Lực lượng đặc biệt “Mũ xanh” đã được UNESCO hỗ trợ thành lập tại Ý, để cứu vãn ngói, tượng ảnh và các vật dụng khác có nguy cơ vỡ nát trong những thánh đường từng bị tàn phá bởi động đất.
Phục hồi các thánh đường cổ bị hư hại là một công trình tỉ mỉ, có tính khoa học và với sự tham gia của một tập thể gồm các chuyên gia ở nhiều lãnh vực như lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, bảo tồn văn hóa cùng nhiều tình nguyện viên, hiến binh, cảnh sát… Tập thể này chính là nhóm “Mũ xanh chuyên trách văn hóa”, được Ý thành lập cách đây một năm, với sự hỗ trợ của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
![]() |
Tại Visso, thị trấn miền trung Ý từng bị một chuỗi địa chấn liên tiếp vào năm 2016, các chuyên gia đã sẵn sàng hoạt động để cứu vãn những di sản tôn giáo. Niềm xúc động thật lớn lan tỏa trong phòng thánh bé nhỏ, đầy vết nứt nẻ của ngôi giáo đường Thánh Phanxicô, được xây dựng từ thời Trung cổ. Nhóm “lính Mũ xanh” có mặt với hy vọng vớt vát được phần nào cho kho tàng văn hóa chung. Trong quá trình tìm kiếm, họ khám phá một bức bích họa tuyệt vời. Các màu sắc mờ đục, màu thổ hoàng và tím của cảnh Chúa chịu đóng đinh, có lẽ do danh họa Paolo de Visso vẽ, vào thế kỷ 15, dần dần hiện ra dưới đống đổ nát, sau chiếc tủ lớn phòng thánh vẫn còn đứng nguyên một cách kỳ lạ. Giữa ngổn ngang gạch đá của thánh đường Thánh Phanxicô, khoảng bốn mươi người, tay đeo găng, đầu đội mũ nồi xanh đang cố tìm kiếm để lấy lại các mẫu vật quý giá, hầu hết là đồ cổ hoặc tác phẩm nghệ thuật.
Ông Pierluigi Morricone, đặc trách khu khai quật cho biết: “Đây là ngôi nhà thờ cổ nhất của vùng Marches, một vùng quy tụ nhiều kho báu vô giá về tôn giáo và nghệ thuật, với không dưới 483 giáo đường”. Ông cũng là nhà sử học nghệ thuật, hoạt động cho đơn vị xử lý khủng hoảng thuộc Bộ Văn hóa Ý. Ông Morricone nói thêm: “Chúng tôi cứu vãn khoảng 600 tác phẩm nghệ thuật mỗi ngày. Chí ít cũng khoảng 5.000 tác phẩm vào các tuần gần đây. Ưu tiên là cứu những bức tranh, bích họa, thánh tích, tác phẩm điêu khắc, tượng ảnh, vật dụng thờ phượng, chân đèn nhiều ngọn, tượng thánh giá, mặt nhật và bình hương”.
![]() |
Đội quân nhẫn nại
Với sự kiên nhẫn liên tục, tay cầm bàn chải bằng lông cứng, anh Antonio lau lớp bụi trên một bức tranh thế kỷ 18, mô tả Đức Trinh Nữ, đầu đội triều thiên bằng vàng, tay bồng hài nhi Giêsu. Như nhờ phép mầu, các y phục đỏ và xanh, rực rỡ trở lại, và các thiên sứ tái xuất hiện. Anh “lính mũ Xanh” này đang cùng mọi người tái thiết Visso. Thị trấn này được thành lập năm 907 và đã tồn tại qua mọi hình thức cướp phá từ thời đế chế Byzantine, nhưng bị thiệt hại nặng nề sau 2 trận động đất 5,5 và 6,1 độ Richter hồi tháng 10.2016. Nhà cửa đổ sập, may mắn không gây thương vong nhưng toàn bộ dân cư đã phải sơ tán.
“Visso là nơi của nghệ thuật. Điều diễn ra quả là một thảm kịch. Chúng tôi phải phục hồi mảnh đất này. Không thể bỏ nó được”, anh Antonio khẳng định. Anh đang điều hành một viện bảo tàng, cách đó một trăm cây số, và mỗi thứ hai, là ngày đóng cửa, anh trở về tham gia, làm tình nguyện cho công việc cứu vãn các tác phẩm nghệ thuật với nhóm “lính Mũ xanh”.
![]() |
Lính mũ xanh hỗ trợ phục vụ các di tích văn hoá tại Visso (Ý) ngày 27.2.2017 |
Sẵn sàng làm nhiệm vụ khắp thế giới
Được thành lập vào tháng 2.2016, đến nay, lực lượng “lính Mũ xanh văn hóa” gồm 30 hiến binh chuyên trách bảo tồn di sản và 30 chuyên gia đa lãnh vực sẵn sàng can thiệp vào các vùng gặp thảm họa hay xung đột, không riêng tại Ý mà trên khắp thế giới.
40 thành viên tiếp theo của nhóm sẽ tham gia khóa đào đạo trong vài tháng tới. Ngày 30.3 vừa qua, Ý đã tổ chức tại thành phố Florence “hội nghị G7” đầu tiên về văn hóa, với hy vọng nhiều quốc gia cũng tiếp bước nước này. Đại úy Paolo Montorsi nhận định: “Chúng tôi được chuẩn bị để làm việc tại bất cứ quốc gia nào. Ở Libya, Syria, Iraq, chúng tôi đều có nhiều trải nghiệm trong lãnh vực bảo vệ các kho tàng văn hóa. Cảnh sát Ý xem việc bảo tồn di sản là đặc quyền của họ từ năm 1969 và cũng đã huấn luyện cảnh sát của nhiều nước”.
Dân Argentina rất mến mộ Đức Phanxicô Một cuộc khảo sát do Viện Analogias (Argentina) thực hiện tại thủ đô Buenos Aires cho thấy hơn 82,1% số người được hỏi có nhìn nhận tích cực về ngài.
41,5% số người tham gia khảo sát cho biết nghĩ “rất tốt” về ĐTC, 24,9% chọn “tốt” và 15,4% “khá tốt”. Được chất vấn về các chủ đề khiến họ ấn tượng đặc biệt về người đồng hương đã trở thành Giám mục thành Rome, 27,5% nhắc đến “tính nghiêm túc và lòng thành thực của ngài”, 21,4% mến phục vì “quan điểm của ĐTC về người nghèo” và 15,8% về “việc ngài phê phán thuyết tư bản”. Về tác động lâu dài do việc Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng, có đến 29,2% số người được hỏi khẳng định nhờ ngài mà cảm thấy gần gũi Giáo hội hơn. Đàng khác, Giáo hội Công giáo vẫn là thể chế, qua đó các người Argentina được hỏi đều bày tỏ niềm tin tưởng lớn lao nhất: 27,9% tin vào Hội Thánh, so với chỉ 10,5% đặt ở truyền thông đại chúng, 7,2% dành cho hệ thống tư pháp, 7,1% vào chính phủ và 6,3% cho các nhóm đối lập... Sau cùng, 73,9% dân Argentina mong mỏi ĐTC tông du ở quê nhà. Chuyến tông du này có thể diễn ra vào 2018, cùng lúc với Chilê và Pêru. |
XUÂN VĨNH
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.