Các nhà khảo cổ học đã khai quật một tấm bia đá 1.500 năm tuổi, bên trên khắc lời cầu nguyện bắt đầu với dòng chữ “Chúa Giêsu, con của Ðức Maria”, theo Cơ quan quản lý cổ vật Israel (IAA).
Tấm bia đá, được viết bằng tiếng Hy Lạp, từng là một phần của tấm lanh tô, phần trang trí nằm bên trên cửa lớn của lối vào nhà thờ ở vùng et-Taiyiba (còn gọi là Taiba), một ngôi làng thuộc thung lũng Jezreel, miền Bắc Israel. Bản thân nhà thờ này có niên đại vào cuối thế kỷ thứ 5, có nghĩa là nó có thể được xây dựng vào thời đế quốc Byzantine. Bên cạnh tấm lanh tô, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy một nhà thờ trước đây chưa từng được biết đến, có lối đi lát gạch được sắp xếp theo một thiết kế hình học.
Bằng chứng về nơi thờ phượng
Phần khắc chữ nhiều khả năng được tạo ra nhân dịp khai trương nhà thờ, theo người dịch là nhà nghiên cứu Leah Di-Segni của Viện Khảo cổ thuộc Ðại học Hebrew ở Jerusalem. Toàn văn của dòng chữ được dịch ra: “Chúa Giêsu, con của Ðức Maria. Công trình của vị giám mục nhiệt thành và kính sợ Thiên Chúa nhất [Theodo]sius và nền tảng được xây dựng trên tấm gương khốn khổ của Th[omas] - Bất kỳ người nào bước vào nơi này đều nên cầu nguyện cho họ”. Trong đó, câu mở đầu “Chúa Giêsu, con của Ðức Maria” nhiều khả năng nhằm bảo vệ những người đọc trước những sự dữ.
Bà Di-Segni cho hay đây là cụm từ phổ biến vào thời đó, được tìm thấy trong vô số tài liệu và chữ khắc. “Dòng chữ trên nhằm chào mừng và ban phúc lành cho những người tiến vào nhà thờ. Vì thế, rõ ràng nơi này là một nhà thờ chứ không phải tu viện. Các nhà thờ chào đón các tín hữu ở cổng ra vào, trong khi những tu viện thường không có những lời chào như thế”, nữ chuyên gia phân tích.
Ðức Theodosius, một trong hai người được đề cập trong dòng chữ khắc, là một trong số những giám mục thuở ban đầu ở vùng này và là nhà sáng lập nhà thờ trên. Trên cương vị chủ chăn tại địa phận, ngài có thẩm quyền đối với cả vùng đô thị Bet She’an mở rộng, bao gồm nơi giờ đây là et-Taiyiba. “Trước đây, có rất nhiều manh mối về cuộc sống của những Kitô hữu được tìm thấy tại Thung lũng Jezreel. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi mới khai quật được chứng cứ đầu tiên về sự tồn tại của một nhà thờ Byzantine ở làng et-Taiyiba, và phát hiện mới góp phần bổ sung những dữ liệu về hoạt động của các Kitô hữu từng sinh sống tại đây”, theo nhà khảo cổ học Walid Atrash đang làm việc cho IAA. Trước đó, các nhà khảo cổ học đã khai quật được tàn tích của một nhà thờ từ thời Thập Tự Chinh, cũng như một tu viện thuộc quyền của vị giám mục coi sóc đô thị Bet She’an.
Phát hiện bất ngờ
Giống như những khối đá cổ khác, tấm lanh tô được người đời sau tái sử dụng, nhiều khả năng vào cuối thời đế quốc Byzantine hoặc đầu giai đoạn Hồi giáo. “Khối đá được gắn vào tường, với phần chữ quay vào bên trong, và vì thế trước đây không được phát hiện. Do vậy, chúng tôi biết rằng người xưa đã tái sử dụng tấm lanh tô làm vật liệu xây dựng, sau khi nhà thờ ban đầu sụp đổ trong một trận động đất và một lần nữa được xây dựng lại”, báo The Jerusalem Post dẫn lời nhà khoa học Yardenna Alexandre của IAA giải thích.
Vào thời Byzantine (thế kỷ thứ 5 đến thứ 7), nơi đây là một ngôi làng của Kitô hữu, và sau đó bị biến thành pháo đài của Kitô giáo trong giai đoạn diễn ra các cuộc Thập Tự Chinh. Ðến nay, ngôi làng Ả Rập thời hiện đại mọc lên xung quanh ngôi làng cũ, và một số tàn tích vẫn còn sót lại, theo chuyên gia Alexandre. Các nhà khảo cổ học của IAA đã phát hiện sự tồn tại của nhà thờ trong lúc chuẩn bị triển khai dự án xây dựng một con đường mới. Hai chuyên gia Tzachi Lang và Kojan Haku của IAA dẫn đầu nỗ lực khai quật, và nhận được sự hỗ trợ của công chúng, bao gồm sinh viên, người tình nguyện và công nhân tại địa phương.
LING LANG
Bình luận