Chuyến thăm Thụy Điển một lần nữa cho thấy quyết tâm của Đức Phanxicô nhằm phát triển tinh thần đại kết trong bối cảnh nhiều thách thức của thời hiện đại.
Vào ngày 31.10, Đức Thánh Cha đặt chân đến Thụy Điển, gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị và chào đón những tín hữu Công giáo thuần thành tại quốc gia vùng Scandinavia. Thế nhưng, đối với ngài, mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến thăm lần này là nhằm hàn gắn sự chia rẽ đã kéo dài gần 5 thế kỷ. Trọng tâm chuyến tông du Thụy Điển chính là lễ tưởng niệm 500 năm Phong trào cải cách Tin lành ở thành phố miền nam Lund.
Thụy Điển có thể xem là một trong những nước thế tục nhất tại châu Âu, và đóng vai trò của một vùng đất trung lập so với nhiều quốc gia Tây Âu khác có tỷ lệ cao trong dân số theo Công giáo hoặc Tin Lành. Thành phố miền nam của quốc gia Bắc Âu cũng được đánh giá đầy hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng trong phong trào thống nhất Giáo hội do nơi đây là cái nôi của Nguyên tắc Lund vào năm 1952, thời điểm Hội đồng các giáo hội thế giới sáng lập nguyên tắc này làm kim chỉ nam cho các tôn giáo thành viên, cùng nhau hành động như một thể thống nhất.
![]() |
Đức Phanxicô an ủi một phụ nữ bệnh tật tham gia thánh lễ ở Malmo, Thụy Điển |
Trang Christian Science Monitor dẫn lời ông Kevin Ahern, trợ lý giáo sư về nghiên cứu tôn giáo tại trường cao đẳng Manhattan College nhận định: “Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng được thực hiện theo sau 50 năm đối thoại nhằm tìm kiếm sự thống nhất diễn ra giữa Giáo hội Công giáo và tôn giáo thuộc Kitô giáo khác trên thế giới. Nỗ lực này khởi đầu với Công đồng Vatican II (1962-1965). Với Công đồng này, vào 50 năm trước, Giáo hội cam kết hành động vì sự thống nhất của Kitô giáo. Vì mục đích đó, một số cuộc đối thoại đã được thiết lập. Nhóm Đối thoại Công giáo - Tin Lành Luther là một trong những nhóm thu được nhiều lợi ích nhất và có ích nhất”.
Kể từ khi được bầu chọn, Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục cho thấy tinh thần đại kết mạnh mẽ, thúc đẩy những cuộc cải cách và công khai trong nội bộ Giáo hội Công giáo và tổ chức những cuộc đàm phán với các tôn giáo khác. Vào tháng 2, ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên hội kiến với một thượng phụ của Chính Thống giáo Nga kể từ sự kiện ly giáo Đông Tây vào năm 1054. Đức Thánh Cha cũng gặp gỡ lãnh đạo các tôn giáo ngoài Kitô giáo như lãnh tụ tối cao của Hồi giáo Sunni là Sheikh Ahmed al-Tayeb hồi tháng 5.
Ông Massimo Faggioli, giáo sư thần học của Đại học Villanova ở bang Pennsylvania đánh giá: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một nhà cải cách, và những phát biểu mới đây của ngài về những chuyển đổi của Giáo hội Tin Lành Luther đã thay đổi cách thức các vị giáo hoàng đề cập đến chuyện cải cách trong Giáo hội. Đức Thánh Cha là vị giáo hoàng đề cập một cách thoải mái nhất đến các cải cách của Giáo hội…Nói một cách đơn giản, Đức Phanxicô công nhận những đóng góp của Tin Lành Luther và của Phong trào cải cách đối với quá trình phát triển của truyền thống Kitô giáo”.
Giới chức sắc Giáo hội Công giáo lẫn Tin Lành Luther đều nhận định rằng lễ kỷ niệm tại Lund được tổ chức với mục tiêu cầu xin sự tha thứ cho vụ ly giáo cách đây gần 5 thế kỷ và đánh dấu 50 năm cải thiện quan hệ giữa hai Giáo hội. Tiến sĩ Faggioli đánh giá cao quan điểm của Đức Giáo Hoàng về vấn đề này khi chú trọng kêu gọi sự hợp nhất của tất cả tín hữu Kitô giáo trong bối cảnh Giáo hội Công giáo đối mặt với những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, bao gồm cuộc khủng hoảng dân nhập cư và thay đổi khí hậu toàn cầu.
ĐỊNH NGUYỄN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.