Thứ Bảy, 21 Tháng Giêng, 2023 14:17

Những chuyến tông du trong năm 2022 của Đức Giáo Hoàng

Thiên tai, chiến tranh, biến đổi khí hậu… đã khiến cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là những người yếu thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm vừa qua. Trước những diễn biến phức tạp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục lên đường, mang Tin Mừng đến với mọi miền - kể cả những nơi người Công giáo chỉ là thiểu số rất nhỏ; và cũng nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và hòa hợp, kêu gọi hòa bình cho thế giới, đồng thời thể hiện sự gần gũi với những ai đang phải chịu thiệt thòi nhất.


1. Malta, 2-3 tháng 4

Trong chuyến tông du đảo quốc nhỏ bé này hồi tháng 4.2022, Đức Phanxicô kêu gọi các quốc gia hãy từ bỏ “những làn gió băng giá của chiến tranh”, cho phép hòa bình có cơ hội nảy mầm và đơm hoa kết trái. Vị chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ khuyến khích Malta và châu Âu theo đuổi con đường hòa bình, hợp pháp, tôn trọng sự sống, phẩm giá của con người, và mở rộng cánh cửa cho người nhập cư. Ðức Thánh Cha nhắc lại, với cam kết cho sự công bằng và bình đẳng xã hội, Liên minh châu Âu (EU) cũng đi đầu trong những nỗ lực bảo vệ Ngôi Nhà lớn hơn là Công Trình Sáng Tạo của Chúa: “Vì thế, EU cần phải được bảo vệ trước lòng tham tàn bạo, sự hám lợi và âm mưu đầu cơ trục lợi, những thứ không chỉ tác động tiêu cực đến hiện tại mà cả tương lai”.

Đức Phanxicô cảm ơn Malta đã đón nhận di dân, đồng thời cũng chỉ ra di cư không phải là tình huống tạm thời, mà cùng với nó là gánh nặng của sự bất công của quá khứ, tình trạng bóc lột, biến đổi khí hậu và những cuộc xung đột thảm khốc. Ðó là những ảnh hưởng mà giờ đây chính bản thân người dân châu Âu đang cảm nhận được. Di cư không thể bị phớt lờ bằng việc áp dụng chủ nghĩa cô lập lỗi thời, vì làm vậy sẽ không tạo ra thịnh vượng và sự hội nhập. Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh Ðịa Trung Hải cần đến trách nhiệm chung của cả châu Âu, để biến vùng biển này thành nơi của sự đoàn kết, chứ không phải là sự cảnh báo cho “bãi đắm tàu đầy bi kịch của nền văn minh”. Ðịa Trung Hải “không thể trở thành nghĩa trang lớn nhất của châu Âu”.

 

2. Canada, 24-29 tháng 7

Từ ngày 24 đến 29.7, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện “chuyến hành hương thống hối” đến quốc gia Bắc Mỹ này. Ngài gặp gỡ, lắng nghe và nói lời xin lỗi đối với thổ dân Canada, đặc biệt là những nạn nhân ở các trường nội trú bị lạm dụng và bị tổn thương trong quá khứ. Sự gần gũi của Đức Thánh Cha, diễn ra trong các cuộc gặp với thổ dân, chính là dấu ấn đậm nét nhất. Ngài đã nói lời xin lỗi và cầu xin sự tha thứ vì những gì mà các nước phương Tây đã kết hợp với một số thành viên của Giáo hội trong việc đồng hóa, cưỡng bức các bộ tộc bản địa trong quá khứ. Ngài nhấn mạnh đây là một sai lầm nghiêm trọng, không phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Những cử chỉ bình dị của Đức Thánh Cha đã làm ấm lòng nhiều người. Ngài làm phép cho tượng của thánh Kateri Tekakwitha, người phụ nữ bản địa đầu tiên được tuyên thánh, qua đó, nhấn mạnh rằng, Tin Mừng đích thực có thể mang đến sự phát triển và làm phong phú thêm các dân tộc nhưng lại không tác động hoặc triệt tiêu danh tính, di sản văn hóa và tâm linh của họ. Đó là vì đức tin được lan truyền mà không bị áp đặt. 

Vào cuối thánh lễ ở Đền thánh St. Anne de Beaupré, Đức Phanxicô đã ban phép lành cho một em bé bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng và bồng ẵm bé dù ngài vẫn đang ngồi trên xe lăn. Không gì có thể ngăn cản Đức Thánh Cha đến gần các tín hữu. Ngày cuối cùng của chuyến tông du, ngài đến gặp những cựu học sinh của trường nội trú ở Iqaluit. Đức Thánh Cha ngồi cùng họ, trên những chiếc ghế được xếp thành vòng tròn, thể hiện sự bình đẳng giữa những người hiện diện. 

Chuyến thăm Canada của Đức Phanxicô thể hiện sự đan xen một cách hòa hợp giữa các cử chỉ và lời nói, những bài diễn văn và các hành động cụ thể. Qua đó, cử chỉ đã trở thành thông điệp, thông điệp của tình thương và sự hòa giải.

 

3. Kazakhstan, 13-15 tháng 9

Đức Giáo Hoàng đến quốc gia Trung Á này để tham dự Đại hội Các nhà lãnh đạo Tôn giáo truyền thống và thế giới lần VII, đồng thời thăm cộng đồng tín hữu Công giáo nhỏ bé, chiếm chưa tới 1% dân số Kazakhstan. Khẩu hiệu của chuyến đi là “Những sứ giả của hòa bình và hiệp nhất”. Theo Đức Phanxicô, chuyến thăm Kazakhstan “là cơ hội để gặp gỡ nhiều đại diện của các tôn giáo, cùng đối thoại, thúc đẩy khát vọng chung về hòa bình, một nền hòa bình mà cả thế giới đang khao khát”. Tại Đại hội Các nhà lãnh đạo Tôn giáo truyền thống và thế giới, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực bảo vệ tự do tôn giáo: “Tự do tôn giáo là điều cơ bản, chính yếu và bất khả xâm phạm, cần phải được quảng bá và thúc đẩy mọi nơi”. Biện pháp tốt nhất để củng cố những điểm đặc trưng về sự khác biệt của tôn giáo, sắc tộc và văn hóa là phải xây dựng một xã hội tôn trọng quyền được phép tồn tại cùng với nhau. “Chúng ta nên mang con người đến với nhau, đồng thời tôn trọng sự khác biệt của họ”, ngài nói.

Gần 10.000 người đã tham gia thánh lễ do ngài chủ sự ở Nur - Sultan. Trong ngày cuối cùng ở Kazakhstan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ với các vị giám mục, linh mục và tín hữu. Ngài an ủi, động viên cộng đoàn Công giáo bé nhỏ chiếm chưa đầy 1% dân số nước này: “Một Giáo hội nhỏ, một đàn chiên nhỏ lại tiềm ẩn ân sủng, thay vì chứng tỏ sức mạnh, con số, cơ cấu và những thứ khác mà con người xem là quan trọng, chúng ta hãy để Chúa dẫn dắt và đến gần nhau trong sự khiêm tốn”.

 

4. Bahrain, 3-6 tháng 11

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Bahrain, quốc gia Hồi giáo tọa lạc trên Vịnh Ba Tư. Ngài đã có cuộc gặp riêng vua Hamad bin Isa Al Khalifa trong ngày đầu tiên đến nước này. Trong ngày thứ hai của chuyến tông du, Đức Phanxicô phát biểu bế mạc Diễn đàn Bahrain về Đối thoại: Đông và Tây vì sự chung sống của con người. Đại giáo chủ Ahmed el - Tayeb của Ðại học al - Azhar (Cairo, Ai Cập) thuộc Hồi giáo Sunni cũng tham dự diễn đàn. Hai vị có cuộc gặp riêng trước khi Đức Giáo Hoàng trao đổi với các thành viên Hội đồng Bô lão Hồi giáo tại đền thờ của Cung điện Hoàng gia. Kết thúc ngày 4.11 là cuộc gặp gỡ đại kết và cầu nguyện cho hòa bình, tổ chức ở nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Nữ Vương Ả Rập.

Ngày 5.11, Đức Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia Bahrain với khoảng 30.000 người tham dự. Sau đó, tại Trường Thánh Tâm tại Awali, ngài đã mời gọi các bạn trẻ hiện diện tại đây “đừng bao giờ đánh mất dũng khí, hãy dám ước mơ và hướng đến một cuộc sống trọn vẹn”. Trong cuộc gặp diễn ra ở nhà thờ Thánh Tâm của thủ đô Manama vào ngày cuối cùng của chuyến tông du, Đức Phanxicô khuyến khích các vị linh mục, tu sĩ, chủng sinh Bahrain hãy nhiệt thành trong việc lan tỏa niềm vui của Thiên Chúa tại quốc gia vốn đa dạng về văn hóa, tôn giáo này. 

 

 

 

Tháng 7.2022, vì lý do sức khỏe, Đức Thánh Cha không thể thực hiện chuyến tông du CHDC Congo và Nam Sudan, vốn dự kiến diễn ra từ ngày 2-7 tháng 7. Theo yêu cầu của bác sĩ, chuyến đi bị hoãn để không ảnh hưởng đến quá trình trị liệu đầu gối của ngài. Ngài đã phải sử dụng xe lăn trong những lần xuất hiện trước công chúng từ tháng 5.2022.

Đầu tháng 12.2022, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo chuyến thăm nói trên sẽ được tổ chức từ ngày 31.1 đến 5.2.2023.

 

Thiện Tâm

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm