Thứ Sáu, 14 Tháng Sáu, 2019 14:33

Nhà thờ cổ nhất tại Ai Cập

 

Một dự án khai quật tại Ai Cập đã giúp phát hiện những tàn tích mà theo nhận định của giới chuyên gia, có thể là nhà thờ cổ nhất từng được tìm thấy tại đất nước kim tự tháp.

 

Ðội ngũ khảo cổ học, do tiến sĩ Krzysztof Babraj của Viện bảo tàng Khảo cổ Kraków (Ba Lan) dẫn đầu, đang tràn trề hy vọng rằng, khám phá mới sẽ mang đến những kiến thức chưa từng biết đến về quá trình truyền bá Kitô giáo khắp quốc gia Ai Cập và lan tỏa sang các khu vực xung quanh vùng Ðịa Trung Hải cách đây nhiều thế kỷ.

 

Cảng cổ bị động đất tàn phá

Theo trang tin First News, nhóm chuyên gia Ba Lan, đến từ Trung tâm Khảo cổ học Ðịa Trung Hải của Ðại học Warsaw, đã bắt đầu dự án khai quật một thánh đường cũ tại cảng cổ đại Marea vào năm 2000. Ðây là khu cảng phục vụ cho hoạt động của tàu bè lui tới thành phố Alexandria. Trước đó, họ đã tìm được một nhà nguyện bị chôn vùi bên dưới tàn tích của thánh đường cũ, khai quật thành công một trong những bộ sưu tập mảnh gốm sứ lớn nhất từng được tìm thấy tại Ai Cập. Và sau một thời gian tiếp tục kiên trì làm việc, họ một lần nữa bất ngờ trước những gì phơi bày ra ánh sáng.

Marea là một thị trấn - cảng sầm uất trên bờ hồ Maeortis, giờ đây được đổi tên là hồ Mariout. Theo sổ sách, nó đóng vai trò là cảng của thành phố Alexandria cho những con tàu dọc ngang trên sông Nile. Marea từng là một cộng đồng thành thị vô cùng thịnh vượng, kéo dài từ thời kỳ Hy Lạp hóa đến kỷ nguyên của đế quốc Byzantine. Thị trấn rơi vào giai đoạn suy thoái sau khi quân Ả Rập kéo đến xâm chiếm Ai Cập, kèm theo đó là động đất bùng phát, khiến nơi này hoang tàn và dần bị bỏ hoang.

 

Ðội ngũ các nhà nghiên cứu Ba Lan đang làm việc bên dưới phần nền của thánh đường Kitô giáo, vốn được xây dựng dựa trên kiến trúc của các tòa nhà công cộng thời đó của đế quốc La Mã. Theo tiến sĩ Krzysztof Babraj, đội của ông “tiếp xúc với những đoạn còn lại của một bức tường, mà hóa ra từng là đoạn tường vòng ngoài của một nhà thờ, thậm chí có niên đại còn cổ hơn thế”. Có vẻ như ngôi thánh đường sau này đã được xây dựng bên trên nền của một nhà thờ bị phá hủy trong trận động đất tàn phá Marea vào thế kỷ 8.

Nhà thờ được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ 4

 

Nhà thờ từ thế kỷ 4

Nhà thờ lớn hơn vừa mới tìm được có niên đại từ năm 400 đến 800. Tuy nhiên, trang tin First News cho biết “các nhà khảo cổ học phát hiện tàn tích này phải nhiều tuổi hơn thế”. Họ đã tìm được manh mối ở nơi từng là gian giữa của nhà thờ. Sau khi lần theo đầu mối dựa trên đoạn tường bên ngoài, các nhà nghiên cứu xác định nhà thờ được xây theo hình dạng thánh giá, giống như những nơi các Kitô hữu thờ phượng Chúa từ thời cổ đại cho đến ngày nay.

Đồ gốm sứ còn sót lại giúp xác định niên đại của công trình cổ

 

Khi nhà thờ lớn bị phá hủy, khu vực chứa tàn tích cổ hơn hoàn toàn bị vùi lấp bên dưới các đống đổ nát và biến mất trong lịch sử, cho đến thời điểm một lần nữa lộ diện trước ánh sáng nhờ vào công của các chuyên gia Ba Lan. Tàn tích xưa có kích thước 24m x 15m, được trang trí bằng các miếng ngói nhiều màu. Ðáng buồn là toàn bộ các phiến ngói cũ đã bị phá hủy trong trận động đất và chỉ còn lại những mảnh vụn. Nhà thờ cổ hơn có những bức tường bằng đá vôi, và các nhà nghiên cứu đã có thể đoán ra tuổi của nó nhờ vào các mảnh hàu và đồ gốm sứ còn sót lại.

Sơ đồ khu vực đang khai quật

 

Theo First News, có chứng cứ rõ ràng cho thấy nhà thờ được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ 4, tức không lâu sau khi Kitô giáo trở thành tôn giáo chính thức của đế quốc La Mã. Và niên đại của nhà thờ đồng nghĩa với khả năng đây là thánh đường cổ nhất từng được tìm thấy trên đất Ai Cập. Bên cạnh đó, tàn tích còn được phát hiện tại một khu cảng xưa trên bờ hồ, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của phát hiện mới về khía cạnh lịch sử. Giới chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu khu vực nhằm tìm hiểu thêm những nhà thờ đời đầu, từ đó mang đến những cái nhìn mới về cộng đồng Kitô giáo xa xưa ở Ai Cập. Có thể từ đây, đạo Kitô đã lan tỏa khắp khu vực.

 

 

LING LANG

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm