Một cấu trúc bí ẩn và có hình thập giá bị chôn vùi ở phần tây bắc của pháo đài Naryn-Kala của Nga nhiều khả năng là một trong các nhà thờ cổ nhất trong lịch sử Kitô giáo.
Dựa vào một hiện tượng gọi là bức xạ vũ trụ, các nhà khảo cổ học đang nghiên cứu một cấu trúc xây dựng bị chôn trong lòng đất ở cổ thành Derbent trên bờ biển Caspi. Từ lâu, giới khoa học luôn đặt câu hỏi về mục đích thực sự của cấu trúc này, và một giả thuyết cho rằng đây là một dạng nhà thờ của những Kitô hữu thuở xưa.
Chụp cắt lớp bằng hạt muon
Phần cấu trúc chưa xác định được nằm ở phía tây bắc của pháo đài Naryn-Kala, có niên đại từ khoảng năm 300. Cấu trúc có hình chữ thập gần như hoàn toàn bị chôn vùi trong lòng đất ở độ sâu 11m, và phần lộ diện bên ngoài là một mái vòm đã bị phá hủy phân nửa. Tuy nhiên, vì pháo đài Naryn-Kala được công nhận là di sản văn hóa UNESCO, cấu trúc ngầm cũng được bảo vệ và không thể được khai quật. Cho đến nay, chức năng của nơi này vẫn là đề tài gây tranh cãi trong giới nghiên cứu. Theo Ðại học Quốc gia về Khoa học và Công nghệ MISIS tại Moscow (Nga), đây có thể là bể chứa nước, một ngôi đền của Bái Hỏa giáo Ba Tư và nhà thờ Kitô giáo.
Trong nỗ lực tìm ra sự thật, một nhóm các nhà nghiên cứu của Ðại học Quốc gia về Khoa học và Công nghệ MISIS đã quyết định sử dụng một hiện tượng được gọi là tia vũ trụ, hay bức xạ vũ trụ. Ðây cũng là kỹ thuật giúp một đội ngũ chuyên gia quốc tế vào năm 2017 tìm ra một khoang trống bí ẩn bên trong Ðại Kim tự tháp Ai Cập ở Giza, kỳ quan cổ nhất trong số 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Họ gọi biện pháp này là “chụp cắt lớp bằng hạt muon”. Tia vũ trụ là một dạng bức xạ năng lượng cao xuất phát từ nguồn không xác định bên ngoài Hệ Mặt trời, liên tục phóng đến Trái đất. Trong khi đa số chùm tia bị tách thành các nguyên tử trong quá trình va chạm với thượng tầng khí quyển và không thể xuyên qua được lá chắn vô hình bảo vệ địa cầu, một số ít, gọi là hạt muon, vẫn tiếp tục cuộc hành trình đến bề mặt Trái đất.
Hạt muon di chuyển xuyên qua các vật chất với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng. Tuy nhiên, trong quá trình đi qua các vật thể có mật độ dày hơn, chúng bị thất thoát năng lượng và phân rã. Vì thế, bằng việc tính toán số hạt muon đi qua các phần khác nhau của một đối tượng, các nhà nghiên cứu có thể xây dựng hình ảnh của vật thể đó. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng biện pháp này, cấu trúc và đất đai xung quanh phải có mật độ tương xứng. May mắn là cấu trúc ở pháo đài trên bờ biển Caspi phù hợp với các yêu cầu để chụp cắt lớp bằng hạt muon.
Bác bỏ giả thuyết bể chứa nước
Các nhà nghiên cứu Nga đã đặt các thiết bị bắn phá hạt muon ở độ sâu 10m bên trong cấu trúc và liên tục đo đạc trong 2 tháng để xây dựng mô hình 3D của nơi này. Họ không đánh giá cao giả thuyết bể chứa ngầm, dù nhiều tài liệu lịch sử từng ghi nhận như thế trong quá khứ. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng cấu trúc đã bị cải tạo thành nơi chứa nước trong thế kỷ 17 và 18, theo báo cáo đăng trên chuyên san Applied Sciences.
“Tôi không cho rằng cấu trúc trên là bể chứa ngầm”, theo đồng tác giả Natalia Polukhina, nhà vật lý học của Ðại học Quốc gia về Khoa học và Công nghệ MISIS. Cũng tại khu vực của pháo đài cổ, các nhà khoa học đã tìm được một hồ chứa nước có hình chữ nhật. Bên cạnh đó, cấu trúc có hình dạng thập tự giá, với một cạnh dài hơn 2m so với các cạnh còn lại. “Như các nhà khảo cổ học lúc bắt đầu cuộc khai quật đã đề cập, trong quá trình xây dựng, cả tòa nhà này đều nằm trên mặt đất và được dựng lên ở điểm cao nhất của Naryn-Kala trước khi bị chôn vùi sau đó? Không có lý do để xây một bồn chứa trên mặt đất và ở điểm cao nhất của khu vực”, tiến sĩ Polukhina bổ sung.
Mục tiêu kế tiếp của nhóm nghiên cứu là xây dựng hình ảnh 3D đầy đủ chi tiết của cấu trúc ở pháo đài cổ, với hy vọng có thể xác định công dụng ban đầu của tòa nhà trước khi nó rơi vào tình trạng như hiện tại. Chuyên gia Christopher Morris của Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ ở Los Alamos đánh giá rất cao kỹ thuật chụp cắt lớp bằng hạt muon và cho rằng các nhà nghiên cứu Nga hoàn toàn có thể tái tạo lại cấu trúc bị chôn vùi, nếu triển khai thêm nhiều thiết bị bắn phá hạt tại đây.
LING LANG
Bình luận