Giới khoa học có một thông điệp quý báu dành cho các tín hữu Công giáo trẻ tuổi: Ðừng bao giờ sợ hãi khi muốn đến với khoa học! Bạn sẽ không giờ đơn độc trong cuộc hành trình này.
Trong suốt chiều dài lịch sử, không hề thiếu các vị linh mục, tu sĩ và tín hữu Công giáo nhiệt thành trong hàng ngũ những khoa học gia vĩ đại đã đóng góp to lớn cho tri thức của nhân loại. Tuy nhiên, cho đến thời nay, vẫn còn tồn tại các quan điểm cho rằng khoa học và tôn giáo là hai lĩnh vực xung khắc với nhau.
![]() |
Nhận thức sai lầm
Tiến sĩ Kate Bulinski, trợ lý giáo sư Ðại học Khoa học Bellarmine ở TP Louisville, bang Kentucky (Mỹ) cho rằng một số quan điểm bảo thủ tại Mỹ đã và đang tiếp tục tác động sâu rộng và tạo ra nhận thức sai lệch về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo. Bà cho rằng sự nhầm lẫn này cũng gây những tác hại nghiêm trọng, như khiến giới trẻ nguội lạnh với đạo.
Nữ tiến sĩ nhấn mạnh Giáo hội cần phải đưa ra thông điệp rõ ràng và kiên định về sự tương thích giữa đức tin và khoa học. Bà cho biết đã gặp quá nhiều sinh viên (nhiều em lớn lên trong môi trường Công giáo ở cấp một và cấp hai) lâm vào tình cảnh hoàn toàn nhầm lẫn hoặc không nhận được thông tin đầy đủ về cách Giáo hội Công giáo đang giảng dạy khoa học lâu nay.
![]() |
Tem của Vatican vinh danh linh mục Mendel - cha đẻ của di truyền học |
“Lần cuối cùng các nhà khoa học có bất đồng quan điểm với Giáo hội đã diễn ra cách đây khoảng 400 năm, là trường hợp của Galileo Galilei”, theo tiến sĩ Stephen M. Barr, giáo sư danh dự của Ðại học Delaware và tác giả của những quyển sách như “The Believing Scientist: Essays on Science and Religion” (tạm dịch: Một nhà khoa học có đức tin: Những bài luận về Khoa học và Tôn giáo). Ông Barr là một tín hữu Công giáo và hiện là Chủ tịch Hiệp hội các Nhà khoa học Công giáo (SCS).
Kể từ khi được thành lập vào mùa hè năm 2016, SCS giờ đây có tổng cộng 1.250 thành viên, từ sinh viên đại học đến các chuyên gia uy tín trên thế giới. Website của SCS có mục liệt kê tiểu sử ngắn gọn của 84 nhà khoa học Công giáo trong quá khứ. Thông qua đó, ai nấy đều có thể thấy rằng Giáo hội Công giáo thật sự đóng góp rất nhiều nhân tài cho khoa học.
“Có một số nhận định khiến nhiều khoa học gia vô cùng khó chịu, như khăng khăng cho rằng vũ trụ mới vài ngàn tuổi hoặc bác bỏ những cơ sở lập luận chắc chắn về tiến hóa”, ông Barr chỉ ra, nhưng rõ ràng Giáo hội không phải như thế. Trên thực tế, các linh mục, tu sĩ đã đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học, như cha Georges Lemaître, chủ nhân giả thuyết Big Bang (vụ nổ lớn khai sinh vũ trụ) và cha Gregor Mendel, cha đẻ của di truyền học.
![]() |
Cha Christoph Scheiner và đồng nghiệp lần theo dấu vết của vết lóe trên bề mặt Mặt trời năm 1625 |
Không hề đơn độc
Trong 42 năm công tác trong ngành nghiên cứu, nhà vật lý học Barr chỉ 2 lần gặp phải một đồng nghiệp bày tỏ thái độ công kích đối với đức tin của ông. Các nhà khoa học hầu như không đề cập đến quan điểm tôn giáo của nhau, mà đa số chỉ thảo luận về khoa học hoặc công việc. Nếu không nói đến các đề tài này, họ lại chuyển sang các chủ đề như thể thao, ăn uống, phim ảnh, chính trị…
Bên cạnh đó, trong số các nhà khoa học Công giáo, không những có rất ít người cảm thấy cần phải giấu diếm khuynh hướng tôn giáo, mà đa số còn thoải mái bộc lộ đức tin. “Nhiều nhà khoa học dù vô thần nhưng vẫn có bạn bè hoặc thành viên trong gia đình theo đạo, họ rất tôn trọng các đồng nghiệp có đạo”, ông Barr bổ sung.
![]() |
Cha Julius Nieuwland trong phòng thí nghiệm |
Với những lập luận trên, vị giáo sư nhấn mạnh “hoàn toàn sai lầm khi cho rằng thế giới khoa học vắng bóng các tín hữu và là nơi mọi người coi thường tôn giáo”. “Có lẽ nguyên nhân khiến nhiều người nghĩ như thế là vì, cho đến bây giờ, các nhà khoa học không có thiện cảm với tôn giáo thường lên tiếng đả kích mạnh mẽ, trong khi số nhà khoa học theo đạo lại ít khi lên tiếng”, ông Barr giải thích.
Chủ tịch SCS khuyên các nhà khoa học trẻ tuổi theo đạo Công giáo không nên ngại ngần trong việc theo đuổi tiếng gọi của cả tôn giáo lẫn khoa học. “Bạn sẽ không là người đơn độc trong cuộc hành trình này”, ông khẳng định. Nữ tiến sĩ Bulinski đồng ý với quan điểm này khi cho rằng một người theo đạo Công giáo hoàn toàn có nhiều khả năng thành công và trở thành nhà khoa học giỏi giang. “Và dù có là người thích công khai đức tin hay không, chúng ta luôn vẫn là các nhà khoa học Công giáo”, bà kết luận.
![]() |
Cha Georges Lemaître và nhà vật lý học Albert Einstein tại Viện Công nghệ California tháng 1.1933 |
HỒNG HOANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.