Ngày 13.3.2013, Ðức Hồng y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám mục Buenos Aires (Argentina) được mật nghị bầu chọn làm đấng kế vị của thánh Phêrô. Trong suốt 8 năm qua, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã toàn tâm thực hiện các “đại công trình” để xây dựng một “Giáo hội nghèo khó của người nghèo” và mở rộng cửa với thế giới.
Ðến vùng ngoại biên
“Về giáo hoàng tương lai, chúng ta cần một vị, từ việc chiêm niệm và suy tôn Ðức Giêsu, sẽ giúp Giáo hội mở ra và đi về vùng ngoại biên của nhân loại”. Ðây là chia sẻ của Ðức Hồng y Bergoglio chỉ 6 ngày trước khi khói trắng bay lên ở Vatican. Niềm mong mỏi này đã trở thành một trong những “đại công trình” của triều đại Ðức Phanxicô. Phần đáng kể trong số các chuyến tông du của ngài đã chọn điểm đến là những đất nước mà người Công giáo chỉ là thiểu số, thậm chí thiểu số cực kỳ nhỏ. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đặt chân lên bán đảo Ả Rập (tháng 2.2019), rồi mới đây là Iraq (3.2021). Từ Myanmar sang Bangladesh, đến Thái Lan và Nhật Bản, ngài đã mang đến niềm vui to lớn cho những cộng đoàn Công giáo nhỏ bé ở các nơi này, và làm cầu nối để họ thắt chặt thêm tình bằng hữu với các tôn giáo bạn.
“Vùng ngoại biên” của Ðức Thánh Cha còn là những thân phận bị lãng quên, người nghèo, người vô gia cư, bệnh nhân, người khuyết tật, người già, tù nhân… Dịp sinh nhật, ngài luôn dùng bữa với người vô gia cư ở Rome, và thay vì nhận quà, thì ngài tặng quà cho người nghèo. Những thân phận bị “ra rìa” thường bị quên lãng, nhưng Ðức Phanxicô lúc nào cũng nghĩ đến họ, và giúp cộng đồng nhớ ra họ.
Nền sinh thái toàn diện
Ðức Giáo Hoàng luôn cổ vũ một “nền sinh thái toàn diện” để bảo vệ Ngôi Nhà Chung. Sau khi được công bố vào tháng 5.2015, thông điệp Laudato si’ của ngài đã được xem là một “cẩm nang” về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Lời kêu gọi xây dựng một thế giới mới, tôn trọng Công trình Sáng tạo của Chúa hơn, đã mở đầu cho nhiều sáng kiến, dự án, chương trình không chỉ của người Công giáo, mà còn của các tôn giáo khác hoặc của các tổ chức khoa học, viện nghiên cứu, đại học…
Ðức Thánh Cha nhiều lần nhắc nhở, “mọi thứ đều liên quan mật thiết với nhau và những vấn đề của hiện tại đòi hỏi một nhãn quan bao quát mọi khía cạnh của khủng hoảng toàn cầu”. Laudato si’ được khai triển từ nền tảng là mối quan hệ giữa thụ tạo và Ðấng Sáng Tạo, như thế, sẽ không có vấn đề nào về môi trường có thể tách biệt với các vấn đề về xã hội. Và chính vì vậy, cần hướng đến một “nền sinh thái toàn diện”, trong đó, các Kitô hữu được mời gọi đóng góp nhiệt thành “để trở thành khí cụ của Chúa trong việc bảo vệ Công trình Sáng tạo”.
Nâng đỡ di dân
Ngày 8.7.2013, vài tuần sau khi được mật nghị bầu chọn, Ðức Phanxicô đã đến thăm Lampedusa, một đảo nhỏ của Ý và là một trong những điểm đến đầu tiên của những người nhập cư lậu từ châu Phi đến châu Âu, sau khi vượt Ðịa Trung Hải. Ngài đến đây để “khóc cho những người đã qua đời” trong những chuyến vượt biển bất thành. Hướng về biển cả, sau những phút thinh lặng cầu nguyện, ngài thả một vòng hoa để tưởng niệm hàng ngàn người đã tử vong ở Ðịa Trung Hải - nơi đã trở thành “nghĩa trang khổng lồ” của nhiều người nhập cư bất hợp pháp. Chuyến thăm Lampedusa đã mở đầu cho hàng loạt chương trình, kế hoạch nhằm nâng đỡ di dân do Ðức Thánh Cha lập ra hoặc ủng hộ.
