“Mọi người là con Thiên Chúa, chúng ta sẽ cùng vượt qua”

Giữa những âu lo vì cơn đại dịch, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn nhủ chúng ta hãy tìm về với lời cầu nguyện để “nhận ra sự yếu đuối của mỗi người”.

Trả lời phỏng vấn nhà báo Domenico Agasso của tờ La Stampa về trận dịch lịch sử, Ðức Phanxicô nhấn mạnh, cần phải sống những ngày này với “sự sám hối, lòng trắc ẩn, niềm hy vọng” và cả sự khiêm nhường, vì ta thường quên rằng trong cuộc sống, vẫn có những miền tối, những thời khắc u ám: “Chúng ta cứ nghĩ rằng những điều đó chỉ xảy ra với người khác. Nhưng ngược lại, giai đoạn tăm tối này ảnh hưởng đến mọi người, không có ai ngoại lệ”. Chẳng có ai được yên ổn, tất cả đều phải chia sẻ với nhau những ngày tháng khó khăn.

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Lạy Cha

Không phân biệt tôn giáo

Mùa Chay, theo Ðức Thánh Cha, “bằng lời cầu nguyện và sự chay tịnh”, đã dẫn đưa chúng ta đến một nhãn quan của tình liên đới khi hướng về tha nhân, nhất là những ai đang đau khổ, trong lúc chờ đợi ánh sáng lại lan tỏa khắp nơi. Ngài giảng giải trong bài phỏng vấn của báo La Stampa: “Tôi nhớ đến các vị tông đồ trong cơn giông bão đã cầu cứu Ðức Giêsu: ‘Lạy Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất’. Lời cầu nguyện giúp chúng ta nhận ra sự yếu đuối của mỗi người. Ðó là tiếng khóc than của người nghèo, của những người đang chìm đắm, của những ai đang cảm thấy bị đe dọa hay cô độc. Trong những lúc khó khăn hay tuyệt vọng, cần nhận biết rằng vẫn có Chúa để ta nương tựa”. Chúa nâng đỡ con người bằng nhiều cách, Người gần gũi chúng ta, ban cho sức mạnh, như đã từng làm với môn đệ khi các ngài cầu cứu trong cơn bão, hay lúc chìa tay cho Phêrô khi ông chìm xuống nước.

Ðức Phanxicô lưu ý, không có sự phân biệt nào giữa người theo đạo hay ngoại đạo: “Chúng ta đều thuộc về nhân loại và vì đều là con người, chúng ta ở trên cùng một chiếc thuyền. Không điều gì của loài người mà Kitô hữu có thể được ngoại lệ. Lúc này đây, chúng ta khóc bởi vì những khổ đau. Tất cả. Chỉ có một nhân loại và một nỗi đau chung. Chúng ta được giúp đỡ bằng sự đồng lòng, bằng tình liên đới, bằng tinh thần trách nhiệm và hy sinh, đã được chứng thực ở khắp nơi. Chúng ta đừng chú tâm vào sự khác biệt giữa lương hay giáo, hãy nhìn về nguồn cội: nhân loại. Trước Chúa, chúng ta đều là con cái”.

Đức Phanxicô cầu nguyện cho những người đang gìn giữ trị an, góp phần vào nỗ lực chung để đẩy lùi Covid-19

Lời trăn trối qua điện thoại

Ðức Thánh Cha kể với nhà báo Domenico Agasso về nỗi đơn độc của những bệnh nhân Covid-19 khi chết mà không có gia đình bên cạnh: “Có một câu chuyện làm tôi bàng hoàng và đau xót khi nghe thuật lại, là những gì đang diễn ra ở các bệnh viện. Một cụ bà biết rằng giờ phút sau cuối của mình đã đến. Bà chỉ mong được nói lời ly biệt với người thân. Một điều dưỡng đã lấy điện thoại và kết nối cuộc gọi video với cháu ngoại của cụ. Bà đã nhìn thấy mặt cháu gái, và có thể ra đi thanh thản. Ðó là mong ước sau cùng, có một bàn tay để nắm, cử chỉ cuối để đồng hành. Nỗi đau của người phải ra đi trong đơn độc sẽ là vết thương lòng của những ai ở lại. Tôi xin cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng, những tình nguyện viên, dù vô cùng mỏi mệt, vẫn đang rất cố gắng để khỏa lấp sự thiếu vắng người thân của những người sắp qua đời”.

Theo Ðức Phanxicô, cơn dịch Covid-19 nhắc nhở chúng ta rằng, nhân loại là một cộng đồng lớn, và cho thấy tình huynh đệ đại đồng quan trọng đến thế nào. Qua “trận chiến”, sẽ không còn “người ta”, mà sẽ là “chúng ta”, bởi vì cùng nhau, chúng ta mới vượt qua được tình trạng này. Hãy nhớ nhiều hơn về nguồn cội, là ông bà, là những người cao tuổi. Hãy xây dựng tình huynh đệ giữa chúng ta, để nhớ về những khó khăn đã cùng trải qua, và bước tới với niềm hy vọng. Ðức Thánh Cha nhấn mạnh những từ khóa để có thể có khởi đầu mới: “Nguồn cội, ký ức, huynh đệ và hy vọng”.

Cùng với các y bác sĩ, mỗi người đồng lòng góp sức theo khả năng của mình để vượt qua giai đoạn u ám

Cùng đọc kinh Lạy Cha

Ở từng thánh lễ hay những dịp xuất hiện trước công chúng những ngày này qua các chương trình phát trực tuyến, Ðức Giáo Hoàng đều có những chia sẻ về trận dịch đang hoành hành khắp thế giới. Trong buổi đọc kinh Truyền tin ngày 22.3, ngài đã mời gọi toàn thể Kitô hữu cùng đọc kinh Lạy Cha - lời kinh hiệp nhất các Kitô hữu, vào lễ Truyền Tin, 25.3, lúc 12g (giờ Rome, tức 18g, giờ VN). Các giáo phận Công giáo trên khắp thế giới và nhiều cộng đoàn Kitô như Anh giáo, Chính thống giáo… đã nhiệt thành đáp lời.

Chủ sự buổi đọc kinh Lạy Cha ngày 25.3, Ðức Phanxicô chia sẻ: “Anh chị em thân mến, hôm nay, chúng ta - Kitô hữu toàn thế giới - cùng đọc kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy. Như những người con, chúng ta ngỏ lời với Cha. Ðây là điều chúng ta vẫn làm nhiều lần hằng ngày, nhưng thời khắc này, chúng ta cùng khẩn cầu Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho nhân loại đang trải qua những thử thách khắc nghiệt của đại dịch do siêu vi Corona gây ra. Chúng ta làm điều này cùng nhau, giữa những Kitô hữu thuộc mọi Giáo hội và cộng đoàn, đến từ tất cả các quốc gia, với mọi truyền thống, độ tuổi hay ngôn ngữ. Hãy cùng cầu nguyện cho người bệnh và thân nhân của họ; cho các nhân viên y tế; cho các chính quyền; cho những người gìn giữ trị an…”.

Phép lành Urbi et Orbi đặc biệt

Ðức Giáo Hoàng chủ sự một buổi cầu nguyện vào 18g thứ Sáu 27.3 (tức 0g ngày 28.3, giờ VN) và ban pháp lành toàn xá Urbi et Orbi (cho Rome và cho thế giới). Ðây là một sự kiện đặc biệt vì thông thường, Urbi et Orbi được ban vào dịp Giáng Sinh, Phục Sinh hoặc khi có vị giáo hoàng mới được mật nghị hồng y bầu chọn.

Lan Chi

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Tôn giáo là một công cụ của hòa bình
Tôn giáo là một công cụ của hòa bình
Cuộc hội thảo “Kitô giáo trong đối thoại với Hồi giáo và các tôn giáo truyền thống châu Phi: những thách thức và cơ hội” được tổ chức tại Nairobi, Kenya từ ngày 9 đến 10.4.2024
Thủ bản Kinh Thánh bán đấu giá 3,8 triệu đô la Mỹ
Thủ bản Kinh Thánh bán đấu giá 3,8 triệu đô la Mỹ
Một trong những thủ bản Kinh Thánh cổ nhất thế giới sẽ được bán đấu giá, khởi điểm 3,8 triệu USD, vào ngày 11.6.2024 tại Luân Đôn.
Ðức Hồng y đầu tiên của Lào tròn 80 tuổi
Ðức Hồng y đầu tiên của Lào tròn 80 tuổi
Ðức Hồng y đầu tiên của Giáo hội Công giáo tại Lào, Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đã tròn 80 tuổi ngày 8.4.2024.
Tôn giáo là một công cụ của hòa bình
Tôn giáo là một công cụ của hòa bình
Cuộc hội thảo “Kitô giáo trong đối thoại với Hồi giáo và các tôn giáo truyền thống châu Phi: những thách thức và cơ hội” được tổ chức tại Nairobi, Kenya từ ngày 9 đến 10.4.2024
Thủ bản Kinh Thánh bán đấu giá 3,8 triệu đô la Mỹ
Thủ bản Kinh Thánh bán đấu giá 3,8 triệu đô la Mỹ
Một trong những thủ bản Kinh Thánh cổ nhất thế giới sẽ được bán đấu giá, khởi điểm 3,8 triệu USD, vào ngày 11.6.2024 tại Luân Đôn.
Ðức Hồng y đầu tiên của Lào tròn 80 tuổi
Ðức Hồng y đầu tiên của Lào tròn 80 tuổi
Ðức Hồng y đầu tiên của Giáo hội Công giáo tại Lào, Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đã tròn 80 tuổi ngày 8.4.2024.
Lạc quyên Mùa Chay ở Trung Quốc
Lạc quyên Mùa Chay ở Trung Quốc
Các tín hữu Trung Quốc đã quảng đại đóng góp cho cuộc lạc quyên năm 2024 do Jinde Charities (tổ chức từ thiện Công giáo tại Trung Quốc) khởi xướng vào Mùa Chay 2024
Ơn toàn xá cho tín hữu tham dự Ðại hội Thánh Thể ở Mỹ
Ơn toàn xá cho tín hữu tham dự Ðại hội Thánh Thể ở Mỹ
Tòa Ân giải Tối cao sẽ ban ơn toàn xá, theo các điều kiện thông thường, cho các tín hữu tham dự Cuộc hành hương Thánh Thể Quốc gia và Đại hội Thánh Thể Quốc gia diễn ra ở Indianapolis
Ðức Phanxicô tái lập tước hiệu “Thượng phụ Tây phương”
Ðức Phanxicô tái lập tước hiệu “Thượng phụ Tây phương”
Trong Niên giám Tòa Thánh năm 2024 mới xuất bản, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái lập tước vị của ngài là “Thượng phụ Tây phương”, một điều có thể làm cho các Thượng phụ Chính thống cũng như Đông phương hài lòng.
Ðức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân động đất tại Ðài Loan
Ðức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân động đất tại Ðài Loan
Trận động đất 7.2 độ Richter xảy ra sáng ngày 3.4.2024 đã làm khoảng 10 người chết, hơn 1.000 người bị thương và chừng 700 người mất tích hoặc còn bị mắc kẹt
Kinh Thánh trọn bộ được dịch ra 743 ngôn ngữ
Kinh Thánh trọn bộ được dịch ra 743 ngôn ngữ
Kinh Thánh toàn bộ Cựu và Tân ước đã được dịch ra 743 thứ tiếng trên thế giới
Tuyên bố mới về phẩm giá con người
Tuyên bố mới về phẩm giá con người
Tuyên bố “Dignitas infinita” về phẩm giá con người được Ðức Hồng y Victor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin giới thiệu ngày 8.4.2024