Thứ Ba, 21 Tháng Bảy, 2020 14:33

Nhà thờ Ðức Bà Paris sẽ được xây dựng lại theo kiến trúc cũ

 

Những tranh luận về việc khôi phục nhà thờ Chánh tòa Ðức Bà Paris theo kiến trúc trước đây hay tạo những điểm nhấn của kiến trúc hiện đại đã khép lại sau thông cáo của Ðiện Elysée vào ngày 9.7.

 

Văn bản nói trên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài hơn 4 giờ của Ủy ban Di sản và Kiến trúc Quốc gia Pháp (CNPA) quy tụ nhiều nghị sĩ, kiến trúc sư và chuyên gia ở những lãnh vực có liên quan. Tại cuộc họp này, kiến trúc sư chuyên về kiến trúc cổ Philippe Villeneuve - người phụ trách các kế hoạch trùng tu của Notre Dame từ năm 2013 - đã trình bày về tập tài liệu dài tổng cộng 3.000 trang về công trình tái thiết mà ông hiện là Kiến trúc sư Trưởng.

 Kiến trúc nhà thờ Đức Bà Paris trước vụ hỏa hoạn hồi tháng 4.2019

 

Ðồng thuận cao

Trận cháy kéo dài 15 giờ ngày 15.4.2019 đã thiêu rụi toàn bộ phần mái của nhà thờ Ðức Bà Paris - Notre Dame, còn tháp Mũi Tên do kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc xây dựng bị đổ sập. Chỉ hai ngày sau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ tuyên bố không loại trừ khả năng sau khi khôi phục lại, một số phần của ngôi thánh đường sẽ có kiến trúc “mang dấu ấn thời đại”. Tuyên bố này đã mở màn cho nhiều tranh luận sau đó, thậm chí đã có các bản thiết kế đề xuất những ý tưởng như thay tháp Mũi Tên của kiến trúc sư Viollet-le-Duc bằng một tháp kính; làm vườn sinh thái trên tầng thượng… Tuy nhiên, Tổng Giáo phận Paris và đại đa số dân Pháp vẫn ủng hộ kiến trúc cũ của Notre Dame. Cùng quan điểm này là Thị trưởng Paris Anne Hidalgo; nhà báo - chuyên gia nổi tiếng về di sản Stéphane Bern, nhiều sử gia, kiến trúc sư uy tín… Nhà thờ Ðức Bà Paris cũng đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới từ năm 1991 nên việc chen vào những “điểm nhấn hiện đại” chắc chắn sẽ phải qua sự xem xét của tổ chức này.

Tháp Mũi Tên sẽ được xây lại theo nguyên bản

 

Xây dựng lại tháp Mũi Tên như nguyên bản cho thấy là giải pháp hợp lý nhất, vừa hợp lòng dân chúng, vừa tiết kiệm được thời gian và kinh phí vì bản thiết kế cũ cùng với những khảo sát chi tiết đã được lưu trữ đầy đủ. Ðiều này cũng phù hợp với mong muốn của Tổng thống Macron là hoàn thành việc xây dựng lại “bảo vật” của nước Pháp trong vòng 5 năm, tức đúng thời điểm tổ chức Olympic 2024 ở Paris. Chính vì vậy, trong thông cáo ngày 9.7, Ðiện Élysée cho biết vị nguyên thủ Pháp “tin rằng” nhà thờ Ðức Bà Paris nên được xây dựng lại như kiến trúc cũ: “Tổng thống tin tưởng vào các chuyên gia và đã đồng ý với các điểm chính trong kế hoạch khôi phục Notre Dame của Kiến trúc sư Trưởng Philippe Villeneuve. Dự kiến tháp Mũi Tên sẽ được xây như nguyên bản”.

Cũng trong ngày 9.7, trả lời Ðài Phát thanh France Inter, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Roselyne Bachelot nhận định việc giữ nguyên thiết kế cũ của nhà thờ Ðức Bà Paris nhận được “sự đồng thuận cao”. Còn theo thượng nghị sĩ Jean-Pierre Leleux, người đứng đầu CNPA, sau cuộc họp 4 giờ, ủy ban này đã “nhất trí thông qua” kế hoạch của kiến trúc sư Villeneuve và tháp Mũi Tên sẽ không thay đổi gì, kể cả về vật liệu xây dựng.

Ngôi thánh đường vẫn đang trong giai đoạn gia cố chống sập

 

“Dấu ấn hiện đại” ở quảng trường nhà thờ?

Ðiện Élysée nhấn mạnh, mối quan tâm hàng đầu hiện nay của chính phủ Pháp là làm thế nào để không chậm tiến độ và tránh để tình hình trở nên phức tạp hơn. Bản thông cáo ngày 9.7 giải thích: “Nếu muốn một ngọn tháp hiện đại thì cần phải tổ chức một cuộc thi thiết kế quy mô lớn, và nhiều khả năng sẽ làm công trình bị chậm trễ. Sau khi được sự tư vấn của nhiều kiến trúc sư danh tiếng, có thể kết luận rằng ý tưởng này quá phức tạp”. Ðiện Élysée dự định sẽ phối hợp với Tòa Thị chính Paris để quy hoạch lại phần sân và quảng trường trước Notre Dame. Và đây là nơi có thể “thực hiện dấu ấn kiến trúc - nghệ thuật hiện đại”, theo thông cáo. Một bức tượng hoặc một công trình nho nhỏ với phong cách của thế kỷ 21 hoàn toàn có thể được đặt ở khu vực trước nhà thờ, không gây ảnh hưởng đến kiến trúc tổng thể và do được thực hiện độc lập nên cũng sẽ không làm chậm tiến độ xây dựng lại ngôi thánh đường.

Quảng trường phía trước nhà thờ đã được mở lại cho công chúng từ ngày 31.5.2020 - ảnh: AP

 

Ví dụ điển hình cho sự kết hợp thành công giữa cổ điển và tân thời chính là kim tự tháp Pei bằng kính được xây trước bảo tàng Louvre danh tiếng. Công trình này do kiến trúc sư người Mỹ gốc Trung Quốc Ieoh Ming Pei thiết kế, khánh thành vào năm 1989, tọa lạc ở sân Napoléon của Ðiện Louvre và hiện là lối ra vào chính cho khách tham quan. Do kim tự tháp Pei không “đụng chạm” trực tiếp đến tòa lâu đài cổ nên đã dần được công chúng chấp nhận và trở thành một điểm nhấn hài hòa cho bảo tàng. Từ kinh nghiệm này, rõ ràng việc đặt “dấu ấn hiện đại” ở quảng trường phía trước nhà thờ Ðức Bà Paris sẽ hợp lý hơn so với thay đổi thiết kế của tháp Mũi Tên, là một phần trong kiến trúc của ngôi thánh đường. 

 

Lan Chi

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm