Ngày 15.4.2021, đúng hai năm sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại nhà thờ Chánh tòa Ðức Bà Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm công trình xây dựng lại ngôi thánh đường.
Tổng thống Pháp (thứ 3 từ phải sang) gặp gỡ các kỹ sư, công nhân tham gia công trình - ảnh: Reuters |
Vị nguyên thủ đi cùng Ðức cha Michel Aupetit, Tổng Giám mục Paris; Bộ trưởng Văn hóa Pháp Roselyne Bachelot; Thị trưởng Paris Anne Hidalgo; tướng Jean-Louis Georgelin, cựu Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp và hiện là chỉ huy công trình này… Ðây là lần đầu tiên ông Macron chính thức đến thăm lại nhà thờ Ðức Bà Paris kể từ khi thị sát hiện trường ngay sau vụ cháy vào năm 2019. Ông đã lên độ cao 47m, ở khu vực xung quanh phần mái bị sập để xem thợ gia cố cho phần mái vòm, xử lý lại các khối đá không vững chắc… AFP dẫn lời Tổng thống Pháp nhận định: “Tôi rất ấn tượng với những gì được chứng kiến, đây là thành quả to lớn của hai năm nỗ lực làm việc, là niềm tự hào chung. Nhờ đó, chúng ta đã tránh được tình huống xấu nhất. Chúng ta cũng nhìn về 3 năm tới vì vẫn phải giữ được mục tiêu ban đầu và như vậy, cần phải tập trung để thực hiện những công đoạn được lên kế hoạch một cách chặt chẽ, với đòi hỏi cao”.
Giàn giáo dựng kín gian giữa của nhà thờ - ảnh: Paris Match |
Kết thúc việc gia cố
Theo thông cáo của Ðiện Élysée, chuyến thăm ngày 15.4 là dịp để ông Macron cảm ơn tất cả những ai đã đóng góp cho việc xây dựng lại, các chuyên gia về khảo cổ, kỹ sư, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, đội ngũ thợ lành nghề trong nhiều lãnh vực…; những người tham gia cứu hỏa, và 340.000 cá nhân, tổ chức, công ty trên khắp thế giới đã quyên góp kinh phí. Cho đến nay, tổng cộng 833 triệu euro (hơn 23 ngàn tỷ đồng) đã được đóng góp, hoặc đang được giải ngân theo tiến độ của công trình.
Trong hai năm qua, “báu vật” Notre Dame của người Pháp vẫn chỉ trong giai đoạn gia cố chống sập. Giai đoạn này dự kiến sẽ kết thúc vào mùa thu năm nay và hiện ngôi thánh đường đã thật sự “tránh được tình huống xấu nhất”, như lời của Tổng thống Macron. Một trong những công đoạn phức tạp nhất của việc gia cố chống sập là tháo dỡ giàn giáo được lắp từ trước khi xảy ra vụ cháy, vốn được dùng cho công trình đại trùng tu nhà thờ, nhưng sau vụ hỏa hoạn chỉ còn là một đống sắt bị cháy đen, biến dạng và là gánh nặng đe dọa cấu trúc ngôi thánh đường. Mối đe dọa này nặng tổng cộng 200 tấn, gồm khoảng 40.000 khối nhỏ, trong đó hơn một nửa ở độ cao trên 40m.
Gia cố cho các kết cấu bị yếu sau vụ cháy - ảnh: TGP Paris |
Bên trong ngôi thánh đường, hầu như không thể nhận ra kiến trúc cũ vì gian giữa đã được lắp kín giàn giáo để phục vụ cho việc tu sửa, gia cố mái vòm, xử lý ô nhiễm chì ở tường nhà thờ… Khoảng 20 khối gỗ dài từ 7 đến 10m được “đo ni đóng giày” đã được lắp vào các phần vòm bị yếu sau vụ hỏa hoạn. Những đống gạch đá đổ nát đã được dọn sạch, sàn nhà thờ được che kín bởi các tấm bảo vệ.Giàn giáo bị cháy đã được lắp các thanh xà kim loại ở 3 khu vực để loại bỏ nguy cơ bị sập. Sau đó, các chuyên gia đã cho dựng một giàn giáo mới bao quanh và tiếp tục dựng xà, để thợ có thể được thả dây vào bên trong và cưa cấu trúc cũ ra thành các khối nhỏ. Những khối đã tháo được đưa ra ngoài nhờ hệ cần cẩu cao nhất châu Âu - gần 80m. Việc tháo dỡ giàn giáo bị hư hại mất hơn 5 tháng, từ 8.6 đến 24.11.2020.
Mục tiêu 5 năm
Không lâu sau vụ hỏa hoạn, Tổng thống Macron đã tuyên bố sẽ xây dựng lại nhà thờ Ðức Bà Paris trong vòng 5 năm. Một năm sau, vị tổng thống tiếp tục nhắc lại lời hứa, dù công trình gặp không ít trở ngại do ảnh hưởng từ các đợt phong tỏa chống dịch Covid-19. Tại một phiên họp gần đây ở Thượng viện, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Roselyne Bachelot đánh giá: “Hiện tại, số tiền quyên góp được cho phép chúng ta yên tâm tập trung vào công trình mà không phải lo lắng tìm kiếm kinh phí. Việc gia cố đã sắp kết thúc, chuẩn bị bước sang giai đoạn tu sửa. Tôi có thể xác nhận rằng, năm 2024, nhà thờ Ðức Bà Paris sẽ mở cửa trở lại”.
Trả lời tạp chíChallenges, tướng Jean-Louis Georgelin cho biết:“Vài chục bộ cảm ứng được gắn ở những vị trí ‘chiến lược’ của nhà thờ đã cho thấy kết cấu của ngôi thánh đường vẫn còn rất vững chãi. Ðây là một tin tuyệt vời. Việc xây dựng lại thật sự có thể bắt đầu vào mùa đông 2021”. Theo vị chỉ huy công trình xây dựng lại Notre Dame, thánh lễ đầu tiên có thể được cử hành tại đây vào ngày 16.4.2024. Thời điểm đó, việc tu sửa vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, nhưng nhiều hạng mục dự kiến sẽ hoàn tất, chẳng hạn như hệ thống mái đỡ từ 1.000 cây sồi, tháp Mũi Tên... Một trong những yếu tố giúp đảm bảo tiến độ là việc giữ nguyên thiết kế cũ, vốn đã có đầy đủ các bản vẽ, bản khảo sát chi tiết, giúp tiết kiệm nhiều thời gian. Ít nhất 35 công ty sẽ hợp lực để mang đến những công nghệ, kỹ thuật tốt nhất cho nhà thờ Ðức Bà Paris. |
Lan Chi
Bình luận