Các Kitô hữu Nhật ẩn danh đã tồn tại, bảo tồn đức tin trong 250 năm sống âm thầm tại vùng Nagasaki vì cuộc cấm đạo từ thế kỷ 16. Đến năm 1865, năm chính phủ Nhật cho phép các thừa sai người Pháp xây các thánh đường Oura và Nagasaki, các thừa sai rất ngạc nhiên khi thấy các nông dân địa phương đến xin phép các vị được tôn kính Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria. Thời điểm “ngạc nhiên” này đã trở thành dấu mốc để Giáo hội tại Nhật kỷ niệm 150 năm cộng đồng các “Kitô hữu ẩn danh”, tiếng địa phương gọi là “Kakure Kirishitan”, vào những ngày từ 14 đến 17.3.2015.
![]() |
ĐTGM Mitsuaki Takami Giáo phận Nagasaki làm phép một tưởng đài kỷ niệm cuộc bách hại đạo |
Đức cha Isao Kikuchi, Giám mục giáo phận Niigata nhận định rằng “chứng tá của các tín hữu Kitô ẩn danh chính là sự soi sáng và lời mời gọi các tín hữu ngày nay sống trọn niềm tin của mình”.
Trong dịp kỷ niệm này, Đức Thánh Cha đã cử Đức Hồng y Orlando Quevedo, Tổng Giám mục giáo phận Cotobato, Philippines, làm đặc sứ của ngài đến chủ sự các buổi lễ mừng kỷ niệm. Trong thư gửi Đức Hồng y, Đức Thánh Cha ca ngợi Giáo hội tại Nhật với bao nhiêu vị tử đạo và đề cao chứng tá của các tín hữu Kitô Nhật đã bảo tồn đức tin sinh động của mình, mặc dù sống trong những thế kỷ đen tối. Đức Phanxicô đã coi sự tồn tại của cộng đoàn ẩn danh này là “nhờ vào ơn của Bí tích Thánh Tẩy của họ”. Ngài mời gọi mọi tín hữu mừng kính biến cố này và kính nhớ các vị tử đạo đã bảo toàn đức tin sống động vì sự sống còn của Giáo hội Công giáo tại Nhật Bản.
![]() |
Nơi tưởng niệm Ki-tô hữu Nhật ẩn danh ở Nagasaki |
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần cho biết ngài đặc biệt quan tâm và kính trọng lịch sử của cộng đồng Công giáo âm thầm ấy. Khi còn là linh mục trẻ, ngài cũng có ý muốn trở thành thừa sai tại Nhật Bản, nhưng tình trạng sức khỏe yếu đã khiến ngài không thực hiện được ước nguyện đó. Trong dịp kỷ niệm 150 năm cộng đồng Kitô hữu ẩn danh, ngài đã tán dương tấm gương lịch sử của cộng đồng Kitô hữu tại Nhật Bản và kêu gọi tín hữu khắp nơi ghi nhớ và học hỏi bài học của lịch sử này.
![]() |
Giáo dân tham dự lễ tại nhà thờ chính toàn Nagasaki trong dịp kỷ niệm 150 năm |
Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến. Theo Niên giám của Tòa Thánh năm 2011, Nhật Bản có khoảng 509.000 người Công giáo, tức là chưa tới 0.5% tổng dân số. Tuy thế, Nhật vẫn có đến 16 giáo phận, trong đó có ba tổng giáo phận với 1589 linh mục và 848 giáo xứ trong cả nước.
Công giáo đến với Nhật Bản nhờ các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, các nhà thám hiểm, và đặc biệt là các linh mục dòng Tên, chẳng hạn như Thánh Phanxicô Xaviê. Người Công giáo đã thành lập nên thành phố Nagasaki, có thời được xem là trung tâm Kitô giáo quan trọng nhất ở vùng Viễn Đông.
(QT)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.