles từ ngày 22.2 đến ngày 1.3 - ắt hẳn sẽ không ít lần trầm trồ. Không ngạc nhiên sao được khi nghe Ðức cha Philippe Ballot, Tổng Giám mục Chambéry, nói rành rọt về các giống bò sữa: “Giống Abondance có thể nhận ra ngay với cái đầu lông trắng đặc trưng!”. Ở giữa những con Bazadaise, Montbéliarde, Prim-Holstein, vị chủ chăn vẫn luôn tự hào về gốc “con nhà nông” này thật sự như… cá gặp nước. Gặp gỡ nông dân, nhìn ngắm, đánh giá từng con bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, ngài như đang được trở về nhà. Còn Ðức cha Olivier de Germany, Giám mục Ajaccio thì khiến mọi người thán phục khi nói rành rọt giá cả của các giống heo phổ biến ở Pháp.
Tuy không phải vị nào cũng là “chuyên gia” về nghề nông như hai vị chủ chăn của Chambéry và Ajaccio, nhưng điểm chung của các giám mục đến với Porte de Versailles vào ngày 24.2 vừa qua là đang coi sóc một giáo phận ít nhiều liên quan với vùng nông thôn. Pháp không chỉ nổi tiếng về du lịch, thời trang, khoa học…, mà còn là một quốc gia với những nông sản nức tiếng trên thế giới. Vì vậy, hằng năm, dịp khu triển lãm ở Paris biến thành một nông trại khổng lồ luôn là sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm.
Ðây không phải lần đầu tiên các giám mục đến dự hội chợ nông nghiệp lớn nhất nước Pháp. Mọi việc bắt đầu từ đợt dịch cúm gà hoành hành năm 2015 tại nước này, theo báo Libération. Trong phiên họp toàn thể của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) vào mùa thu năm ấy, Ðức cha Hervé Gaschignard, Giám mục Aire et Dax thông báo ngài sẽ đến dự Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Paris vào cuối tháng 2.2016 như một thông điệp của tình liên đới với những người chăn nuôi gà đang khốn đốn. Tỉnh Landes thuộc giáo phận của ngài là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch. Tuy nhiên, chuyến thăm cá nhân đã thành chuyến thăm tập thể khi nhiều vị giám mục khác quyết định sẽ đi cùng.
Đức cha Jacques Habert trao đổi với nông dân - ảnh: La Croix |
“Làm lành” với nhà nông
Dịch cúm gà năm 2015 chỉ là một trong số vô vàn khó khăn mà nông dân Pháp phải đối mặt từ nhiều năm qua. Dịch bệnh; cung vượt quá cầu; nông sản tuột giá; hệ lụy từ các căng thẳng về ngoại giao (như việc Liên minh châu Âu và Nga cấm vận qua lại); nghề nông bị xem là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường… Nông nghiệp Pháp gặp khủng hoảng nhưng nhà nông không nhận được nhiều cảm thông từ xã hội. Nông dân có cảm giác bị bỏ rơi, phải đơn độc chống chọi với khó khăn. Sự hiện diện của phái đoàn CEF tại nhiều kỳ Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Paris (2016, 2018 và 2020) được xem là một cách để “làm lành” với nhà nông.
Trong phỏng vấn đăng ngày 18.2 trên website của CEF, Ðức cha Jacques Habert, Giám mục Séez, chuyên trách sứ vụ Nông thôn của Hội đồng Giám mục Pháp cho biết: “Tham dự hội chợ nông nghiệp mang lại hai điều quan trọng. Thứ nhất, chúng tôi, các giám mục sẽ được gặp gỡ, khám phá, tìm hiểu về nhiều vấn đề thực tế liên quan đến cuộc sống và công việc của nông dân từ chính những chia sẻ của họ. Ðiều này giúp chúng tôi hình dung được những biến đổi của ngành nông nghiệp. Thứ hai, khi nhiều giám mục cùng có mặt, sẽ là một thông điệp mạnh mẽ để bày tỏ sự khích lệ với nông dân. Cộng đồng không lãng quên họ. Chúng tôi mong muốn đôi bên hiểu nhau hơn”. Theo các vị chủ chăn Pháp, khó khăn của nhà nông chưa được nhìn nhận xác đáng, dù họ có nhiệm vụ vô cùng quan trọng: “Nông dân mang đến những sản vật giúp nuôi sống chúng ta”.
Một mục đích khác của phái đoàn CEF khi đến với “trang trại lớn nhất nước Pháp” là mời gọi nông dân hướng về một nền nông nghiệp xanh. Ðể gìn giữ Ngôi Nhà Chung như thông điệp Laudato si của Ðức Giáo Hoàng, nông nghiệp và môi trường không thể tách rời nhau. Tại phiên họp mùa thu năm 2019 của Hội đồng Giám mục Pháp, nhiều giáo dân đã được mời đến dự họp cùng các chủ chăn của mình. Một trong những chủ đề chính của phiên họp là về sinh thái nên có không ít nông dân đã có dịp chia sẻ kinh nghiệm thực tế về sự lựa chọn phương thức chăn nuôi, trồng trọt thân thiện với môi trường. Kỳ “Hội ngộ Nông dân toàn quốc” sẽ được CEF tổ chức từ ngày 24-26.4 tới tại Chateauneu-de-Galaure cũng nhằm mục đích “xanh hóa” nền nông nghiệp.
Thánh lễ sau khi kết thúc chuyến thăm |
Các vị giám mục Pháp đang nỗ lực đồng hành với nông dân, đặc biệt trong những thời kỳ họ gặp khủng hoảng. Tại Séez, giáo phận miền thôn quê, ngoài những chuyến thăm mục vụ, Ðức cha Habert đã dành một năm đặc biệt để thường xuyên đến các trang trại, công ty sản xuất lương thực - thực phẩm, gia đình nông dân. Kết quả là, “họ cảm thấy rất vui khi được giám mục ghé nhà và dành thời gian để lắng nghe”… Ðức cha Raymond Centène, Giám mục Vannes thì có chuyến thăm mục vụ dài ngày, đến nhiều địa điểm hồi cuối năm ngoái như một bước chuẩn bị cho chương trình “quan sát nông thôn” dự định được thực hiện trong tương lai gần. Theo ngài, để Giáo hội không xa lạ trước những mối lo lắng của nông dân, cần phải ghi nhận sát sao cuộc sống của họ. Giáo phận Vannes sẽ lập những nhà Mục vụ Nông thôn nhỏ, với sự tham gia của nhiều nông dân trẻ, làm thành một mạng lưới để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau khi cần.
Lan Chi
Bình luận