Thứ Tư, 04 Tháng Giêng, 2023 19:28

Nhớ về “vị giáo hoàng dịu dàng”

 

Là người chịu trách nhiệm chuẩn bị cho những chuyến tông du trong suốt triều đại của Ðức Bênêđictô XVI, ông Alberto Gasbarri luôn nhớ về những kỷ niệm sâu sắc với Ðức nguyên Giáo Hoàng.

 

Ðức Gioan Phaolô II gọi ông là “người quản lý những chuyến đi của tôi”. Ðức Bênêđictô XVI đặt biệt danh ông là “Reisemarschal”, tức “thống chế du hành”. Bắt đầu làm việc ở Vatican từ năm 1982, ông Gasbarri chịu trách nhiệm cho các chuyến tông du qua 3 triều đại giáo hoàng, cho đến khi về hưu năm 2016. Trong lúc Giáo hội và thế giới tiếc thương Ðức Bênêđictô XVI, ông Gasbarri đã chia sẻ những suy nghĩ về ngài.

Ảnh: AFP


Sự đồng hành dịu dàng

Tháng 6.1985, hoạt động chuẩn bị đã được khởi động cho chuyến tông du của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Ấn Ðộ. Chuyến đi diễn ra từ ngày 31.1 đến 11.2.1986, và ngài đến thăm không ít hơn 15 thành phố. Trong số này, ngài đến Calcutta, thăm nơi Mẹ Têrêsa tu hành và phụng sự.

Trong quá trình ông Gasbarri và các cộng sự chuẩn bị cho chuyến tông du, Mẹ Têrêsa đưa họ đến ngôi nhà nổi tiếng của mình, nơi mang đến sự chăm sóc và hỗ trợ cho nhiều con người lâm trọng bệnh nhưng bị gạt bỏ khỏi các bệnh viện của thành phố và bị đẩy ra đường phố. Tại lối vào có một chiếc bảng lớn ghi lại tên của hàng ngàn người nhận được hỗ trợ. Một trong số nhiều câu hỏi mà ông đặt ra cho Mẹ Têrêsa là liệu có bao nhiêu người trong số này có thể hồi phục, nhưng với sự khiêm cung nhất, Mẹ trả lời: “Sứ vụ của chúng tôi không phải chữa trị cho những con người vô phương cứu chữa, vì chuyện này thuộc về năng lực của các bệnh viện. Sứ vụ của chúng tôi là nhẹ nhàng đồng hành với họ trên con đường về cùng Chúa Giêsu”.

“Tôi có vinh dự lớn lao khi phụng sự Đức nguyên Giáo Hoàng xuyên suốt triều đại của ngài, và ngay sau khi tiếp xúc gần gũi với ngài hơn, lập tức tôi lại nhớ về cái cảm giác dịu dàng và nhẹ nhàng mà Mẹ Têrêsa từng mô tả”, ông Gasbarri hồi tưởng.


Phúc Âm của sự tử tế

Sự vĩ đại về thần học, trí tuệ và đức tin của Ðức Bênêđictô XVI chắc chắn sẽ được kể lại và tưởng nhớ bởi những người có kiến thức uyên thâm để đưa ra những cái nhìn với những khía cạnh chi tiết hơn. Thay vào đó, chứng từ của ông Gasbarri mang đến “có lẽ là một khía cạnh nhân cách ít được biết đến hơn của ngài: sự dịu dàng và nhẹ nhàng mà một người có thể cảm giác được trong những cuộc gặp riêng với ngài, điều mà Mẹ Têrêsa gọi là Phúc Âm của sự tử tế”.

Lời khuyên của Mẹ Têrêsa là “hãy tử tế”, “vì sự thánh thiện không phải là điều xa xỉ cho riêng một số ít cá nhân”. Ðó là trách nhiệm đơn giản nhất của mọi người. Sự tử tế là điều cơ bản của sự thánh thiện vĩ đại. Nếu bạn học được nghệ thuật của sự tử tế, bạn sẽ ngày càng trở nên giống Thầy của chúng ta hơn.

Ðối với những người có ấn tượng rằng Ðức nguyên Giáo Hoàng thật sự khắc khổ và đầy học thuật, họ có thể cảm thấy ngài có vẻ như xa cách hoặc thờ ơ với mình. Thế như, thực tế hoàn toàn ngược lại, trong tâm hồn ngài, Ðức Bênêđictô XVI tràn đầy sự dịu dàng, và lòng nhân hậu, sự tử tế của ngài thường đi đôi với óc hài hước tinh tế.

Tại Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 2011,Tây Ban Nha


Những điều ít người biết

Chiều tối 19.4.2005, ngay sau khi được mật nghị bầu làm đấng kế vị thánh Phêrô và khi đang rời khỏi nhà nguyện Sistine, Ðức Bênêđictô XVI nói rằng mình sẽ tông du rất ít, vì bản thân ngài không phải là người thích đi đây đó. Thế nhưng, trên thực tế, trong gần 8 năm triều đại, ngài thực hiện 25 chuyến thăm ở nước ngoài, vốn đòi hỏi nguồn năng lượng và nỗ lực thật sự lớn lao. Không may là do tuổi cao và vấn đề sức khỏe, đôi khi ngài lại cho thấy những dấu hiệu của sự quá sức và ngày càng tỏ ra có vấn đề đối với mức độ phức tạp của một số cuộc hành trình đặc biệt tốn sức (như Mỹ, Ðất Thánh, Mexico và Cuba).

Tháng 4.2012, trong lúc trên đường quay về từ Cuba, Ðức Thánh Cha hỏi liệu ông Gasbarri đã bắt đầu khởi động công tác chuẩn bị cho chuyến tông du Lebanon vào tháng 9 cùng năm hay chưa. Khi nghe vị “thống chế du hành” xác nhận là đã bắt đầu việc chuẩn bị, ngài nói rằng đó có lẽ là chuyến tông du cuối cùng của mình. “Thành thật mà nói, tôi đã nghĩ rằng đó chỉ là dấu hiệu khi sự quá sức và mệt mỏi lên đến đỉnh điểm, và cảm giác này sẽ qua đi khi ngài hướng sự tập trung vào các chuyến đi trong tương lai”, ông Gasbarri nhớ lại.

Thế nhưng, đó thật sự là chuyến tông du nước ngoài cuối cùng của ngài. Vài ngày sau, khi chuẩn bị rời Rome đến Rio de Janeiro (Brazil) để chuẩn bị cho Ðại hội Giới trẻ Thế giới XXVIII, dự kiến diễn ra vào tháng 7.2013, ông Gasbarri trình với Ðức Thánh Cha rằng ủy ban tổ chức đang chờ tuyên bố chính thức của chuyến đi, và liệu Tòa Thánh có thể xác nhận sự tham dự của ngài hay không. Ðức Bênêđictô XVI trả lời một cách bình thản với sự nhẹ nhàng thường thấy nhưng đồng thời lại có một điều gì đó khác nữa: “Hãy nói rằng Giáo Hoàng chắc chắn sẽ có mặt cùng với những người trẻ tuổi”. Và đúng là đã có một Giáo Hoàng dự kỳ Ðại hội ấy, Ðức Phanxicô.


Những khoảnh khắc cảm động

“Vô số lần bạn có thể cảm thấy sự dịu dàng được truyền đạt từ đôi mắt của ngài”, ông Gasbarri nhắc lại một số thời khắc mà khi nhớ đến ông không thể kìm được sự xúc động.

Tháng 9.2010, ủy ban tổ chức chuyến tông du Anh kiên trì đề nghị Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chủ sự lễ tuyên chân phước của Ðức Hồng y John Henry Newman ở Birmingham. Ông Gasbarri giải thích với họ vô cùng rõ ràng rằng, ngay từ đầu triều đại của mình, Ðức Bênêđictô XVI đã quy định những lễ tuyên chân phước nên được tổ chức tại các giáo phận tương ứng, và người chủ sự là một vị đại diện của ngài; lễ tuyên thánh thì được tổ chức tại Vatican, do Ðức Giáo Hoàng chủ sự. Khi nghe trình báo cáo về công tác chuẩn bị, với sự tinh ý vô cùng, Ðức Bênêđictô XVI nói: “Có lẽ Đức Hồng y xứng đáng nhận được ngoại lệ, con có nghĩ rằng chúng ta có thể chấp nhận điều đó chăng?”. Rõ ràng, ngài hoàn toàn không cần hỏi ý ông Gasbarri về vấn đề này, nhưng cách thể hiện của ngài cho thấy sự thấu hiểu và tinh tế đến tận cùng.

Tháng 8.2011, trong lúc có mặt với khoảng 500.000 thanh niên ở sân bay Cuatro Vientos ở Madrid (Tây Ban Nha) nhân dịp Ðại hội Giới trẻ Thế giới XXVI, một trận bão lớn ập đến, mang theo gió giật và mưa dữ dội và gây mất điện kéo dài. Cấu trúc của lễ đài nơi Ðức Giáo Hoàng đang ngồi bị hư hại nghiêm trọng và đẩy ngài vào tình thế nguy hiểm. Ánh sáng và âm thanh cũng bị ngắt. Giới chức địa phương và phía an ninh vô cùng lo lắng. Ông Gasbarri đề nghị Ðức Bênêđictô XVI rời khỏi sân khấu và hoãn sự kiện. Thế nhưng, trong tư thế ngồi yên trên ghế, Ðức Thánh Cha đã trả lời vô cùng lịch sự nhưng kiên quyết: “Nếu các bạn trẻ vẫn ở đây, không có lý do gì Giáo Hoàng lại rời bỏ họ”. Thế là tất cả đều đợi cho đến khi bão đi qua và sự kiện được tiếp tục.

“Tôi chắc chắn rằng nhiều người sẽ nhớ về ngài với tư duy tinh tế và trái tim đầy dịu dàng”, ông Gasbarri kết lại mạch chia sẻ về Ðức Bênêđictô XVI.

 

GIANG VÔ YÊN

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm