Cha Sebastian Kneipp, một linh mục ở vùng Bayern thuộc Ðức, được công nhận là nhà tiên phong trong việc xây dựng một nhánh liệu pháp y khoa hiện đại, theo hướng điều trị toàn diện cơ thể người.
![]() |
Lịch sử Giáo hội đã ghi nhận nhiều bác sĩ và nhà trị liệu Công giáo không chỉ thỏa mãn với việc điều trị những chứng bệnh của cơ thể, mà còn mang đến liệu pháp về tinh thần. Ðối với họ, nghề y hoặc chữa bệnh là một phần của ơn gọi. Ðó chính là trường hợp của cha Sebastian Kneipp, một linh mục Ðức vào thế kỷ 19. Thời trẻ, ngài từng bị lao, một căn bệnh vào thời đó chẳng khác nào án tử hình.
Tuy nhiên, cha Kneipp đã nghiên cứu về “liệu pháp điều trị bằng nước”, tức “thủy liệu pháp”, và đích thân thử nghiệm cho mình. Sức khỏe của ngài liên tục cải thiện và cuối cùng tự chữa khỏi. Ðiều này đã trở thành động lực giúp ngài kiên trì với lựa chọn đời sống thánh hiến và bắt đầu truyền dạy cách cứu người.
![]() |
Căn bệnh quái ác
Cha Kneipp sinh ngày 17.5.1821 tại làng Stephansried thuộc bang Bayern của Ðức. Thân phụ của ngài là thợ dệt vải, và anh thanh niên Kneipp học việc với cha mình cho đến năm 23 tuổi, thời điểm bắt đầu nhận ra ơn gọi thiêng liêng và được cha Matthias Merkle, người Grönenback, linh hướng. Tuy nhiên, thầy Kneipp đột nhiên mắc bệnh lao phổi vào năm 1847. Vị chủng sinh bệnh nặng đến nỗi bác sĩ phải liên tục lui tới, khoảng 100 lần/năm trong 2 năm cuối của chương trình học tại Chủng viện.
Trong thời gian ngã bệnh, thầy bắt đầu đọc rất nhiều sách và tình cờ phát hiện hướng trị căn bệnh của mình trong một quyển sách về thủy liệu pháp. Năm 1850, thầy Kneipp gặp được một chủng sinh của Chủng viện Georgianum ở Munich, người này cũng đang bệnh và chia sẻ liệu pháp đó với thầy. Cả thầy Kneipp và người bạn cuối cùng cũng khỏi bệnh, và có thể hoàn thành việc học. Thầy được truyền chức linh mục vào năm 1852.
Tự điển bách khoa toàn thư về Công giáo đã ghi chép về cuộc đời linh mục và chữa bệnh của ngài như sau:
“Từ lúc còn là cha phó, linh mục Kneipp đã áp dụng thủy liệu pháp để chữa lành bệnh cho nhiều người nghèo trong giáo xứ và thành công của ngài đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận thời đó. Các tín hữu ở những giáo xứ lân cận bắt đầu tìm đến, người nghèo lẫn người giàu đều không khác biệt. Danh tiếng của vị linh mục dần dần lan rộng khắp nước Ðức. Cuốn sách do ngài viết, tựa đề ‘Thủy liệu pháp của tôi’, nhiều lần được tái bản và dịch sang nhiều thứ tiếng, trong khi người bệnh ở khắp châu Âu bắt đầu đổ xô đến. Nhiều bệnh nhân được chữa lành”.
![]() |
Chữa bệnh cho Ðức Giáo Hoàng
Liệu pháp điều trị của cha Kneipp nổi tiếng đến nỗi hoàng tử Áo Franz Ferdinand cũng tìm đến để được chữa bệnh, và sau đó là cha của ông là hoàng thân Karl Ludwig. Vị linh mục người Ðức còn trị bệnh cho Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII. Cha Kneipp nổi tiếng là điều trị cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều người đã theo học vị linh mục và khi quay về nước đã sáng lập các trung tâm trị liệu và mở trường dạy học.
Khi đối diện một bệnh nhân, cha Kneipp tìm cách điều chỉnh đời sống hằng ngày của họ, thông qua chế độ ăn đơn giản, dùng nước lạnh bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Ngài yêu cầu bệnh nhân đi ngủ sớm, thức dậy sớm, đi bộ trên thảm cỏ bằng đôi chân trần, ăn thanh đạm, đơn giản và không có chất kích thích, không dùng quá nhiều thịt và ăn nhiều ngũ cốc. Vị linh mục xây dựng một chế độ điều trị dựa trên triết lý phức tạp về sức khỏe người, với 5 cột trụ chính:
- Nước là cột trụ quan trọng nhất;
- Thực vật, bao gồm thảo mộc, làm thuốc;
- Thực phẩm “đơn giản và có lợi cho sức khỏe”;
- Tập thể dục điều độ, thường xuyên;
- Cân bằng nội tại, đạt đến sự bình an của tâm hồn.
![]() |
Theo dòng Trợ thế Thánh Gioan Thiên Chúa, “sau khi cha Kneipp trị bệnh cho Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII, được ban tước hiệu đức ông”. Cho đến nay vẫn không có ghi chép về việc liệu Ðức Lêô XIII có kiên trì theo đuổi các liệu pháp của vị linh mục Ðức hay không, nhưng vị Giáo hoàng thọ 93 tuổi.
Triết lý chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của cha Kneipp được truyền đến ngày nay và UNESCO công nhận các liệu pháp y khoa của ngài là một phần trong “Di sản văn hóa phi vật thể của Ðức”. Cuộc đời và nỗ lực của cha Kneipp là lời nhắc nhở cho chúng ta rằng, đã đến lúc nên sống khác đi, hãy quan sát và chiêm nghiệm sự liên hệ giữa cơ thể và tinh thần, theo đuổi một cuộc sống thuận theo tự nhiên và sống một cách lành mạnh, an lành.
HỒNG HOANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.