Giáo hội tại Myanmar đã tham gia tích cực vào nỗ lực chung của cả nước để phòng chống dịch Covid-19.
Ban Ðiều phối
Các giáo phận trên khắp quốc gia Ðông Nam Á này đã dành nhiều trụ sở, tòa nhà, bao gồm các chủng viện, để làm khu cách ly, theo trang tin Églises d’Asie. Ban Ðiều phối chống dịch đã được Hội đồng Giám mục Myanmar thành lập vào ngày 30.3, do Ðức Hồng y Charles Maung Bo - Tổng Giám mục Yangon - đứng đầu. Nhiệm vụ của ban này là hỗ trợ các vị chủ chăn tiếp tục chuẩn bị những khu nhà thuộc giáo phận (dọn dẹp, làm vệ sinh…) để giao cho địa phương làm khu cách ly; đồng thời mở rộng việc phổ biến kiến thức và kêu gọi người dân ý thức về đại dịch do chủng mới của siêu vi Corona. Theo đó, các vị giám mục đã khích lệ giáo dân tham gia vào những chiến dịch chống Covid-19 của Giáo hội và của xã hội, như đăng ký làm tình nguyện viên, tham gia cầu nguyện, đọc kinh, hoặc những ai có điều kiện thì rộng lòng đóng góp cho các quỹ hỗ trợ người nghèo.
![]() |
Nhà nguyện của Đại Chủng viện Thánh Giuse ở Yangon |
Sau khi chuẩn bị các vật dụng cần thiết, Ðại Chủng viện Thánh Giuse ở Yangon đã có thể đón nhận tối đa 130 người đến cách ly. Một khu nhà thuộc Giáo hội ở Thalyin, thị trấn ven biển, cũng dành ra 300 chỗ cho cách ly. Tòa nhà thuộc quản lý của hiệp hội Các Nữ tu Công giáo Myanmar ở cạnh bệnh viện Ða khoa Yangon thì tạm thời thành chỗ nghỉ ngơi cho các bác sĩ, điều dưỡng ở tuyến đầu sau ca trực. Trong trường hợp phải điều trị bệnh nhân Covid-19 thì các nhân viên y tế rất hạn chế về nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người thân. Tổng Giáo phận Mandalay đã dành sẵn 4 khu nhà - bao gồm 2 chủng viện và giáo phận Pyay dành Tiểu Chủng viện để làm khu cách ly. Tương tự, giáo phận Banmaw cũng tạm thời chuyển đổi một trung tâm đào tạo thành nơi đón nhận những người có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2.
![]() |
Kiểm tra thân nhiệt trên đường phố Myanmar - ảnh: Asia News |
Nỗi lo từ các trại tị nạn
Ðức cha Raymond Sumlut Gam, Giám mục Banmaw và là Chủ tịch Caritas Myanmar, cho biết các giáo phận đã thực hiện nhiều chương trình để cung cấp thông tin và nâng cao ý thức của người dân về Covid-19, theo sự hướng dẫn của Ban Ðiều phối. Ðặc biệt, Caritas rất quan tâm đến các trại tị nạn quốc nội (IDP), vốn là những chỗ ở tạm bợ, chật chội. Những người tị nạn sống chen chúc tại đây trong cảnh thiếu thốn về mọi mặt và nếu dịch bệnh bùng phát sẽ là một thảm họa nhân đạo. Do đó, ngay từ đầu mùa dịch, Caritas đã mở một chiến dịch phòng ngừa, như phát khẩu trang, nước rửa tay khô, xà bông… tại các IDP hoặc những khu làng hẻo lánh.
![]() |
Khử trùng đường phố Yangon trong mùa dịch - ảnh: AFP |
Theo ông Richard Win Tun Kyi, Giám đốc Caritas Myanmar, việc phòng chống dịch đòi hỏi sự phối hợp của nhiều phía, kể cả những lực lượng đối lập nhau, và Giáo hội Công giáo đóng vai trò là cầu nối. Chẳng hạn, bang Kachin (giáo phận Banmaw) là nơi thường xảy ra xung đột nên có nhiều IDP được lập tại đây để người dân sơ tán. Và từ lâu, để đảm bảo các hoạt động nhân đạo, Caritas đã phải tiếp xúc và trở thành trung gian của nhiều bên, gồm chính phủ Myanmar, các nhóm vũ trang đối lập và các tổ chức thiện nguyện quốc tế. Số liệu mới nhất từ Cơ quan Ðiều phối Các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA), 97.455 người hiện sống trong 139 trại IDP ở bang Kachin. Ðặc biệt, bang này ở đông bắc Myanmar, giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nên khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán cần phải gấp rút có biện pháp phòng dịch.
Từ đầu tháng 2, các tình nguyện viên của Caritas đã chia nhau đến các trại tị nạn quốc nội để cảnh báo người dân. Ông Win Tun Kyi cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn dân chúng các biện pháp vệ sinh cơ bản nhưng rất cần thiết, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang đúng cách. Caritas cũng nhấn mạnh rằng những ca nghi nhiễm đều phải được thông báo với người phụ trách y tế hoặc người quản lý IDP. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức của Liên Hiệp Quốc tại Yangon để chuẩn bị quy trình ứng phó nếu xảy ra tình huống khẩn cấp”.
![]() |
Một trại tị nạn ở bang Kachin - ảnh: Eglise d’Asie |
Ðáng mừng là các biện pháp phòng chống dịch được thực hiện khá sớm đã tạm thời ngăn chặn Covid-19 bùng phát, tuy nhiên, đời sống của người dân Myanmar, đặc biệt là ở bang Kachin, bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đóng cửa biên giới, việc vận chuyển hàng hóa bị ngưng lại và nền kinh tế địa phương cũng “đóng băng” theo, nhiều người mất việc làm trong khi giá cả các mặt hàng đều tăng. Hội đồng Giám mục Myanmar và Caritas của nước này vẫn đang theo dõi sát sao tình hình và sẵn sàng hỗ trợ để người nghèo có thể vượt qua những khó khăn của đại dịch.
Lan Chi
Tính đến ngày 11.6, tại Myanmar có 260 ca dương tính với SARS-CoV-2 được ghi nhận, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Chính phủ nước này đã lập 7.000 khu cách ly (bao gồm những cơ sở do Giáo hội Công giáo cho mượn), đang tiếp nhận khoảng 40.000 người. Phần lớn những ca phải cách ly là di dân làm việc tại Thái Lan, ngoài ra còn có khoảng 10.000 người làm việc tại Trung Quốc. Họ quay về nước khi dịch bùng phát. Ngày 23.4, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi thông báo các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt của nước này sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 15.5. Bà Suu Kyi nhấn mạnh: “Làn sóng đầu tiên của dịch vẫn chưa kết thúc và vẫn chưa rõ nó sẽ gây hại đến mức nào. Vì vậy, dù luôn giữ niềm hy vọng nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất”. Chính quyền thành phố Yangon đã thiết lập lệnh giới nghiêm từ 22g-4g sáng tại 45 khu vực từ ngày 23.4 và ít nhất đến ngày 18.6. Ở thủ đô Naypyidaw và nhiều bang, vùng khác như Mandalay, Shan, Karen… cũng giữ lệnh giới nghiêm cho đến khi có thông báo mới. |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.