Lòng tôn kính Đức Mẹ Maria đã giúp viên sĩ quan người Mỹ gốc Philippines Frederick Yap cứu 3 người thoát chết.
Ông Frederick Yap sinh ra và lớn lên tại Philippines, nơi ông được rửa tội và theo học tại trường Công giáo. Nhưng trước đây, ông chưa bao giờ xem mình thật sự là một người sùng đạo, hoặc siêng năng đọc kinh Mân Côi.
![]() |
Có một kỷ niệm từ thời trẻ khi còn ở Philippines mà ông Yap không bao giờ quên được, ngay cả sau khi sang định cư tại Mỹ vào năm 1987. Sau mỗi ngày tan học, ông luôn chạy bộ. Ông chạy ngang qua trường trung học Công giáo, nơi ông thường dừng lại để nghỉ chân và uống nước. Ngày nào cũng vậy, ông luôn thấy nữ tu Sophia đi dọc theo hành lang và đọc kinh Mân Côi. Ông lên tiếng chào, và cả hai sẽ dừng lại để trao đổi với nhau một chút, sau đó ông tiếp tục chạy bộ. Điều này trở thành thói quen. Trong nhiều dịp gặp, nữ tu đã nói với ông về việc đọc kinh, cầu nguyện và về kinh Mân Côi.
Sau đó, ông Yap chuyển tới định cư ở Reston, bang Virginia (Mỹ) và trở thành sĩ quan cảnh sát tại hạt Fairfax. Vào một đêm, ông đã đậu chiếc xe tuần tra của mình trước nhà thờ Thánh Tôma để viết báo cáo và nhìn thấy mình đứng trước bức tượng Đức Trinh Nữ đã phai màu. Ông quyết định đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh. Theo thói quen, ông luôn kết thúc bằng câu: “Con kính yêu ngài, Thiên Chúa. Con yêu Mẹ, Mẹ Maria”. Nhưng sau cùng, không hiểu vì sao, ngoài 3 kinh kể trên, ông quyết định lần chuỗi Mân Côi. Có lẽ ký ức về những lần gặp nữ tu Sophia khi còn ở Philippines bất chợt trở nên sống động và trong phút chốc giúp ông trở nên một tín hữu nhiệt thành, siêng năng đọc kinh, cầu nguyện.
![]() |
Sự quan phòng của Thiên Chúa thường diễn ra một cách tinh tế, nhẹ nhàng, và chỉ được nhìn ra sau khi mọi việc đã kết thúc. Thậm chí, những người không có đức tin sẽ nhầm lẫn, cho rằng sự việc diễn ra trùng hợp hay do may mắn ngẫu nhiên. Phải qua nhiều năm, sĩ quan Yap mới có thể kết nối ba sự việc xảy ra riêng biệt mà ông phải đối mặt trong công việc đang làm. Cả ba trường hợp đều trong tình trạng nguy hiểm, và ông cho rằng đây hoàn toàn không phải là sự ngẫu nhiên.
Vụ việc đầu tiên xảy ra vào năm 2011. Cuộc gọi báo có một phụ nữ tự sát. Ông Yap và một sĩ quan khác đến hiện trường, họ nhìn thấy người phụ nữ lái chiếc xe đâm xuống sông Potomac. Tuy không được huấn luyện cứu hộ dưới nước, nhưng Yap cùng đồng nghiệp đã đưa được người phụ nữ ra khỏi xe an toàn.
Việc thứ hai xảy ra vào năm 2015. Vừa dứt lời cầu nguyện, ông nhận được cuộc gọi có một phụ nữ bị thương do bị chồng bắn nhiều phát súng. Một đội cảnh sát đến và đưa được người đàn bà ra ngoài, Yap đã ở kế bên, giữ chặt vết thương trên suốt chặng đường đưa nạn nhân đến bệnh viện. Người phụ nữ đã được cứu chữa kịp thời và bình phục.
![]() |
Vụ thứ ba xảy ra năm 2016. Ông đến chỗ cầu nguyện tại nhà thờ Thánh Tôma như thường lệ, và sau khi vừa cầu nguyện xong, ông nhìn thấy khuôn mặt Đức Mẹ hiện ra nhìn ông. Ngay sau đó, ông nhận cuộc gọi báo có một phụ nữ muốn tự sát. Yap chạy vội đến nhà cô ta, cùng đồng đội phá cửa nhà xe, nhìn thấy người phụ nữ đang bất tỉnh trong xe. Họ nhanh chóng đưa người phụ nữ ra ngoài. Yap nói rằng, ngay lúc đó ông đã trông thấy khuôn mặt Đức Mẹ hiện ra trước mặt mình.
Sau đó, viên sĩ quan đã sơn lại bức tượng Đức Mẹ ở nhà thờ Thánh Tôma. Ông Yap đã cảm thấy rất biết ơn khi ông đã hiểu về chuỗi Mân Côi, theo cách sâu sắc hơn với chính bản thân mình, kể từ khi ông gặp nữ tu Sophia. Không phải ai cũng có những trải nghiệm với chuỗi Mân Côi giống viên cảnh sát này, nhưng ông nghĩ rằng, mọi người đều có lợi nếu hình thành thói quen cầu nguyện như một phần của cuộc sống, dù ở nơi làm việc hay ở nhà.
Ông chia sẻ: “Mỗi ngày, cầu nguyện giúp cho tôi có sự hiểu biết tốt hơn về cuộc sống, và giúp chúng ta trở nên tốt hơn. Chúng ta nhận được loại năng lượng đã giúp tôi hiểu về bất cứ điều gì chúng ta làm, bất cứ điều gì chúng ta nói và lòng tốt cùng sự khiêm tốn sẽ luôn được nuôi dưỡng”.
Minh Hùng (theo Aleteia)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.