Năm 2022 của Giáo hội hoàn vũ

Năm 2022, nhờ việc chủng ngừa rộng rãi, đại dịch Covid-19 dần bị đẩy lùi và nhịp sống đã quay về gần như bình thường ở hầu hết các nước trên thế giới. Các hoạt động của cộng đoàn Dân Chúa trên toàn cầu cũng đã sôi động trở lại, với nhiều sự kiện nổi bật.


UAE có Tòa Sứ thần đầu tiên

Từ ngày 4.2.2022, Tòa Sứ thần đầu tiên chính thức mở cửa tại Abu Dhabi thuộc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Vatican và UAE. Bộ trưởng Văn hóa nước này Noura Al Kaabi và ông Omar Ghobash, Trợ lý ngoại trưởng về văn hóa và ngoại giao công cộng, đã hiện diện cùng với các quan chức khác của chính phủ. Trước đó, ngày 2.2, tại nhà thờ Thánh Giuse, Ðức Tổng Giám mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ khánh thành Tòa Sứ thần. Ðức cha Peña Parra cho biết Ðức Giáo Hoàng Phanxicô hy vọng phái bộ mới sẽ hỗ trợ Sứ thần trong việc thực hiện sứ vụ tại UAE và đối với cộng đồng Công giáo địa phương.

Tòa Thánh thiết lập quan hệ ngoại giao với UAE từ năm 2007. Tôn giáo chính thức của UAE là Hồi giáo, với Hồi giáo Sunni chiếm đa số. Khoảng 12,6% trên tổng dân số theo Kitô giáo, dựa trên kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Tòa Sứ thần ở Abu Dhabi được mở cửa trùng với thời điểm kỷ niệm năm thứ ba của “Tài liệu về tình huynh đệ nhằm hướng đến hòa bình thế giới và sự chung sống”. Ðức Phanxicô đã ký tài liệu này cùng với Ðại Giáo trưởng Hồi giáo Ahmed el-Tayeb của al-Azhar trong cuộc gặp liên tôn ở Abu Dhabi ngày 4.2.2019.


Công bố Năm Thánh 2025

Trong thư ngày 11.2 gởi Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella - Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm hóa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố về Năm Thánh 2025. Sau hai năm đại dịch, Đức Thánh Cha hy vọng rằng sự kiện quan trọng này sẽ giúp “xây dựng lại bầu khí của hy vọng và sự tin tưởng”. Trong giai đoạn Covid-19 hoành hành, không có quốc gia nào là không bị chao đảo vì sự bùng phát bất ngờ của siêu vi Corona đã gây ra thảm cảnh của những nạn nhân phải chết trong cô độc, mang đến nỗi hoang mang về sự tồn tại đầy bấp bênh, và làm thay đổi lối sống của con người: “Các trường học, nhà máy, nhà thờ… phải đóng cửa. Như mọi anh chị em khác, các Kitô hữu cũng đã phải trải qua nỗi đau khổ, sợ hãi, hay tình cảnh bị giới hạn về tự do”.

Nhưng với sự nỗ lực của các nhà khoa học, vắc xin ngăn ngừa và các liệu pháp điều trị Covid-19 đã ra đời, giúp chúng ta “hoàn toàn tin tưởng”. Nhân loại có thể vượt qua đại dịch, và sẽ vượt qua một cách dễ dàng hơn nếu những người nghèo khó nhất không bị quên lãng và thành quả của các nghiên cứu khoa học được chia sẻ một cách quảng đại. Đức Phanxicô mong rằng Năm Thánh 2025 sẽ là “dấu chỉ của sự tái sinh” mà chúng ta đều cảm thấy cần được thực hiện một cách cấp bách. Đây là lý do ngài chọn chủ đề cho Năm Thánh là “Những khách hành hương của niềm hy vọng”. Các Kitô hữu phải giữ cho ngọn lửa hy vọng mà mình đã nhận luôn được cháy sáng, nhờ đó “mỗi người tìm được sức mạnh và sự vững vàng để nhìn về tương lai với một tâm hồn rộng mở, một trái tim biết tin tưởng và một trí tuệ minh mẫn”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tất cả những điều này chỉ có thể thực hiện nếu chúng ta tìm lại được ý nghĩa của tình huynh đệ, nhất là với di dân và các anh chị em nghèo khó. Ngài hy vọng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe trong thời gian chuẩn bị cho Năm Thánh.

Năm Thánh đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Boniface VIII lập ra vào năm 1300, ban đầu được cử hành mỗi 100 năm, sau đó đổi thành 50 năm; và từ năm 1470 (triều đại của Đức Giáo Hoàng Phaolô II) đến nay, được cử hành 25 năm một lần. Năm Thánh 2025 là Năm Thánh thường lệ thứ 27. Ngoài ra, các vị giáo hoàng cũng công bố Năm Thánh ngoại lệ, gần đây nhất là Năm Thánh Lòng Thương Xót (2015-2016).


Tông hiến mới

Tông hiến Praedicate Evangelium - Hãy Loan báo Tin Mừng được công bố vào lễ kính thánh Giuse 19.3.2022, và cũng là kỷ niệm 9 năm ngày đăng quang của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô. Khi chính thức có hiệu lực vào ngày 5.6 - lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Tông hiến mới gồm 54 trang và 250 điều khoản đã hoàn toàn thay thế Tông hiến Pastor Bonus - Mục tử Nhân lành do Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố vào ngày 28.6.1988 và có hiệu lực từ ngày 1.3.1989.

Việc cải tổ giáo triều được xem là một trong những chủ đề thảo luận quan trọng nhất của các vị hồng y trước khi tham gia mật nghị bầu chọn giáo hoàng vào năm 2013. Và từ khi trở thành đấng kế vị thánh Phêrô, Ðức Phanxicô cũng xem đây là một trong những vấn đề ưu tiên ở triều đại của ngài. Trên thực tế, nhiều phần của những cải cách được nêu trong Tông hiến mới đã được Ðức Thánh Cha thực hiện trong suốt 9 năm qua, nhưng một cách riêng lẻ: Sáp nhập một số bộ của Tòa Thánh; thay đổi việc quản trị kinh tế, tài chính ở Vatican; trao quyền cho giáo dân nhiều hơn… Với Praedicate Evangelium - Hãy Loan báo Tin Mừng, ngài đã hệ thống lại việc cải cách giáo triều, đồng thời định hướng cho hành trình tương lai của Giáo hội.

Theo Tông hiến mới, “giáo triều Rome sẽ gồm Phủ Quốc vụ khanh, các bộ và các tổ chức, tất cả đều bình đẳng”. Các Hội đồng Giáo hoàng hoặc chuyển thành bộ, hoặc sáp nhập vào bộ, giúp cho giáo triều trở nên tinh gọn (có tổng cộng 16 bộ) và hoạt động hiệu quả hơn, tránh được sự trùng lặp về vai trò và nhiệm vụ. Và như chính tên của Tông hiến, Praedicate Evangelium - Hãy Loan báo Tin Mừng, sứ vụ rao giảng Lời Chúa là trọng tâm của Giáo hội. Vì vậy, một trong những thay đổi quan trọng là Bộ Loan báo Tin Mừng ra đời từ sự kết hợp của Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, với Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm hóa, “do Ðức Thánh Cha trực tiếp điều hành”. Hai vị đứng đầu bộ và Hội đồng Giáo hoàng cũ trở thành các Quyền Tổng trưởng của hai phân bộ thuộc Bộ mới thành lập.

Một điểm đáng chú ý khác là Sở Từ thiện của Giáo Hoàng trở thành Bộ Phục vụ Bác ái: “Bộ này sẽ thi hành sứ vụ ở mọi nơi trên thế giới để nhân danh Ðức Thánh Cha giúp đỡ những người nghèo, người yếu thế, người bị loại trừ”. Liên quan đến giáo triều, Tông hiến mới nhắc đến Bộ Loan báo Tin Mừng, Bộ Giáo lý Ðức tin và Bộ Phục vụ Bác ái trước các bộ khác, là một cách khẳng định tầm quan trọng của những cơ quan này.

Praedicate Evangelium - Hãy Loan báo Tin Mừng cũng định nghĩa lại Phủ Quốc vụ khanh như “văn phòng của Giáo hoàng”, và chuyển Phòng Nhân sự Tòa Thánh sang Quốc vụ viện về Kinh tế. Các điều khoản của Tông hiến mới cũng quy định các linh mục, tu sĩ chỉ làm việc trong giáo triều tối đa 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm, sau đó thì trở về phục vụ giáo phận hoặc dòng tu của mình.


Đức Thánh Cha thánh hiến Nga và Ukraine cho Đức Mẹ

Chiều 25.3, lễ Truyền Tin, tại Ðền thờ Thánh Phêrô, Ðức Phanxicô đã chủ sự nghi thức thống hối, và thánh hiến Nga và Ukraine cho Trái tim Vô Nhiễm của Ðức Maria. Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, Ðức Thánh Cha đã chia sẻ về bài Phúc Âm thuật lại việc thiên thần Gabriel loan tin với Ðức Mẹ. “Ðừng sợ”, thiên thần nói với Ðức Maria. Khi mở cuộc đời mình ra với Chúa, “nỗi sợ sẽ không còn có thể trói buộc chúng ta được nữa”. Trước những gì đang diễn ra ở Ukraine, chúng ta cảm thấy bản thân bất lực, và những trợ giúp của con người là không đủ, mà phải “tìm sự hiện diện của Chúa, trong niềm tin chắc chắn vào sự tha thứ thánh thiêng, cách duy nhất giúp xóa đi điều ác, làm dịu đi nỗi oán hận và mang lại hòa bình cho con tim”.

Với Ðức Trinh Nữ, Chúa đã có thể bắt đầu lịch sử mới của cứu độ và hòa bình. Ðây chính là một bước ngoặc, Chúa đã thay đổi lịch sử bằng cách gõ cửa Trái tim của Ðức Maria. “Hôm nay, chúng ta cũng vậy, được canh tân nhờ sự tha thứ của Chúa, chúng ta gõ cửa Trái tim ấy. Hiệp nhất với các giám mục và tín hữu trên toàn cầu, tôi mong muốn long trọng dâng lên Trái tim Vẹn sạch của Ðức Maria tất cả những gì chúng ta đang trải qua, tái thánh hiến Giáo hội và nhân loại cho Mẹ, đặc biệt là người dân Ukraine và Nga”, Ðức Giáo Hoàng nói.

Sự thánh hiến này “không phải là công thức thần kỳ”, mà là một cử chỉ tâm linh, đầy lòng tin tưởng của những người con, giữa nỗi bất hạnh của cuộc chiến tàn bạo đang đe dọa thế giới, đã tìm về với Mẹ: “Ðặt vào Trái tim Vô Nhiễm, nơi Chúa sáng soi, những gia sản quý giá nhất của tình huynh đệ và hòa bình, là tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là, để Ðức Maria, Từ Mẫu mà Chúa đã ban cho nhân loại, bảo vệ và gìn giữ chúng ta”.


Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ X

Tại Ðại hội Gia đình Thế giới lần thứ X, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã đặt các gia đình giữ vị trí trung tâm để kể lại những câu chuyện của chính họ trong giai đoạn thế giới xảy ra nhiều biến động. Được tổ chức ở Rome từ ngày 22 - 26.6, kỳ đại hội nhận được sự chia sẻ rất đời thực của 2.000 người tham gia. Sau khi lắng nghe câu chuyện của một số cặp vợ chồng hiện diện, Đức Thánh Cha đề nghị các gia đình và những người có mặt hãy “tiến thêm một bước nữa” nếu muốn giải quyết thách thức mà họ đang đối mặt. Ngài nhắc rằng Chúa đã ban cho các cặp đôi một món quà quý giá trong tình yêu, đó là hôn nhân.

Trong một số trường hợp, như chứng từ của cặp vợ chồng người Cộng hòa Dân chủ Congo Paul và Germaine Balenza, hôn nhân đã gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Ông Paul bị vợ phát hiện ngoại tình, và còn tái phạm. Bà Germaine thậm chí đã bỏ về sống ở nhà chị gái trong một năm. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, và với thiện chí của bản thân, họ đã quay về lại với nhau. Đức Thánh Cha giảng rằng sự tha thứ, đi cùng với lời cầu nguyện, đã giúp họ hàn gắn được những rạn nứt. Câu chuyện của họ đồng thời truyền đi niềm hy vọng, vì “ngay đúng vào thời khắc đen tối nhất của cuộc khủng hoảng, Thiên Chúa đã đáp trả mong muốn sâu thẳm nhất và chìa tay cứu lấy cuộc hôn nhân của họ”.

Về chứng từ của ông bà Roberto và Maria Anselma Corbella, là cha mẹ của tôi tớ Chúa Chiara Corbella, một phụ nữ Ý hy sinh bản thân để dành cơ hội sống cho đứa con chưa chào đời, Đức Phanxicô chia sẻ: “Cây thánh giá nặng nề mà cô Chiara phải khoác lên vai, qua bệnh tật và cái chết, đã không phá hủy gia đình hoặc phá nát sự bình yên và tước đi sự thanh thản của họ. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó thông qua những gương mặt ấy. Họ không chán nản, tuyệt vọng hoặc nổi giận với cuộc đời. Sự thật của thánh giá cũng đến với Chiara, mang đến món quà cho bản thân cô, với sự trao tặng sự sống cho gia đình, cho Giáo hội và cả thế giới”.

Dự kiến Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ XI sẽ được tổ chức vào năm 2028, nhưng hiện vẫn chưa xác định địa điểm.


Công nghị Hồng y

Ngày 27.8.2022, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự Công nghị Hồng y để trao mũ đỏ cho 20 vị đến từ 5 châu lục, đánh dấu sự gia nhập Hồng y đoàn của các đại diện đến từ 4 quốc gia mới. Thêm 3 dòng tu có sự hiện diện trong Hồng y đoàn là dòng Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria (Eudist), dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi và dòng Đạo binh Chúa Kitô; đồng thời, các nước lần đầu tiên có vị được trao mũ đỏ là Mông Cổ, Paraguay, Singapore và Đông Timor. Đây cũng là lần thứ 8 Đức Phanxicô vinh thăng hồng y. Trong số 20 tân hồng y, 16 vị chưa đến 80 tuổi và vì thế sẽ là cử tri tham dự mật nghị bầu giáo hoàng. Ðức Hồng y tân cử người Ý Giorgio Marengo, Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar (Mông Cổ) là vị trẻ nhất trong Hồng y đoàn, ngài sinh năm 1974. Hiện Hồng y đoàn có 225 vị, gồm 126 vị hồng y cử tri.


Đức Gioan Phaolô I được tuyên chân phước

Ngày 4.9.2022, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự lễ tuyên chân phước Ðức Gioan Phaolô I (1912-1978) tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, với sự tham dự của khoảng 25.000 tín hữu. Đức Phanxicô đã đọc công thức “tuyên bố Đấng đáng kính Gioan Phaolô I từ nay được gọi là chân phước”, và lễ kính được cử hành hằng năm vào ngày 26.8. Đây cũng là ngày vào năm 1978, Đức Hồng y Albino Luciani, Thượng phụ Venise, được mật nghị chọn làm đấng kế vị của thánh Phêrô, lấy tông hiệu là Gioan Phaolô I.

