Mừng kính thánh Têrêsa Calcutta

Mẹ Têrêsa đã được tuyên thánh trong một buổi lễ đầy trang trọng và thấm đẫm tinh thần bác ái do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ trì tại quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa nhật 4.9.2016.

Khoác trên người bộ áo sari trắng toát viền xanh, các nữ tu của Dòng Thừa sai Bác ái do Mẹ Têrêsa sáng lập đã hoan hỉ dẫn đường cho 1.500 người vô gia cư đi qua những lớp cổng của Tòa Thánh. Trong lúc đám đông gồm khoảng 120.000 người tìm cách len vào quảng trường Thánh Phêrô, những đầu bếp hối hả phân phối bánh pizza nóng hổi vừa mới ra lò cho người vô gia cư trong buổi tiệc trưa tại Vatican. Đây là sự kiện bày tỏ lòng kính trọng Mẹ Têrêsa và vô cùng phù hợp với lời khấn nguyện dành trọn cuộc đời cho người nghèo của Mẹ vào ngày Đức Giáo Hoàng Phanxicô tổ chức lễ tuyên thánh tại trung tâm thành Rome.

Biểu tượng của sự thánh khiết

19 năm sau ngày mất của vị nữ tu làm thay đổi cả thế giới, Đức Thánh Cha đã tuyên bố trước rừng người thành kính rằng những năm tháng hết sức vất vả trong các ổ chuột Calcutta (hiện là TP.Kolkata của Ấn Độ) đã biến Mẹ Têrêsa thành “hình mẫu của sự thánh khiết”. Đức Phanxicô phát biểu trong lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, người qua đời vào năm 1997 ở tuổi 87, và chỉ trong vòng 6 năm đã được đưa vào quy trình tuyên thánh một cách thần tốc: “Mẹ cúi xuống trước những người hoàn toàn kiệt sức và bị bỏ lại ven đường chờ chết, đối xử với họ như những con người đầy đủ lòng tự trọng như Thiên Chúa đã ban tặng”.

Cũng hiện diện tại quảng trường trong lễ tuyên thánh Mẹ Têrêsa là 13 nguyên thủ quốc gia đến từ nhiều nước trên thế giới. Cái nắng chói chang và sức nóng kinh người không hề làm suy chuyển được tinh thần của những người tham dự, dù họ là lãnh đạo của cả quốc gia, hay chỉ là những con người hết sức bình thường đến từ nhiều nơi trên thế giới. Những người hành hương kiên nhẫn đứng trong hàng, tay phất cờ và hô to một cách hân hoan khi Đức Giáo Hoàng đến gần sau buổi lễ. Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha tập trung vào các nỗ lực của Mẹ Têrêsa nhằm giúp đỡ những người bị gạt bên rìa xã hội, cũng là chủ đề được ngài tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ giáo hoàng của mình: “Sứ mệnh của Mẹ tại thành phố và những vùng ven đô thị luôn là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy Chúa luôn cận kề những người nghèo nhất trong số những người nghèo”. Ngài đã tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa với hy vọng sẽ truyền lại thông điệp mạnh mẽ cho những người tình nguyện rằng: Mong Mẹ sẽ trở thành hình mẫu cho sự thánh khiết của mọi người.

Lòng yêu thương vô điều kiện

Chào đời tại Skopje (lúc đó thuộc đế chế Ottoman và nay là thủ đô Macedonia) trong một gia đình gốc Albania vào năm 1910, Mẹ Têrêsa có tên khai sinh là Agnes Gonxha Bojaxhiu. Năm 18 tuổi, cô gái trẻ đã xa gia đình để gia nhập Dòng Đức Bà Lorette tại Ireland, trước khi sáng lập dòng tu riêng tại Ấn Độ vào năm 1946, và xây dựng một mạng lưới khổng lồ bao gồm các nhà mồ côi và trại dành cho người vô gia cư trên toàn cầu. Mẹ Têrêsa được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1979 vì những cống hiến cho thế giới, như Đức Phanxicô đã đề cập trong buổi lễ rằng tiếng nói của Mẹ Têrêsa đã lọt vào tai các nhân vật quyền lực trên toàn cầu, “để họ có thể nhận ra tội lỗi mà mình góp phần gây nên nạn nghèo đói” trong thế giới này. Và ngài cũng đặc biệt ủng hộ quan điểm chống phá thai của Mẹ, cho rằng vị nữ tu “đã cam kết bảo vệ sự sống, với việc liên tục tuyên bố rằng thai nhi là những sinh linh yếu ớt nhất, nhỏ bé nhất và dễ bị tổn thương nhất”.

Buổi lễ phong thánh được xem là sự kiện đỉnh điểm của Năm Thánh Lòng Thương Xót, mà theo Đức Giáo Hoàng, Mẹ Têrêsa là biểu tượng đầy mẫu mực của lòng bác ái và từ bi: “Đối với Mẹ Têrêsa, lòng bác ái chính là muối mang lại hương vị cho công việc của Mẹ, là ánh sáng soi rọi trong cảnh tối tăm bao trùm vận mệnh của nhiều người vốn đã cạn khô nước mắt vì cái nghèo đói và đau đớn thân xác lẫn tâm hồn. Mong rằng con người làm việc không mệt mỏi vì lòng từ bi này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về tiêu chuẩn duy nhất mà ai nấy đều cần đến trên thế gian này, đó chính là tình yêu không đòi hỏi, không vướng phải bất cứ ý thức hệ và bổn phận nào, và được trao tặng một cách hào phóng cho mọi người, không kể ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hoặc tôn giáo”.

Sức hút phi tôn giáo, phi chủng tộc

Với buổi lễ đầy trang trọng và thấm đẫm tình người vào sáng 4.9, Mẹ Têrêsa chính thức được tuyên là Thánh Têrêsa của Calcutta, dù theo Đức Thánh Cha, vị tân thánh có lẽ vẫn sẽ được nhiều người gọi với danh xưng mến yêu là Mẹ Têrêsa như lâu nay.Được biết, số người tham gia buổi lễ thấp hơn con số 300.000 trong lễ phong chân phước vào năm 2003, do lo ngại về nguy cơ khủng bố vẫn đang chực chờ tại châu Âu. Khoảng 3.000 cảnh sát đã được triển khai nhằm bảo vệ an toàn cho những người có mặt. Tuy nhiên, dựa trên những gương mặt hiện diện, gồm Hồi giáo, Hindu giáo và Kitô giáo, lẫn dân Albania, Ấn Độ, có thể thấy sức ảnh hưởng của Mẹ Têrêsa đã vượt khỏi mọi biên giới.

Tờ The Los Angeles Times dẫn lời bà Vincy Mathew, 40 tuổi, sinh ra tại Kerala (Ấn Độ) trước khi di dân đến Ý cách đây 10 năm chia sẻ: “Mẹ Têrêsa là một vị thánh sống. Mẹ yêu thương người nghèo mà không hề phân biệt. Mẹ là anh hùng của người Ấn”. Bà Albana Krasniqi, 44 tuổi, nhắc lại cảm giác hết sức tuyệt vời khi được hiện diện trong lễ tuyên thánh tại Rome, vì “đâu phải ngày nào cũng có người được tuyên thánh”. Bà Krasniqi sinh ra tại Albania nhưng rời Kosovo vào năm 1995, tức sau chiến tranh và hiện định cư tại New York (Mỹ). “Người Albania yêu mến Mẹ Têrêsa, kể từ khi tôi có thể nhớ được, gia đình tôi luôn nói về Mẹ. Mẹ luôn có mặt trong mỗi câu chuyện của chúng tôi”, theo bà Krasniqi. Người phụ nữ gốc Albania này hiện là người tình nguyện tham gia một hội từ thiện hỗ trợ đưa 1.500 trẻ em mắc bệnh tim từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ điều trị mỗi năm. Bà Krasniqi nói một cách thành kính: “Mẹ Têrêsa đã chứng tỏ cho chúng ta thấy bất kể đến từ ngóc ngách nào trên thế giới, nếu có lòng bác ái, ai cũng có thể tạo ra kỳ tích, phép lạ”.

"...Sứ mạng của Mẹ là ở những vùng ngoại viên của các thành phố, như một chứng tích hùng hồn về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với những ai nghèo khổ nhất..."

Trong khi đó, tín hữu Avni Dervishi, 43 tuổi, đã phủ lá cờ Kosovo lên một thanh chắn để quảng bá cho quê nhà, vùng lãnh thổ ven bờ biển Balkan với cộng đồng Albania đông đảo, nơi Mẹ Têrêsa trải qua thuở thiếu thời: “Mẹ tôi kể rằng tôn giáo tốt nhất chính là tôn giáo giúp đỡ con người, và Mẹ Têrêsa là biểu tượng cho điều này”. Tại trụ sở của Dòng Thừa sai Bác ái ở Kolkata, hàng trăm người theo dõi thánh lễ trên truyền hình đã vỗ tay reo hò khi Đức Giáo hoàng Phanxicô chính thức tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa.Họ tập trung xung quanh ngôi mộ của Mẹ, được trang hoàng bằng những cành hoa, nhưng chỉ có một cây nến duy nhất bên cạnh bức ảnh của vị thánh nhỏ bé. Em Sanjay Sarkar, một học sinh trung học có mặt trong đám đông nói: “Tôi vô cùng tự hào rằng mình là dân Kolkata. Mẹ Têrêsa thuộc về Kolkata, và nay đã được tuyên thánh”.

GIANG VÕ YÊN

Bàn chân biến dạng của Mẹ Têrêsa

Nhà vận động cho Kitô giáo, Shane Claiborne, 41 tuổi, ở Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ) đã kể lại câu chuyện đầy xúc động về bàn chân của Mẹ Têrêsa. Trong cuốn sách tựa đềThe Irresistible Revolutionxuất bản vào năm 2006, ông Claiborne cho hay mình đã trải qua một mùa hè trong những khu ổ chuột của Calcutta với Mẹ Têrêsa. Theo ông, câu hỏi mà ai nấy đều đặt ra khi gặp ông chính là Mẹ Têrêsa trông như thế nào ngoài đời thực. Liệu Mẹ tỏa sáng trong bóng tối hay có vầng hào quang trên đầu? Đáp án luôn là Mẹ có tầm vóc nhỏ thấp, da đã đầy vết nhăn và trông rất phúc hậu, như một cụ bà đẹp lão và đầy thông thái. Thế nhưng, có một điều mà ông Claiborne mãi mãi không thể nào quên được khi nghĩ đến vị nữ tu nổi tiếng với lòng bác ái: đôi bàn chân bị biến dạng.

“Cứ mỗi sáng trong Thánh lễ, tôi lại nhìn chằm chằm vào đôi chân đó. Tôi tự hỏi phải chăng Mẹ Têrêsa bị bệnh phong? Nhưng tất nhiên tôi chẳng bao giờ thốt ra câu hỏi đó. Một ngày nọ, một nữ tu hỏi chúng tôi: “Liệu các bạn có chú ý đến đôi chân của Mẹ?”. Chúng tôi đều gật đầu và đầy tò mò. Vị nữ tu trả lời: “Đôi chân của Mẹ bị vặn vẹo như thế bởi vì chúng tôi chỉ nhận được đủ số giày dép cho mọi người, và Mẹ không muốn bất kỳ người nào lấy phải đôi giày tệ nhất, nên Mẹ cố gắng kiếm và tìm được những đôi xấu nhất cho mình. Nhiều năm phải mang những đôi giày đó đã khiến bàn chân của Mẹ bị biến dạng như thế”.

Ông Claiborne kết luận: Đó chính là lòng yêu thương đã đặt nhu cầu của những người xung quanh lên trên chính bản thân mình.

"…Mẹ Têrêsa, trong suốt cuộc đời, đã là thừa tác viên phân phát quảng đại lòng thương xót của Thiên Chúa. Mẹ luôn sẵn sàng với tất cả mọi người ngang qua việc đón tiếp và bảo vệ sự sống con người, từ những trẻ em không được sinh ra tới những người bị bỏ rơi và loại trừ. Mẹ đã dấn thân trong việc bảo vệ sự sống và không ngừng tuyên bố rằng “những trẻ em chưa được sinh ra chính là những người yếu ớt, mong manh nhất, nhỏ bé nhất và nghèo túng nhất”. Mẹ đã cúi xuống bên những người kiệt sức, bị bỏ mặc chết bên vệ đường. Mẹ nhận ra phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã trao ban cho họ. Mẹ tha thiết nói với những người cầm quyền trên thế giới để họ có thể nhận ra tội lỗi của mình trước những tội ác của nghèo đói do chính họ gây ra. Đối với Mẹ, lòng thương xót là “muối” khiến cho mỗi việc Mẹ làm thêm đậm đà hương vị, và là “ánh sáng” chiếu soi những nơi tối tăm trong cuộc đời của những ai không còn nước mắt nữa mà khóc thương cho sự nghèo nàn và đau khổ.

Sứ mạng của Mẹ là ở những vùng ngoại biên của các thành phố và điều ấy vẫn tồn tại trong thời đại chúng ta hôm nay như một chứng tích hùng hồn về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với những ai nghèo khổ nhất. Hôm nay tôi gởi gắm hình ảnh đầy biểu trưng này về người phụ nữ và về đời sống thánh hiến cho toàn thể những thiện nguyện viên trên khắp thế giới: Mẹ là gương mẫu của anh chị em về sự thánh thiện! Tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta cảm thấy không quen khi gọi Mẹ là thánh Têrêsa. Bởi vì, sự thánh thiện của Mẹ quá gần gũi với chúng ta nên chúng ta vẫn muốn gọi Mẹ là Mẹ Têrêsa hơn.

Người lao công không biết mệt mỏi này của lòng thương xót giúp chúng ta ngày càng hiểu hơn rằng tiêu chuẩn hành động duy nhất đó là tình yêu nhưng không, thoát khỏi mọi ý thức hệ và mọi ràng buộc. Tình yêu ấy được thông truyền đến tất cả mọi người mà không hề có sự phân biệt nào về ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo. Mẹ Têrêsa thích nói rằng: “Có lẽ tôi không nói ngôn ngữ của họ, nhưng tôi có thể cười”. Chúng ta hãy ôm ấp vào trái tim nụ cười của Mẹ và chúng ta hãy trao nụ cười ấy cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ trong suốt hành trình đời ta, đặc biệt là những người đang sầu khổ. Bằng cách đó, chúng ta sẽ mở rộng chân trời của niềm vui và hy vọng cho tất cả những ai đang chán nản, đang cần sự thấu hiểu và cảm thông.

(trích bài giảng của ĐTC Phanxicô trong lễ tuyên thánh Mẹ Têrêsa Calcutta)

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm ngày ban hành Tông huấn Christus vivit - Chúa Kitô đang sống, Đức Thánh Cha Phanxicô gởi sứ điệp mời gọi các bạn trẻ thắp lại niềm hy vọng, bắt đầu lại từ lời loan báo “Chúa Kitô hằng sống”.
Chống phân biệt chủng tộc bắt đầu từ giáo dục
Chống phân biệt chủng tộc bắt đầu từ giáo dục
Nhân Ngày Quốc tế Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc 21.3.2024, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục trong việc xóa bỏ thành kiến chủng tộc
Niña Ruiz-Abad sẽ ở trong hàng ngũ các thánh trẻ tuổi
Niña Ruiz-Abad sẽ ở trong hàng ngũ các thánh trẻ tuổi
Tòa Thánh đã xác nhận rằng không có gì ngăn trở việc mở án phong thánh cho cô Niña Ruiz-Abad, một bé gái 13 tuổi qua đời năm 1993 tại Philippines.
Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus vivit
Kỷ niệm 5 năm ngày ban hành Tông huấn Christus vivit - Chúa Kitô đang sống, Đức Thánh Cha Phanxicô gởi sứ điệp mời gọi các bạn trẻ thắp lại niềm hy vọng, bắt đầu lại từ lời loan báo “Chúa Kitô hằng sống”.
Chống phân biệt chủng tộc bắt đầu từ giáo dục
Chống phân biệt chủng tộc bắt đầu từ giáo dục
Nhân Ngày Quốc tế Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc 21.3.2024, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục trong việc xóa bỏ thành kiến chủng tộc
Niña Ruiz-Abad sẽ ở trong hàng ngũ các thánh trẻ tuổi
Niña Ruiz-Abad sẽ ở trong hàng ngũ các thánh trẻ tuổi
Tòa Thánh đã xác nhận rằng không có gì ngăn trở việc mở án phong thánh cho cô Niña Ruiz-Abad, một bé gái 13 tuổi qua đời năm 1993 tại Philippines.
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Lễ Lá đại kết ở Zambia
Cuộc rước Lễ Lá 24.3.2024 đã trở thành sự kiện lịch sử ở thị trấn Mongu, Zambia, với sự tham gia của các tín hữu Tin Lành và tín hữu Công giáo, thể hiện tinh thần đại kết Kitô giáo.
Rước Lá đón hòa bình
Rước Lá đón hòa bình
Trong thư được công bố vào Chúa nhật Lễ Lá, Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Myanmar, kêu gọi chấm dứt những đêm dài xung đột và sợ hãi, đồng thời mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin Chúa...
Tín dụng xã hội cho người cần giúp đỡ
Tín dụng xã hội cho người cần giúp đỡ
Hướng về Năm Thánh 2025, qua Caritas, Giáo hội Ý đang chuẩn bị dự án vi tín dụng xã hội, để hỗ trợ những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng thông thường.
1.700 người lãnh nhận Bí tích Rửa tội ở Malaysia
1.700 người lãnh nhận Bí tích Rửa tội ở Malaysia
Trong đêm vọng Phục Sinh 2024, Giáo hội tại Malaysia có hơn 1.700 dự tòng lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Trong những năm gần đây, số người trưởng thành xin lãnh nhận Bí tích Rửa tội gia tăng tại Malaysia.
Cuộc hành hương Laudato Si ở Bangladesh
Cuộc hành hương Laudato Si ở Bangladesh
Ủy ban Giám mục về Công lý và Hòa bình Bangladesh đã tổ chức cuộc hành hương “Laudato si Quốc gia”, cổ vũ chăm sóc thiên nhiên và môi trường, cũng như nhận thức được vai trò của mỗi người trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Thay đổi lối sống tiêu dùng và hưởng thụ
Thay đổi lối sống tiêu dùng và hưởng thụ
Đức Giám mục Hormat mời gọi tất cả tín hữu thay đổi suy nghĩ để trở nên toàn diện và hài hòa, coi vũ trụ, con người và Đấng Tạo Hóa đều ở trong một mạng lưới liên kết với nhau và hình thành nên một gia đình phổ quát.