Chúa nhật 25.6, Giáo hội Ý cử hành Ngày Bác ái của Đức Thánh Cha với những cuộc lạc quyên để hỗ trợ các hoạt động bác ái của ngài. Số tiền quyên góp được thường gọi là Đồng tiền Thánh Phêrô. Ngoài lạc quyên trong các thánh lễ, giáo xứ, gần đây còn có qua mạng xã hội như Facebook, Twitter và Instagram. Qua những phương tiện này, các tín hữu có thể chuyển tiếp hưởng ứng rộng rãi. Đức Tổng Giám mục Giovanni Angelo Becciu, phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, giải thích đó là một dấu chỉ liên đới.
Theo thống kê cho đến nay, trong số những người đóng góp vào Đồng tiền thánh Phêrô, có 28% ở Ý, 25% tại Mỹ và 22% tại Đức. Tỷ lệ ủng hộ trực tuyến thấp nhất đến từ Brazil, Pháp, Tây Ban Nha và phần còn lại từ Mỹ La-tinh (khoảng 15%).
Trong những năm trước đây, Đồng tiền thánh Phêrô thu tổng cộng được khoảng 65 triệu USD/năm. Việc quyên được thực hiện trong toàn Giáo hội Công giáo, tại các giáo phận, vào ngày 29.6 hằng năm, lễ trọng kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô hoặc là ngày Chúa nhật gần ngày lễ này.
![]() |
Đức Thánh Cha Phanxicô hỗ trợ Nam Sudan
Đức Phanxicô giúp gần 500.000 USD để giúp 2 bệnh viện Công giáo tại Nam Sudan, trung tâm huấn luyện giáo chức và tài trợ dự án nông nghiệp cho các gia đình. Trong cuộc họp báo ngày 21.6, Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện, cho biết, vì không thể tiến hành dự án viếng thăm Nam Sudan trong năm 2017 cùng với Đức Tổng Giám mục Justin Woelbi, giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, nên Đức Giáo Hoàng muốn biểu lộ cụ thể sự hiện diện và gần gũi của ngài với nhân dân Nam Sudan đang chịu đau khổ. Từ khoảng 4 năm nay, nước này rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, cộng với nạn hạn hán kéo dài, làm 28 triệu người thiếu lương thực.
Ngoại trưởng Cuba đến Vatican
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã đến Vatican ngày 23.6 để gặp các vị lãnh đạo tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Ông đã gặp Đức Tổng Giám mục Angelo Becciu, phụ tá Quốc Vụ Khanh, Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng Paul Gallagher, sau cùng là Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh. Theo giới truyền thông, nội dung chính của các cuộc thảo luận là về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét lại hiệp định hồi tháng 12.2014 dưới thời của vị tiền nhiệm Barack Obama. Hiệp định này hướng đến thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa Washington và Havana. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là trung gian giúp Mỹ và Cuba tiến gần nhau.
Công giáo Hy Lạp Melkite có tân thượng phụ
Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận Đức tân Thượng phụ Công giáo Hy Lạp Melkite Youssef Absi, vừa được công nghị Giáo hội này bầu ngày 21.6 để kế vị Đức Thượng phụ Gregorius III Lahham. Nhiệm kỳ của vị Thượng phụ là mãn đời, ngài có thể bị thay thế vì những lý do hệ trọng hoặc tự ý đệ đơn xin từ chức với công nghị của Giáo hội và Đức Thánh Cha.
Thông cáo của Tòa Thánh cho biết, Đức Giáo Hoàng đã ban sự hiệp thông Giáo hội chiếu theo Bộ Giáo luật Công giáo Đông Phương, khoản 76, triệt 2. Trong sứ điệp gởi Đức tân Thượng phụ Youssef Absi, Đức Phanxicô chúc mừng và cam đoan cầu nguyện, xin Chúa Kitô mục tử nhân lành nâng đỡ Đức Thượng phụ trong việc chu toàn sứ mạng đã được ủy thác và trong việc phục vụ. Đức tân Thượng phụ Absi 71 tuổi, sinh trưởng tại Damascus, thủ đô Syria. Trong 10 năm qua, ngài là đại diện Đức Thượng phụ tại Tổng giáo phận Damascs. Giáo hội Công giáo Hy Lạp Melkite hiện có khoảng 1,6 triệu tín hữu, trong đó phân nửa sống tại các cộng đoàn nước ngoài như Brazil, Argentina và Úc.
![]() |
Gia tăng sự hiện diện của phụ nữ trong Giáo hội
Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng Giám mục Munich, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức muốn phụ nữ nắm giữ nhiều nhất có thể các chức vụ lãnh đạo trong Giáo hội Công giáo, từ giáo xứ tới giáo phận và Vatican. Đức Hồng y Marx nhận định, tất cả vị trí nào không đòi phải có thánh chức thì đều có thể mở cho phụ nữ nắm giữ. Đức Hồng y Marx là một trong 9 Hồng y thuộc nhóm Hồng y cố vấn của Đức Thánh Cha về cải tổ giáo triều, còn gọi là C9. Ngài bày tỏ lập trường trên vào ngày 22.6, trong phần bế mạc chương trình tư vấn để gia tăng tỷ lệ phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo thuộc giáo phận Munich. Đức Hồng y kể lại kinh nghiệm bản thân khi còn là Giám mục giáo phận Trier, ngài không nghĩ một phụ nữ có thể đứng đầu cơ quan mục vụ trong việc quản trị giáo phận. Nhưng từ đó đến nay, tại 27 giáo phận ở Đức, có 11 giáo phận đặt phụ nữ ở vai trò lãnh đạo và mọi người đều hài lòng. Đức Hồng y cho biết, trong các cuộc thảo luận của Hội đồng C9, ngay từ đầu ngài đã tích cực tranh đấu để gia tăng số lượng phụ nữ ở vị trí lãnh đạo. Nhưng Đức Hồng y cũng nhìn nhận rằng tiến trình này khá vất vả.
Tòa Thánh kêu gọi đình chiến tại CHDC Congo
Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovic, kêu gọi chấm dứt xung đột tại Cộng Hòa Dân Chủ (CHDC) Congo. Trong thông cáo ngày 22.6, Đức Tổng Giám mục Jurkovic bày tỏ lo lắng về tình trạng khốn cùng của người dân nước này. Đức Tổng Giám mục đặc biệt chỉ trích các cuộc tấn công có kế hoạch nhằm chống lại thường dân và những tổ chức tôn giáo ở tỉnh Kasai. Đức Tổng Giám mục Luis Mariano Montemayor, Sứ thần Tòa Thánh tại CHDC Congo cũng cho biết chi tiết hậu quả các cuộc phá hoại tại tỉnh này. Tổng cộng có 5 Đại Chủng viện, 60 giáo xứ, 34 nhà dòng, và 141 trường Công giáo bị đóng cửa. Thêm vào đó, hai Giám mục là Đức cha Félicien Mwanama Galumbulula, Giám mục giáo phận Luiza, và Đức cha Pierre-Célestin Tshitoko Mamba, Giám mục giáo phận Luebo buộc lòng phải chuyển sang nơi khác.
![]() |
Giáo hội Nam Phi mừng kỷ niệm 200 năm hiện diện
Ngày 25.6, Giáo hội Nam Phi cử hành kỷ niệm 200 năm hiện diện với thánh lễ tạ ơn trọng thể ở thành phố Cape Town. Lễ kết thúc năm kỷ niệm sẽ được cử hành vào ngày 10.6.2018 trong mọi nhà thờ Chánh tòa, nhà thờ giáo xứ và các cứ điểm truyền giáo trên toàn nước này. Ngày 7.6.1818, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã nâng Cape Town và các vùng phụ cận lên hàng giám quản tông tòa, qua đó chính thức khai mào sự hiện diện của Giáo hội Công giáo tại Nam Phi. Các hạt giống gieo vào lòng đất Cape Town đó, giờ đây sau 200 năm đã sinh bông hạt và biến thành 28 giáo phận với một giám quản tông tòa họp thành Hội đồng Giám mục Nam Phi bao gồm Nam Phi, Botswanavà Swaziland. Trong những tháng tới đây sẽ có nhiều chương trình được đề ra để mừng sự kiện trên.
Nam Phi rộng hơn 1,219 triệu km2, có 50 triệu dân, 35% theo Tin Lành cải cách, 30% theo Tin Lành Methodist và Luther, 10% theo Công giáo, 10% theo Anh giáo, 12% theo đạo thờ vật linh, 1,5% theo Ấn giáo và 0,5% theo Do Thái giáo. Cách đây gần ba năm, ngày 13.9.2015, Ðức Hồng y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã chủ sự lễ tuyên Đức Benedict Daswa lên bậc Chân phước. Ngài sinh năm 1946, là một giáo dân và là cha của 8 người con. Ngày 2.2.1990, tiếp theo những lời nguyền rủa của các người đứng đầu ngôi làng, Chân phước Benedict Daswa đã bị đánh đến chết bằng gạch đá và gậy gộc, sau đó còn bị dội nước sôi lên người. Lý do vì mấy ngày trước đó ngài đã từ chối đóng góp một khoản tiền để thực hiện nghi lễ trừ khử các kẻ bị coi là phù thủy.
Đức Hồng y Quốc vụ khanh sẽ gặp Tổng thống Nga
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Đức Thượng phụ Chính thống Nga Kirill I vào tháng 8.2017. Đức Hồng y đã xác nhận tin trên ngày 22.6, bên lề một hội nghị tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Rome. Ngài cho biết, cuộc viếng thăm đã được dự kiến từ lâu và nay có đủ điều kiện để tiến hành. Cuộc viếng thăm của Đức Hồng y Parolin tiếp nối cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill I hồi tháng 2.2016 tại phi trường Havana của Cuba.
Chết vì hy vọng
Ngày 22.6, Cộng đồng thánh Egidio ở Roma đã tổ chức lễ tưởng niệm những di dân đã bỏ mình trên chuyến đi đến châu Âu. Buổi canh thức cầu nguyện mang chủ đề “Chết vì hy vọng” có sự tham dự đông đảo thành viên của tổ chức trợ giúp di dân cùng với hàng trăm người nhập cư. Chỉ trong những tháng đầu năm 2017, đã có trên 2.000 người chết trên đường vượt biển để nhập cư lậu vào châu Âu. Họ là nạn nhân của hy vọng tìm được một cuộc sống tốt lành, tươi sáng hơn, bỏ lại phía sau bao nhiêu chiến tranh bạo lực và khó khăn mọi đàng. Buổi canh thức gióng lên tiếng chuông kêu gọi chính phủ các nước châu Âu hãy tái lập hệ thống cấp visa lao động hoặc di dân chính thức vì lý do nhân đạo để tránh các thảm kịch có thể xảy ra.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.