Năm 2015, ngài mời gọi mỗi giáo xứ ở châu Âu đón tiếp một gia đình nhập cư, giúp họ có nơi cư trú, được tạo điều kiện để nhận được giấy tờ hợp pháp và hòa nhập vào xã hội. Một năm sau, đến thăm đảo Lesbos (Hy Lạp), ngài đưa một gia đình người Syria theo đạo Hồi cùng về Vatican và lo liệu để họ có một cuộc sống mới bình an. Ðức Phanxicô nhấn mạnh, mỗi người đều có quyền “được di cư” và quyền “không rơi vào hoàn cảnh buộc phải ly hương”. Vì vậy, ngài kêu gọi hỗ trợ những quốc gia đang lâm vào khủng hoảng, xung đột để người dân không phải bỏ xứ ra đi; đồng thời khích lệ các nước mở rộng vòng tay đón nhận người tị nạn.
Đức Phanxicô luôn đặc biệt quan tâm đến thân phận của các di dân - ảnh: Vatican Media |
Cải cách giáo triều
Ðức Phanxicô đã thực hiện những thay đổi quan trọng tại Vatican. Ngài thành lập Hội đồng Hồng y Cố vấn, gồm các vị hồng y đến từ nhiều châu lục. Ngoài việc cải tổ cơ quan truyền thông của Tòa Thánh, sáp nhập một số Hội đồng Giáo hoàng, ngài đặc biệt tổ chức lại việc quản lý tài chính ở Vatican theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Gần đây, theo tự sắc được công bố vào ngày 28.12.2020, Ðức Giáo Hoàng đã chuyển giao quyền quản lý các khoản đầu tư tài chính và quyền sở hữu bất động sản từ Phủ Quốc vụ khanh cho Cơ quan Quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA). Việc chuyển giao đánh dấu bước tiến đáng kể trong việc quản lý tập trung các khoản đầu tư của Vatican, giảm sự tự quản, gia tăng giám sát và cho thấy Ðức Phanxicô không những đưa ra các cải cách mà còn theo sát bằng những chỉ dẫn cụ thể.
Ðối thoại liên tôn
Qua việc thăm viếng nhiều nước có đa số dân theo Hồi giáo, Phật giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành…, Ðức Giáo Hoàng đã cho thấy ngài muốn Giáo hội tiếp tục tăng cường đối thoại với các tôn giáo khác. Trong 8 năm qua, ngài đã có những “cuộc gặp lịch sử”. Sau gần 10 thế kỷ chia cắt, hai Giáo hội Công giáo và Chính Thống giáo đã có cuộc gặp gỡ rất thân tình ngày 12.2.2016, qua hình ảnh Ðức Phanxicô, người đứng đầu Giáo hội Công giáo và Ðức Thượng phụ Kirill của Chính Thống giáo Nga ôm hôn nhau ba lần trên má khi bắt đầu cuộc hội kiến kéo dài hơn hai giờ tại sân bay quốc tế Jose Marti ở Havana (Cuba).
Cuộc gặp lịch sử với Đức Thượng phụ Kirill của Chính Thống giáo Nga |
Với Hồi giáo, Ðức Phanxicô đã gặp những vị lãnh đạo của cả Hồi giáo Sunni lẫn Shia, như các Ðại Giáo trưởng Al-Azhar, Ahmed Al Tayyeb. Và mới nhất là buổi hội ngộ Ðại Giáo trưởng Al-Sistani trong chuyến tông du Iraq… Những cuộc hội ngộ liên tôn nói trên chính là tiền đề cho thông điệp “Fratelli tutti” - “Tất cả anh em” của ngài. Ý tưởng xuyên suốt của thông điệp bàn về “tình huynh đệ và bằng hữu xã hội” này là không ai có thể mãi độc hành trên những chặng đường đầy cam go của cuộc đời. Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người xây dựng một xã hội của tình thân ái, để không bị đè nén bởi chiến tranh, lòng ghen ghét, bạo lực, sự lãnh đạm và “những bức tường mới”.
Lan Chi
Bình luận