Triều đại của Đức Gioan Phaolô I chỉ vỏn vẹn 33 ngày, ngài về với Chúa vào ngày 28.9.1978 sau một cơn nhồi máu cơ tim. Tuy rất ngắn ngủi, nhưng ngài đã góp phần rất quan trọng để định hình những trọng tâm của Giáo hội, và những trọng tâm này đã được tiếp nối, được thực thi bởi các vị giáo hoàng sau đó. Trong sứ điệp được công bố khi ban phép lành urbi et orbi (cho Rome và cho thế giới) cũng vào hôm sau khi được bầu chọn, Đức Gioan Phaolô I đã nêu lên sáu điều mong ước: Đào sâu Công đồng Vatican II; phục vụ người nghèo; loan báo Tin Mừng; đại kết; đối thoại với thế giới và dấn thân vì hòa bình.


Đại hội Liên Hội đồng Giám mục châu Á

Đại hội nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hội đồng Giám mục châu Á (FABC) được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Baan Phu Waan của Tổng Giáo phận Bangkok từ ngày 12 - 30.10.2022, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ 29 quốc gia. Chủ đề của Đại hội là “Cuộc hành trình chung của các dân tộc châu Á: và họ đã đi con đường khác”. HĐGM VN có sáu vị đại diện tham dự: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư ký HĐGM VN; Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký; Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ; Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin; Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân; và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Giới trẻ - Thiếu nhi.

Trong hơn hai tuần của Đại hội FABC, các vị đại biểu đã có dịp lắng nghe, thảo luận về nhiều đề tài liên quan đến Giáo hội tại các quốc gia trong châu lục: tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo; bối cảnh lịch sử, thực tại, thành công và các thách đố đối với Giáo hội và cộng đoàn; tổng quan về hoạt động của Caritas tại châu Á; giới trẻ; các vấn đề về giới; di dân… Những phân tích, trình bày tại đại hội nhằm phân định để hình dung ra những lộ trình mới cho Giáo hội hướng tới một châu Á tốt đẹp hơn. FABC đã công bố tầm nhìn mới về con đường tại châu Á của Giáo hội qua sứ điệp gởi đến các dân tộc thuộc châu lục và qua tài liệu chung kết của Đại hội.

Giáo hội có thêm 12 vị thánh

Lần lượt vào ngày 15.5 và 9.10.2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự lễ tuyên thánh cho 12 vị là các chân phước Titus Brandsma, Lazzaro được gọi là Devasahayam, César de Bus, Luigi Maria Palazzolo, Giustino Maria Russolillo, Charles de Foucauld, Marie Rivier, Maria Francesca di Gesù Rubatto, Maria di Gesù Santocanale, Maria Domenica Mantovani (ngày 15.5); và hai chân phước Giovanni Battista Scalabrini, Artemide Zatti (9.10).

Lan Chi

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Mercedes-Benz “điện hóa” Papamobile
Mercedes-Benz “điện hóa” Papamobile
Ola Källenius, Tổng giám đốc điều hành hãng xe Mercedes-Benz, và các thành viên khác trong nhóm đã tặng Đức Thánh Cha một chiếc “papamobile” điện hoàn toàn mới, ngày 4.12.2024.
Đức Hồng y Tagle nhận Giải thưởng Nhà lãnh đạo tôn giáo
Đức Hồng y Tagle nhận Giải thưởng Nhà lãnh đạo tôn giáo
Ngày 26.11.2024, Mạng lưới Đức tin Công giáo trao Đức Hồng y Luis Antonio Tagle Giải thưởng Nhà lãnh đạo tôn giáo.
Tín hữu trẻ người Congo trở thành chân phước
Tín hữu trẻ người Congo trở thành chân phước
Anh Floribert Bwana Chui Bin Kositi, một tín hữu Công giáo người Congo đã được Giáo hội nhìn nhận là chứng nhân đức tin.
Mercedes-Benz “điện hóa” Papamobile
Mercedes-Benz “điện hóa” Papamobile
Ola Källenius, Tổng giám đốc điều hành hãng xe Mercedes-Benz, và các thành viên khác trong nhóm đã tặng Đức Thánh Cha một chiếc “papamobile” điện hoàn toàn mới, ngày 4.12.2024.
Đức Hồng y Tagle nhận Giải thưởng Nhà lãnh đạo tôn giáo
Đức Hồng y Tagle nhận Giải thưởng Nhà lãnh đạo tôn giáo
Ngày 26.11.2024, Mạng lưới Đức tin Công giáo trao Đức Hồng y Luis Antonio Tagle Giải thưởng Nhà lãnh đạo tôn giáo.
Tín hữu trẻ người Congo trở thành chân phước
Tín hữu trẻ người Congo trở thành chân phước
Anh Floribert Bwana Chui Bin Kositi, một tín hữu Công giáo người Congo đã được Giáo hội nhìn nhận là chứng nhân đức tin.
Đức Mẹ và các chứng nhân đức tin là nguồn cảm hứng
Đức Mẹ và các chứng nhân đức tin là nguồn cảm hứng
Giáo hội Công giáo Campuchia đang chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 với chủ đề tôn vinh Đức Mẹ Maria và tưởng nhớ các vị chứng nhân đức tin.
Nhà thờ Ðức Bà Paris, cửa lại mở: Ðồng hành  với các chuyên gia
Nhà thờ Ðức Bà Paris, cửa lại mở: Ðồng hành với các chuyên gia
Ðạo diễn người Pháp gốc Việt Florence Trần đã có hai năm tiếp xúc và quan sát các chuyên gia về khảo cổ, pháp y… để thực hiện phim tài liệu “Ðiều tra về những báu vật chôn dưới nhà thờ Ðức Bà Paris”, vừa được phát trên Ðài Truyền...
Nhà thờ Ðức Bà Paris, cửa lại mở: Hơn 850 năm lịch sử
Nhà thờ Ðức Bà Paris, cửa lại mở: Hơn 850 năm lịch sử
Khoảng 1.000 công nhân đã lao động cật lực để xây dựng tòa Vương Cung Thánh Đường trên hòn đảo nhỏ bên dòng sông Seine từ năm 1163 đến 1345, để thay thế nhà thờ cũ tại đây, theo như giải thích của Tạp chí TIME vào năm 1955:
Nhà thờ Ðức Bà Paris, cửa lại mở: Ngược dòng  thời gian cùng nhà thờ Ðức Bà Paris
Nhà thờ Ðức Bà Paris, cửa lại mở: Ngược dòng thời gian cùng nhà thờ Ðức Bà Paris
“Notre Dame” như một cuốn cổ thư sống động của nước Pháp. Trong dịp khánh thành công trình phục dựng, Công giáo và Dân tộc đã trò chuyện với Giáo sư Claude Gauvard, sử gia hàng đầu của Pháp về thời Trung Cổ, để hiểu rõ hơn về nhà thờ...
Nhà thờ Ðức Bà Paris, cửa lại mở: Những người thợ lành nghề
Nhà thờ Ðức Bà Paris, cửa lại mở: Những người thợ lành nghề
Các nghệ nhân, thợ thủ công, chuyên viên, kỹ thuật viên… đã góp công sức để nhà thờ Ðức Bà Paris mở cửa trở lại, nhưng chính Notre Dame cũng mở toang cánh cửa để công chúng được biết về họ và những ngành nghề tưởng chừng đã thất truyền.
Nhà thờ Ðức Bà Paris, cửa lại mở: 600m3 nước sẵn sàng
Nhà thờ Ðức Bà Paris, cửa lại mở: 600m3 nước sẵn sàng
Để tránh mọi nguy cơ xảy ra hỏa hoạn lần nữa, hơn 1km đường ống dẫn nước đường kính 300mm, tức rộng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với đường ống cũ, đã được lắp đặt để đưa nước từ hồ chứa Montsouris đến nhà thờ Đức Bà Paris.