Thứ Năm, 25 Tháng Năm, 2023 08:00

Khổ nạn được viết bằng máu

 

Từ cuối tháng 3 đến tháng 9, Trung tâm Thông tin Công giáo (CIC) ở Washington D.C (Mỹ) tổ chức trưng bày bản sao theo kích thước thật của Vải liệm Turin.

 

Phiên bản kích thước 4,4 x 1,1m được tạo ra theo yêu cầu của Bảo tàng Thánh Kinh ở thủ đô Mỹ và đang cho CIC mượn để tổ chức cuộc triển lãm nhỏ về Vải liệm Turin.

Dự án NSTE nhằm thúc đẩy sự quan tâm đối với Khăn liệm Turin


Biểu tượng của sự hy sinh

Bà Myra Adams, người đứng đầu chương trình Triển lãm Vải liệm Turin Quốc gia (NSTE), chia sẻ bà lần đầu tiên thấy hình ảnh mô phỏng Chúa Giêsu với mọi dấu ấn của cuộc khổ nạn trên thập tự giá khi đến nhà nguyện Thánh Phêrô lịch sử ở Harpers Ferry, Tây Virginia. Bà cho biết hình ảnh Chúa trên thập tự giá, mô phỏng mọi vết thương tương tự như hình ảnh trên tấm vải liệm, cho phép bà cảm nhận được một cách thực tế về sự hy sinh của Đức Giêsu.

Dự án NSTE nhằm thúc đẩy sự quan tâm đối với Vải liệm Turin và tiến tới tổ chức cuộc triển lãm dài hạn ở Washington D.C. Trang tin National Catholic Register dẫn lời bà Adams nêu lên một thực tế rằng một số tín hữu không nhận thức được rõ về nỗi đau khổ mà Chúa Giêsu đã trải qua trong cuộc thương khó. Thế nhưng, khi họ nhìn thấy vải liệm, họ đã có được những cảm nghiệm sâu sắc hơn nhiều.

Bản sao của Vải liệm Turin được trưng bày ở CIC nhờ vào quan hệ đối tác với Bảo tàng Thánh Kinh, NSTE và Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Vải liệm Turin. Bản gốc được lưu giữ ở Turin (Ý). Cha Charles Trullols, Giám đốc CIC, bày tỏ sự vui mừng vì trung tâm này có vinh dự được tổ chức cuộc triển lãm bản sao kích thước thật trong vòng nửa năm. Cha cho rằng bản sao có thể truyền tải sự chịu đựng của Chúa Giêsu ở mức độ có thể cảm nhận rõ ràng, cho phép con người hiểu được tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại khi Người chết trên thập tự giá và cam chịu đau đớn vì tội lỗi của nhân loại.


Những dấu ấn của nỗi khổ nạn

Bà Nora Creech, chuyên gia về lịch sử của vải liệm, gọi Vải liệm Turin là sự bổ sung hoàn hảo của Thánh Kinh. Bà dẫn lại lời của Đức Bênêđictô XVI rằng đây là “biểu tượng được viết bằng máu”. Nữ giảng viên cũng đề cập những chi tiết mà tấm vải liệm tiết lộ về sự thống khổ và cái chết của Chúa Giêsu.

Đầu tiên, bà chỉ ra việc Chúa Giêsu đổ mồ hôi trong lúc hấp hối có thể đến từ tình trạng mồ hôi máu, khiến da đặc biệt nhạy cảm trước mọi sự đụng chạm, và điều này càng tăng thêm sự đau đớn trong những thời khắc cuối cùng. Một chi tiết khác, khi Người bị giao nộp cho các lính gác Do Thái và bị đánh đập, như ghi chép trong Phúc Âm theo thánh Máccô, “đó là chấn thương đầu tiên phản ánh trên vải liệm, với mắt phải bị sưng phù và các nhà khoa học cho rằng do trúng nắm đấm hoặc gậy gộc”. Hình ảnh trong tấm vải liệm còn cho thấy phần mũi bị đánh gẫy.

 


Vải liệm còn cho thấy những dấu vết của đòn roi trải khắp cơ thể, bàn chân và đầu. Riêng ở đầu có dấu vết của mão gai. Phần vải liệm ở đầu vẫn còn bám phấn hoa từ một loại cây bản địa gọi là Gundelia tournefortii, với gai dài đến 5cm. Vải liệm cũng ghi nhận những vết trầy xước ở vai phải và vai trái, dấu vết để lại sau khi Đức Giêsu phải vác thập tự giá.

Nữ chuyên gia bổ sung việc nghiên cứu vải liệm cũng xác nhận thông tin về chặng đàng thánh giá, theo đó, Chúa Giêsu 3 lần té ngã và đất bụi chủ yếu tập trung trên chân, đầu gối và chóp mũi của ngài. Bên cạnh đó, trong khi nghệ thuật vào thời Trung Cổ mô tả Chúa bị đóng đinh vào lòng bàn tay, tấm vải liệm lại phản ánh tình tiết khác. Đinh không đóng xuyên bàn tay mà xuyên qua cổ tay. Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ người Pháp Pierre Barbet vào năm 1950 cũng phát hiện, thông qua thí nghiệm trên xác chết, đinh đóng xuyên bàn tay không thể duy trì được trọng lượng của cả cơ thể, mà phải đóng vào cổ tay.

Bảo tàng Thánh Kinh


Với những ghi nhận mới nhất của các nhà khoa học, cha Trullols, Giám đốc CIC, cho rằng tấm vải liệm có khả năng gây ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, và bằng cách nào đó khích lệ các tín hữu tạ ơn Thiên Chúa bằng cuộc đời của chính mình. Cha hy vọng sẽ có thêm nhiều người chiêm ngưỡng bản sao Vải liệm Turin để có thêm những cảm nghiệm sâu sắc có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời của họ.

 

LING LANG

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm