Nhà thờ Thánh Giuse nằm ở trung tâm Nazareth, chỉ cách 30m so với Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin, nơi Tổng lãnh thiên thần Gabriel đã truyền tin cho Ðức Maria.
Các Phúc Âm đã sử dụng từ “tekton” của Hy Lạp, có nghĩa là người xây cất hoặc nghệ nhân, để mô tả thánh Giuse. Nhiều khả năng ngài làm việc với cả đá và gỗ, vì đá là vật liệu xây dựng phổ biến tại khu vực vào thời đó, theo trang biblewalks.com. Công việc có lẽ đã buộc Thánh Cả phải sống xa nhà để đến làm việc tại thành phố Sepphoris hoặc Tzippori. Theo truyền thống ban đầu, nhà thờ được xây dựng bên trên xưởng mộc của thánh nhân. Tuy nhiên, theo thông tin được điều chỉnh vào thời Trung Cổ, nhà thờ lại được xây dựng trên vị trí khi xưa của chính ngôi nhà Thánh Gia.
![]() |
Lịch sử của nhà thờ
Vẫn chưa rõ thời điểm nơi này bắt đầu được người đời sau xem là chốn thiêng liêng vì liên quan đến Thánh Giuse. Người địa phương thì từ nhiều đời đã nhìn nhận rằng Thánh Giuse, Ðức Mẹ và Chúa Giêsu đã sống ở đây. Và vì thế nhà thờ được cho là xây tại địa điểm đánh dấu giai đoạn Chúa Giêsu lớn lên. Theo các nhà khảo cổ học, cái hang bên dưới nhà thờ hiện tại từng được con người vào thời La Mã cổ đại sử dụng làm nơi chứa nước và kho chứa thực phẩm cho các hộ gia đình thời xưa sinh hoạt.
Ðến thời Byzantine, nơi đây dần thu hút nhiều Kitô hữu viếng thăm và cầu nguyện. Phải đợi đến thời Thập Tự Chinh vào thế kỷ 12, một nhà thờ mới được xây dựng, gọi là nhà thờ Nuôi Dưỡng, hay còn gọi là Ngôi nhà của Thánh Giuse. Tuy nhiên, nhà thờ này cũng không tồn tại được lâu. Nó đã bị quân đội Ả Rập phá hủy vào năm 1263 sau khi các đoàn quân Thập Tự Chinh thua trận. Trong hàng trăm năm sau đó, khu vực này trở thành phế tích, cho đến năm 1754 được các tu sĩ dòng Phanxicô mua lại với mục đích xây dựng nhà nguyện Thánh Giuse. Sau này, họ cũng xoay sở và tìm cách mua khu vực xung quanh nhà thờ.
Năm 1908, hoạt động khai quật do cha Veo dẫn đầu đã phát hiện tàn tích của một nhà thờ Byzantine có niên đại từ thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6. Ngài đã công bố khám phá của mình trong quyển “Nazareth và Hai lối vào”, viết bằng tiếng Pháp.
![]() |
Kiến trúc của nhà thờ
Những dòng chữ đầu tiên đề cập đến nhà thờ Thánh Giuse là ngôi nhà khi xưa của Thánh Gia đã xuất hiện trong tác phẩm của nhà văn người Ý Franciscus Quaresmius vào thế kỷ 17. Ðến đầu thế kỷ 20, nhà thờ xây dựng lại theo phong cách Tân La Mã, dựa trên nền tảng của nhà thờ thời Thập Tự Chinh vào thế kỷ 12. Nhà thờ có 3 sảnh dài, chấm dứt bằng 3 hàng rào ở phía đông. Năm 1950, một họa sĩ Ý đã đảm trách nhiệm vụ trang hoàng cho nơi cầu nguyện. Tại đây có đến 3 tác phẩm hội họa đáng chú ý, bao gồm Thánh Gia, Giấc mơ của Giuse và Cái chết của Giuse trong vòng tay của Chúa Giêsu và Ðức Trinh Nữ Maria.
Bên trong nhà thờ có một cầu thang dẫn xuống hầm mộ vẫn còn nguyên những dấu vết khảo cổ học từ thời Nazareth còn là một ngôi làng. Từ bên trên có thể nhìn thấy cái hang bên dưới thông qua tấm lưới tản nhiệt trên sàn. Thêm 7 bước nữa là đến một cái bể diện tích 2m2, được lát bằng đá mosaic đen-trắng. Ðây là nơi được cho là điểm rửa tội trước thời Constantinus Ðại Ðế của vương triều La Mã, có lẽ từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Bên cạnh bể chứa là một dãy các bậc thang gồ ghề dẫn xuống một hành lang hẹp, đến hầm ngầm cao 2m. Nơi đây từng chứa lương thực và nước sinh hoạt vào thời Nazareth cổ đại, và chiếc hầm bằng cách nào đó vẫn còn nguyên vị trí như nó vốn có vào thế kỷ thứ nhất.
![]() |
Theo một số tài liệu, nhà thờ được xây dựng trên vị trí khi xưa của ngôi nhà Thánh Gia |
Tại sao Nhà thờ Thánh Giuse lại không lớn?
Nhiều người hành hương tỏ ra ngạc nhiên trước tình trạng khiêm tốn của nhà thờ, nhất là nếu so với quy mô của Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin gần đó. Một các giải thích khả dĩ là các Phúc Âm không ghi lại cụ thể những sinh hoạt thời thơ ấu của Chúa Giêsu tại ngôi nhà ở Nazareth. Những chi tiết liên quan đến thánh Giuse cũng không có nhiều. |
LING LANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.