Thứ Sáu, 14 Tháng Năm, 2021 16:26

Nấm mồ cổ nhất ở châu Phi

 

Dường như từng được bọc trong một tấm vải liệm, đầu tựa trên gối, phần còn lại của bộ hài cốt của một đứa trẻ vừa được khai quật ở Kenya được kỳ vọng có thể làm sáng tỏ nguồn gốc sâu xa của nghi thức mai táng ở người.

 

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện nơi chôn cất xa xưa nhất từng được biết đến ở châu Phi. Nấm mồ được tìm thấy ở lối vào một hang động thuộc khu khảo cổ Panga ya Saidi, cách bờ biển Kenya chưa đến 16 cây số về hướng đông nam. Bên trong là hài cốt của một đứa trẻ khoảng 2-3 tuổi, được người thân hạ táng đặc biệt kỹ lưỡng vào khoảng 78.000 năm trước, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature.

 

Bằng chứng chưa từng có

Kết quả phân tích trầm tích ở hang và xương cốt cho thấy việc chôn cất được thực hiện một cách chủ đích và có lẽ có sự tham gia của nhiều thành viên trong cộng đồng thời đó, theo tác giả báo cáo. Ðiều này cho thấy người thời xưa đã có năng lực tư duy biểu tượng cũng như hành vi xã hội phức tạp.

Dựa trên sự sắp xếp từ những mẩu xương còn sót lại, các nhà nghiên cứu cho biết đứa trẻ, được đặt biệt danh là Mtoto, đã được đặt nằm nghiêng bên phải, hai chân gấp lại và kéo lên ngực. Họ còn cho rằng xác đứa bé được quấn bên trong một dạng vải liệm, có lẽ dệt từ lá cây hoặc da động vật. Ðầu của em được đặt lên một thứ gì đó làm từ vật liệu dễ hỏng, có thể là gối, theo phân tích của tác giả María Martinón-Torres, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Tiến hóa ở Người (CENIEH) tại Burgos, Tây Ban Nha.

“Theo suy luận của chúng tôi, đứa bé thật sự được đặt nằm trong một tư thế cụ thể với chiếc gối kê dưới đầu. Cách đối xử thận trọng như thế này, thái độ chăm sóc, sự dịu dàng - thông qua hành động đặt thi hài đứa trẻ trong tư thế nằm ngủ: Tôi cho rằng đây là một trong những chứng cứ cho thấy con người thời đó đã phát triển năng lực tư duy và suy luận”, tác giả Martinón-Torres trình bày trong một cuộc họp báo.

 

Tầm quan trọng của phát hiện mới

Trong khi những trường hợp chôn cất ở người Neanderthal (tuyệt chủng khoảng 40.000 năm trước) và những người tinh khôn (Homo sapiens) đời đầu đã được tìm thấy ở châu Âu và Trung Ðông cách đây 120.000 năm, hài cốt của đứa trẻ là chứng cứ cổ nhất về tập tục chôn cất có chủ đích ở châu Phi.Vẫn chưa rõ tại sao các nhà khoa học lại hiếm khi tìm được các nấm mồ người tiền sử tại châu lục này.

Khu vực khai quật

 

“Các nhà khoa học bận rộn nghiên cứu khu vực Cận Ðông và châu Âu suốt 150 năm, thực hiện nhiều cuộc khai quật liên tiếp nhau. Nếu khối lượng công việc được thực hiện ở châu Phi, có lẽ chúng ta đã tìm được thêm nhiều nơi chôn cất cổ xưa hơn”, Ðài CNN dẫn lời đồng tác giả báo cáo Michael Petraglia, giáo sư Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Loài người (Ðức).

Một số bộ xương của trẻ con lần đầu tiên được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Panga ya Saidi vào năm 2013, nhưng phải đợi đến năm 2017, nhóm của chuyên gia Martinón-Torres mới tìm được hài cốt của Mtoto. Ðồng tác giả Emmanuel Ndiema, đang công tác tại Bảo tàng Quốc gia Kenya, cho biết phải mất không ít thời gian trước khi họ nhận ra tầm quan trọng của phát hiện này.

Phục dựng hình ảnh em bé được mai táng

 

Theo nhà nghiên cứu Louise Humphrey thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London (Anh), việc dựa trên hoạt động chôn cất để suy ra những dấu hiệu về hành vi mang tính biểu tượng của con người lâu nay vẫn là điều gây tranh cãi trong giới khảo cổ. Tuy nhiên, bà cũng đồng ý rằng cuộc nghiên cứu đã mang đến bằng chứng về thái độ “chăm sóc và nỗ lực” của cộng đồng người tiền sử khi tổ chức đám tang cho đứa bé.

Chuyên gia Paul Pettitt của Ðại học Durham (Anh) cũng vô cùng ấn tượng trước phát hiện trên. “Các cộng đồng cổ xưa chuyên săn bắn - hái lượm quan niệm rằng cái chết là điều tự nhiên và không tránh khỏi. Thế nhưng lại có hai ngoại lệ: chết do thống khổ và cái chết của trẻ con. Có lẽ người xưa cảm thấy những cái chết non là sự bất thường, và cần phải được xử lý khác với bình thường”, ông Pettitt phân tích.

 

BẠCH LINH

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm