Thứ Bảy, 09 Tháng Bảy, 2016 00:27

Những “bức tường” ở châu Âu

Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ quan ngại đối với thách thức đang chờ đón Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai, và cho rằng đã đến lúc châu lục này cần thể hiện tinh thần hợp nhất và hãy phá bỏ những bức tường của sự ích kỷ.

Trong lúc EU và Anh đang thảo luận các điều khoản cho cuộc chia ly sau kết quả trưng cầu dân ý về việc rời khỏi liên minh châu lục (còn gọi là Brexit), Đức Phanxicô ngày 2.7 cảnh báo châu Âu giờ đây dường như đang dựng nên “những bức tường của sự ích kỷ về kinh tế lẫn chính trị, mà không tôn trọng sự sống và phẩm giá của mỗi con người”. Dù không trực tiếp đề cập đến Brexit, trong bài phát biểu trước cử tọa tham gia sáng kiến “Chung tay vì châu Âu”, Đức Thánh Cha cho rằng tinh thần đoàn kết ở châu Âu đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Bức tường vô hình lẫn hữu hình

Sáng kiến Chung tay vì châu Âu có sự góp sức của hơn 300 phong trào và cộng đồng Kitô giáo. Từ ngày 30.6 đến 1.7, những người tham gia đã tụ tập tại thành phố Munich của Đức với khẩu hiệu “Đối mặt - Hòa giải - Tương lai”. Trong thông điệp ghi hình do Tòa Thánh công bố vào cuối tuần qua, khi tham gia sự kiện này, Đức Thánh Cha công khai chỉ trích “những bức tường dễ thấy” đang được dựng lên xung quanh lục địa già. Ngài không nêu lên bất kỳ nước nào, nhưng trong vài tháng qua các nước Áo, Hungary, Croatia, Macedonia và lần lượt xây các hàng rào mới nhằm ngăn chặn làn sóng di dân tràn vào lãnh thổ. Đồng thời Đức Phanxicô cũng nhắc đến “những bức tường vô hình đang ngày càng được củng cố theo hướng chia rẽ lục địa của chúng ta”. Theo ngài, những bức tường đó đang bám rễ trong trái tim mọi người, và được bón phân hết sức tươi tốt bằng “sự sợ hãi và lòng thù hằn, xuất phát từ thất bại trong việc hiểu được sự khác biệt trong bối cảnh hoặc tín ngưỡng của các cá nhân”.

Tuy Đức Thánh Cha không đề cập đến cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh vào ngày 23.6, nhưng những lời trên có thể xem là phản ứng trước kết quả này. Nhiều người trong số 51% cử tri bỏ phiếu chọn rời khỏi EU cũng vì tâm lý lo ngại dân nhập cư từ các khu vực xung đột ở Trung Đông, những đối tượng mà họ cho rằng là mối đe dọa cho nền kinh tế của Anh. Khi đề cập đến tương lai của lục địa, vào thời điểm mà các nước như Đức và Pháp lo sợ có thể xuất hiện hiệu ứng domino liên hoàn sau quyết định của London, ngài nhấn mạnh, để châu Âu trở thành “một gia đình thực sự”, các chính phủ cần phải đặt con người trở về vị trí trung tâm. Đức Phanxicô nhận định: “Lục địa này nên mở rộng và chào đón mọi người, đồng thời tiếp tục tìm ra những cách thức có thể chung tay làm việc, không chỉ giới hạn ở khía cạnh kinh tế mà còn xoáy vào lĩnh vực xã hội và văn hóa”.

Trước đó vài ngày, Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về nguy cơ “Balkan hóa” châu lục sau cú sốc từ Anh, đồng thời thúc giục khối EU hãy mở ra một con đường mới bằng cách trao thêm quyền tự do các thành viên của khối. Đức Phanxicô phát biểu trong cuộc họp báo ngắn trên chuyên cơ sau khi rời hỏi Armenia quay về Rome: “Chúng ta cần phải nghĩ ra một dạng liên minh mới. Có điều gì đó không ổn đang xảy ra trong lòng liên minh khổng lồ và nặng nề này”. Ngài cũng lên tiếng báo động về khả năng những khu vực như Scotland và vùng Catalonia thuộc Tây Ban Nha có thể thúc đẩy cho việc ly khai khỏi quốc gia chủ quản theo sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit.

Theo Đức Giáo Hoàng, EU có thể khôi phục lại sức mạnh bằng cách trao thêm quyền tự chủ, tự do cho các quốc gia là thành viên của khối. EU có nhiệm vụ phải chăm sóc cho tất cả các công dân của mình. Ngài nhấn mạnh: “Dân Anh đã bày tỏ nguyện vọng của mình. Điều này buộc chúng ta phải có trách nhiệm lớn lao để đảm bảo được mọi thứ tốt lành cho người dân của xứ sở trên, cũng như sự phồn vinh và cùng sát cánh tồn tại của cả lục địa”.

Đoàn kết là điều tiên quyết

Để chốt lại thông điệp, Đức Thánh Cha đặt ra một câu hỏi: “Cùng nhau vì châu Âu? Giờ đây điều này cần thiết hơn bao giờ hết”. Ngài cũng thách thức châu Âu hãy đưa ra quyết định liệu di sản của châu lục, “vốn đã được thấm nhuần tư tưởng Kitô giáo”, sẽ bị xếp xó vào viện bảo tàng hay liệu lục địa “vẫn có thể truyền cảm hứng văn hóa và chia sẻ những kho báu của mình cho nhân loại”. Ngài kết luận: “Đã đến lúc phải đoàn kết để đối mặt với các vấn đề ngày nay với tinh thần châu Âu thực thụ”. Trong một châu lục có nhiều quốc gia cùng tồn tại, việc những người Kitô giáo thuộc nhiều cộng đồng khác nhau cùng tụ tập về Munich để thảo luận đề tài đoàn kết và hợp nhất là minh chứng cho thấy “chúng ta đều là con của Thiên Chúa, là huynh đệ của nhau”.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng gốc Mỹ La tinh bày tỏ lo lắng về những tranh cãi và xung đột của châu Âu. Hồi tháng 5, ngài đã phá vỡ quy tắc của bản thân khi tiếp nhận giải thưởng Charlemagne, trao tặng cho những cá nhân hoặc tổ chức hết lòng về sự thống nhất của châu Âu. Cũng trong dịp này, Đức Thánh Cha cho hay mình đã được thuyết phục rằng “linh hồn của châu Âu không có chỗ cho sự nhẫn nhục và kiệt sức, và thậm chí những vấn đề của chúng ta vẫn có thể trở thành động lực mạnh mẽ cho sự đoàn kết và thống nhất”.

BẠCH LINH

Trong hai bài phát biểu quan trọng trước khi dân Anh bỏ phiếu quyết định rời EU, Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến tình trạng bất ổn mà châu Âu phải đối mặt, và đáng buồn là những lời cảnh báo này hóa ra chẳng khác gì lời tiên tri cho những sự kiện như Brexit. Tại Strasbourg vào năm 2014, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, sự bành trướng của EU đáng tiếc lại song hành cùng với tâm trạng bất tín nhiệm ngày càng dâng cao trong lòng những công dân bị xa lánh, với việc đưa ra những luật lệ bị xem là vô cảm đối với mỗi cá nhân, nếu không muốn nói là hết sức có hại. Đàn ông và phụ nữ đối mặt với nguy cơ chỉ còn là những con đinh ốc trong một cỗ máy, vốn xem họ là những đồ tiêu dùng cần phải bị khai thác. Kết quả là khi đời sống của một con người không còn hữu dụng với cỗ máy đó, họ lập tức bị loại trừ không chút nương tay”.

Còn trong bài phát biểu khi nhận giải Charlemagne, ngài nêu bật sự cần thiết trong việc tạo ra những mô hình kinh tế không chỉ phục vụ cho vài cá nhân mà tất cả những con người, dù bình thường nhất. Cần phải chuyển từ một nền kinh tế tiền bạc sang kinh tế phục vụ cho xã hội, đầu tư vào hoạt động tạo ra việc làm và huấn luyện. Đức Giáo Hoàng cũng nói đến sự phân bổ chính đáng sự giàu có và công việc, dựa trên nền tảng tạo ra những công việc mang lại phẩm giá và trả lương hậu hĩnh cho người dân, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm