Trong số những “báu vật” của cổ thành Matera, Cripta del Peccato Originale nổi bật nhờ vào những bức bích họa Kinh Thánh hơn ngàn năm tuổi xuất phát từ bàn tay tài hoa của các tu sĩ dòng Biển Ðức.
Nằm sâu trong cao nguyên Murgia ở miền nam nước Ý, bên cạnh hẻm núi La Gravina là hang động mang tên Cripta del Peccato Originale (có nghĩa là Hầm mộ Tội Tổ Tông). Còn được đặt biệt danh là “Nhà nguyện Sistine của nghệ thuật đá”, nhưng cái hang trên thực tế không hề dính dáng gì với phiên bản lộng lẫy ở thành quốc Vatican. Ðiểm tương đồng đặc sắc nhất chính là những bức bích họa dù trải qua hơn ngàn năm tuổi nhưng vẫn toát ra vẻ sống động cho đến ngày nay, bất chấp mọi biến động lịch sử, để kể lại các câu chuyện trong Kinh Thánh.
![]() |
Cổ thành Matera |
Tu sĩ vô danh
Người thổi hồn vào các vách đá không ai khác là các tu sĩ của dòng Biển Ðức từ thế kỷ 8-9. Khi đặt chân đến Pietrapenta, gần thành phố Matera (còn được gọi là thành phố trong lòng đất), các vị tu sĩ quyết định trú ngụ trong những hang động xung quanh và biến nơi này thành địa điểm thờ phượng Thiên Chúa. Sau thời gian dài bị chìm vào quên lãng, Cripta del Peccato Originale giờ đây trở thành báu vật nổi tiếng của nghệ thuật tôn giáo tại Ý.
![]() |
Lối vào Hầm mộ Tội Tổ Tông |
Muốn đến nơi này, khách hành hương phải xin lịch hẹn trước. Và không hề dễ dàng đến được hẻm núi vắng vẻ cách Matera khoảng 7 km. Dựa trên những dấu vết còn sót lại trong hang, các nhà khảo cổ học cho rằng nơi đây từng chứa chấp con người từ thời đồ đá cũ và đồ đá mới. Ðến khoảng thế kỷ 8 hoặc 9, đến lượt các tu sĩ dòng Biển Ðức trở thành cư dân mới tại đây sau khi lặn lội từ Ðông Âu và bán đảo Tiểu Á đến miền nam nước Ý. Một trong số họ đã vẽ những hình ảnh đầy nét truyền thần trên các vách đá trong hang, với mục đích kể lại những câu chuyện trong Kinh Thánh. Giờ đây, người đời nay chỉ có thể gọi vị tu sĩ vô danh là “họa sĩ vẽ hoa cỏ cho Matera”, dựa trên những cánh hoa đỏ rực trở thành dấu hiệu đặc trưng trên các tác phẩm của ông.
![]() |
Dọc theo vách đá ở phía sau là những bức vẽ mô tả các chương đầu của Sách Sáng thế, với những hình ảnh Thiên Chúa cũng như hình ảnh Adam và Eve ăn trái cấm. Chính bức họa đặc biệt này đã giúp người đời sau đặt tên cho hang động là Hầm mộ Tội Tổ Tông. Trong 3 hốc đá hình bán nguyệt trên một vách đá khác, đến lượt những hình ảnh trong Tân Ước xuất hiện, bao gồm các thánh tông đồ Gioan, Anrê và Phêrô trong một bức; các tổng lãnh thiên thần Raphael, Gabriel và Michael ở một bức khác; và hốc còn lại thể hiện hình ảnh Ðức Mẹ Ðồng Trinh Maria và Chúa Hài Ðồng, bên cạnh là hai vị thánh tháp tùng.
![]() |
Hang của 100 vị thánh
Phần lớn thời gian trong cả ngàn năm qua, chẳng ai biết đến hang động đặc biệt cũng như những nét vẽ thần kỳ trên vách đá. Thế kỷ 19, một sử gia từng đề cập đến nó và thậm chí còn vẽ lại nơi này. Thế nhưng, đến thập niên 1960, cái hang vẫn chỉ đóng vai trò là nơi trú ẩn cho những người chăn cừu. Trước đôi mắt của những con người chân chất, họ chỉ biết gọi đây là “hang của 100 vị thánh”, vì những vách đá chi chít họa tiết.
![]() |
Năm 1963, một nhóm sinh viên thám hiểm các hang động ở khu vực biết về sự tồn tại của Cripta del Peccato Originale cũng như các bức họa tuyệt đẹp tại đây và tìm đến tận nơi. Họ cố gắng vận động cho việc bảo tồn và phục hồi các tuyệt tác của tu sĩ vô danh. Vì Matera vốn mang tiếng là “nỗi ô nhục của Ý”, phản ảnh thực tế về tình trạng tài chính khủng hoảng, hệ thống vệ sinh yếu kém gây ảnh hưởng đời sống của người dân, phải mất một thời gian, những người ủng hộ mới đạt được sự công nhận cho hang động. Các nhà khảo cổ học bắt đầu đến nơi đây nghiên cứu vào năm 1981. Ðến năm 1993, UNESCO tuyên bố Cripta del Peccato Originale là di sản của thế giới.
![]() |
Những hình vẽ tuyệt đẹp của tu sĩ vô danh |
Quỹ Zètema và Viện Trùng tu Miền trung Ý tiếp nhận dự án khôi phục và bảo tồn hang động, tiến hành tẩy rong rêu và địa y bám trên các vách đá nhiều năm, đồng thời lắp đặt nhiều hệ thống thông gió cho di tích cổ. Ðến năm 2005, hang có thể mở cửa đón du khách và người hành hương trên toàn thế giới.
LING LANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.