Thứ Sáu, 09 Tháng Mười Một, 2018 15:55

Lão giáo và Công giáo đối thoại

Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn tổ chức một cuộc hội thảo kỳ II giữa Công giáo và Lão giáo từ ngày 5 đến 7.11.2018 tại Singapore về đề tài “Luân lý đạo đức Kitô và Lão giáo đối thoại”. Chương trình diễn ra tại Trung tâm Linh mục Jean Marie Beurel với sự tham dự của 70 học giả và chuyên gia đến từ Singapore, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Vatican và Đài Loan. Hội thảo tạo cơ hội cho việc trao đổi giữa các học giả về vấn đề luân lý đạo đức; tiếp đến là cấp thiết cùng nhau hoạt động trong tinh thần đồng trách nhiệm trước sự suy thoái trầm trọng về mặt nhân đạo, luân lý đạo đức và xã hội trên thế giới liên quan đến gia sản luân lý chung của toàn thể nhân loại.

Đức cha Miguel Anguel Ayuso Guixot, Tổng Thư ký Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn, và Đức ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku, viên chức của Hội đồng, hiện diện cùng với Đức cha Felix Anthony Machado, Tổng Giám mục Vasai, Ấn Độ, đại diện cho Liên Hội đồng Giám mục châu Á.

 

Bạn của phong trào Focolare họp mặt

40 giám mục thuộc 12 Giáo hội Kitô đến từ 18 quốc gia tham dự cuộc gặp gỡ thứ 37 của “các giám mục - bạn của phong trào Focolare” từ ngày 6 đến 9.11.2018 tại Sigtuna, Thụy Điển. Cuộc gặp gỡ có chủ đề là “Lắng nghe Chúa Thánh Linh trước những thách đố về đại kết trong thế giới ngày nay”. Các giám mục trao đổi về ý nghĩa sự hòa giải trong văn hóa hiện đại, việc canh tân Giáo hội và công nghị tính.

 

Giáo hội ủng hộ di dân

Vào hạ tuần tháng 10, hàng ngàn di dân từ Honduras, El Salvador và Guatemala đã băng qua Mexico để tìm cách đến Mỹ. Tòa Tổng Giám mục Mexico City kêu gọi các tín hữu ủng hộ những di dân từ Trung Mỹ này. Trong thông cáo công bố ngày 29.10, Đức Tổng Giám mục Carlos Aguiar Retes đề nghị các giáo xứ hỗ trợ các đoàn người tiến qua lãnh thổ Mexico bằng đường bộ.

Hội đồng Giám mục Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi tín hữu Công giáo và giới hữu trách mở lòng với những người di cư. Theo các vị chủ chăn Mỹ, quyền bảo vệ biên giới là chính đáng, nhưng cần phải hành xử quyền trong tinh thần trách nhiệm vì “những người xin tị nạn không phải là những người bất lương”. Trước đó, Đức cha Guy Charbonneau, Giám mục giáo phận Choluteca ở miền nam Honduras đã lên tiếng bày tỏ lo âu về hành trình của đoàn di dân, và nhân danh Giáo hội, ngài kêu gọi sự đón tiếp và trợ giúp giải quyết các khó khăn.

 

Giáo hội Nam Phi quyết liệt chống lạm dụng tính dục

Đức cha Buti Joseph Tlhagale, Tổng Giám mục Johannesburg kêu gọi phạt vạ tuyệt thông, loại trừ khỏi Giáo hội những linh mục nào lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ngài đã bày tỏ lập trường trên trong thánh lễ truyền chức cho 4 linh mục ở Johannesburg, và nêu tình trạng những người giúp phá thai hoặc lỗi luật độc thân thì bị vạ tuyệt thông, còn những kẻ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên thì lại không. Theo Đức cha Tlhagale, cần phải thay đổi giáo luật về vấn đề này.

Hồi đầu tháng 10.2018, Hội đồng Giám mục Công giáo và Giáo hội Anh giáo Nam Phi đã thông báo quyết định tăng cường các biện pháp chống lại nạn lạm dụng. Theo Đức Tổng Giám mục Stephan Rigli, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nam Phi, các ứng sinh linh mục trước khi được nhận phải xuất trình chứng nhận có đời sống trong sạch và phải trải qua một cuộc trắc nghiệm tâm lý.

 

Tôn phong chân phước Clelia Merloni

Sáng 3.11, Đức Hồng y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã chủ sự lễ tôn phong chân phước cho mẹ Clelia Merloni, sáng lập dòng Nữ Tu Tông Đồ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh lễ được cử hành tại đền thờ Thánh Gioan Latêranô, là nhà thờ Chánh tòa của giáo phận Rome. Mẹ Clelia Merloni sinh ngày 10.3.1861 tại thành phố Forli, bắc Ý, trong một gia đình giàu có. Năm 33 tuổi, cùng với 3 bạn gái tại thành phố Viareggio, cô Merloni xúc tiến việc thành lập dòng nữ Tông Đồ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nối tiếp sứ mạng của thánh nữ Margarita Maria Alacoque, truyền bá và cổ động lòng yêu mến của các tín hữu đối với Thánh Tâm.

Mẹ qua đời tại nhà mẹ của dòng ở Rome vào ngày 21.11.1930, hưởng thọ 69 tuổi, để lại một gia sản tinh thần phong phú. Các nữ tu của dòng hiện có mặt tại 15 nước trên thế giới, trong đó có 4 nước châu Mỹ Latinh; ở châu Á có Đài Loan, Philippines... Phần lớn họ hoạt động trong các trường học, nhà thương.

 

Cơ quan mới của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống

Ngày 8.12, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống sẽ chính thức thành lập một cơ quan mới và duy nhất để phục vụ tất cả các ngành thuộc phong trào Công giáo Canh tân trong Thánh Linh trên thế giới. Cơ quan này mang tên là Charis, được mở theo ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong thông cáo công bố ngày 2.11, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống cho biết, Charis không có quyền nào trên các phong trào Công giáo Canh tân trong Thánh Linh. Mỗi phong trào hoặc hội đoàn tiếp tục ở dưới quyền của giáo quyền liên hệ, nhưng họ có thể dùng dịch vụ của Charis để chu toàn sứ mạng của mình.

Bộ cũng bổ nhiệm một vị điều hợp Charis là giáo sư Jean-Luc Moens, người Bỉ và các thành viên của cơ quan này, tổng cộng là 18 người phụ trách 5 châu và các lãnh vực khác nhau như các châu lục, các linh mục, tu sĩ, các cộng đoàn, các hiệp hội giáo dân, người trẻ dưới 30 tuổi. Vị tuyên úy của Charis là cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, cũng là giảng thuyết viên tại Điện Tông Tòa.

 

Thông điệp về sự tha thứ

Ngày 2.11, một đoàn tín hữu Chính Thống Copt đã bị tấn công tại Minya, Ai Cập, làm 7 người thiệt mạng và 19 người bị thương. Đức Thượng phụ Tawadros II, Giáo chủ Chính Thống Copt Ai Cập tuyên bố: “Chúng tôi cũng cầu nguyện cho cả những kẻ sát nhân”. Theo ngài, những kẻ này bị ảo tưởng rằng bạo lực sẽ làm chùn bước các tín hữu. Tại Ai Cập có khoảng 10 triệu tín hữu Chính Thống Copt. Lễ an táng sáu nạn nhân vụ tấn công đã được cử hành ngày 3.11 tại nhà thờ Prince Tadros ở thành phố Minya. Nạn nhân thứ 7 là tài xế xe buýt được an táng ở một nơi khác.

 

Ðức Phanxicô tiếp đại diện Do Thái giáo

Trong buổi tiếp kiến sáng 5.11.2018 dành cho phái đoàn 25 Rabbi, Đức Thánh Cha cổ võ việc tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng Do Thái và tăng cường các cuộc đối thoại liên tôn. Trong dịp này, ngài nhắc đến hai biến cố đau thương là cuộc bố ráp người Do Thái ở Rome (16.10.1943) để đưa tới các trại tập trung; và Đêm Kinh hoàng (9.11.1938), khi rất nhiều nơi thờ phượng của người Do Thái bị Đức quốc xã phá hủy. Đức Phanxicô lên án trào lưu bài Do Thái, ngài nhắc lại rằng, vì có cùng căn cội chung, một Kitô hữu không thể là người bài Do Thái, tình thân hữu giữa người Do Thái và Kitô hữu ăn rễ sâu nơi lịch sử cứu độ phải được cụ thể hóa trong sự quan tâm đối với nhau.

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm