Những công trình từ thế kỷ 11 trước Công nguyên vừa được khai quật tại miền nam Israel, mà quy mô lớn bất thường của chúng gợi nhớ đến Goliath trong Cựu Ước.
Tại khu định cư cổ đại ở miền nam Israel, phải đến tận thời điểm này, các nhà khảo cổ học mới phát hiện những công sự khổng lồ nằm ẩn mình bên dưới, theo tờ The Haazetz dẫn lời giám đốc Dự án khảo cổ Tell es-Safi/Gath. Trong khi đa số khu vực đã được xác định có niên đại từ thế kỷ 10 đến thứ 9 TCN, lớp khai quật mới lại đưa ra bằng chứng về sự tồn tại của một cộng đồng từ thế kỷ 11 TCN. Nếu đối chiếu theo Cựu Ước, đây là thời điểm vị vua tương lai của người Do Thái David đánh bại gã khổng lồ Goliath.
![]() |
“Vào cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 10 TCN, giai đoạn đầu của cổ thành Gath, nơi mà những tàn tích ấn tượng vừa được khám phá, trùng với khung thời gian David xuất hiện”, theo giáo sư Aren Maeir của Ðại học Bar-Ilan, giám đốc chịu trách nhiệm triển khai dự án Tell es-Safi/Gath suốt 23 năm qua. Tờ The Times of Israel đưa tin, nhóm của giáo sư Maeir đã tính toán thời điểm này dựa trên niên đại của các đời vua trị vì vương quốc Israel và Judah thống nhất đã phản ảnh trong Cựu Ước. “Nếu David tham gia trận đơn đấu với Goliath, nó phải rơi vào thời kỳ đầu của thời đại đồ sắt”, giám đốc Maeir phân tích.
Ðến nay, nhóm của ông vẫn chưa tìm được dòng văn tự nào ghi rõ “nơi đây là cổ thành Gath”, nhưng quá trình khai quật kéo dài hơn 2 thập niên tại Tell es-Safi/Gath đã giúp phát hiện tàn tích của cộng đồng có quy mô đáng nể của người Philistine vào thời đại đồ sắt. Khu định cư đã bị vua Hazael của vương triều Arameans phá hủy vào khoảng năm 830 TCN, và thông tin này đã được phản ánh trong Sách Các Vua II.
![]() |
Trong nhiều năm, giáo sư Maeir và đồng sự luôn cho rằng lớp tàn tích Hazael là giai đoạn thi công lớn nhất trong lịch sử cổ thành Gath. “Tuy nhiên, tôi luôn có cảm giác không thoải mái. Một câu hỏi luôn hiện lên trong đầu tôi là: Nếu thành phố bị vua Hazael tàn phá có tầm quan trọng đến thế, tại sao nó không có công sự xung quanh?”, theo vị chuyên gia. Sau khi tiếp tục đào sâu xuống trong mùa khảo cổ năm nay, cuối cùng đội ngũ khảo cổ cũng tìm thấy những tàn tích vô cùng ấn tượng, tồn tại trước khi khu định cư bị vua Hazael phá hủy vào năm 830 TCN.
![]() |
Sau 23 năm khai quật Dự án khảo cổ Tell es-Safi/Gath vẫn còn cung cấp nhiều thông tin mới đầy giá trị |
Kiến trúc của lớp định cư cổ nhất có kích thước lớn hơn nhiều lần so với hầu hết bất kỳ công trình tương tự nào có thể tồn tại ở vùng Cận Ðông vào thời điểm đó. Chẳng hạn, diện tích xây dựng của thế kỷ 11 vào khoảng 0,5 km2, lớn hơn gấp 2 lần so với các thành phố cùng thời. Bên cạnh đó, “kết quả cho thấy các tòa nhà và công trình có quy mô vô cùng lớn, được xây bằng những tảng đá khổng lồ”, giáo sư Maeir cho biết. Các công sự vừa được tìm thấy có bề ngang 4m, so với từ 2-2,5m trong những giai đoạn sau đó.
![]() |
Tương tự như thế, các kích thước của vật liệu cũng khác biệt. Nếu trong thế kỷ 10 - 9 TCN, các kiến trúc sư cổ sử dụng các tảng đá chiều dài nửa mét, Gath đời đầu được xây bằng những khối đá từ 1 đến 2m. Nhóm của ông cũng khai quật được các bức tường từ thế kỷ 11 TCN có hình dạng bất thường, được xây dựng từ các viên gạch cực dày và vô cùng chắc chắn. Theo hiểu biết của vị giám đốc dự án, loại gạch này hiếm khi được sử dụng vào thời đại trước giai đoạn đế quốc La Mã. “Về khía cạnh địa lý, có thể so sánh đô thị thời Goliath như TP New York (gần 9 triệu dân) với bên còn lại là các đô thị cỡ Indianapolis (dân số gần 900.000)”, theo giáo sư Maeir.
![]() |
Có thể nói, khám phá mới giúp xâu chuỗi lại những mẩu sự kiện một cách hợp lý hơn. Và mùa khai quật năm nay cũng vừa khép lại. Theo website của dự án, phải đợi đến năm 2021 nhóm mới khởi động mùa thứ 25, và cũng là mùa làm việc cuối cùng tại đây. “Bạn cặm cụi khai quật một nơi suốt quá nhiều năm nên thật không khó hiểu khi tin rằng mình nắm rõ mọi thứ”, giáo sư Maeir nói. “Thế nhưng, mỗi động tác của xẻng đều có thể mang đến một khám phá mới mẻ và không hề ngờ đến”, ông kết luận.
LING LANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.