Judy Ames luôn nghĩ đến việc nhận nuôi những đứa trẻ phải sống xa gia đình, nhưng bà lại do dự không biết nên mở lời thế nào với người chồng Richard và đứa con gái út, khi đó mới 12 tuổi.
“Tôi từng lo lắng sẽ bị người khác nói rằng ‘cô thật điên rồ’ khi biết dự định của mình”, trang tin National Catholic Register dẫn lời bà Judy, hiện 68 tuổi, kể lại thời điểm bắt đầu nghĩ đến khả năng nhận nuôi những đứa trẻ bất hạnh, mà vì lý do nào đó bị tách khỏi gia đình.
![]() |
Thế nhưng, bà không phải là người duy nhất trong gia đình có ý tưởng trên. Cũng giống như vợ Judy, ông Richard phát hiện có một gia đình nhận nuôi trẻ em ở giáo xứ Sugar Land, bang Texas, nơi họ đang sinh hoạt. Ðến ngày nọ, một người chịu trách nhiệm tuyển mộ các gia đình nhận nuôi của tổ chức từ thiện Catholic Charities tham dự thánh lễ tại nhà thờ trong vùng và trình bày ngắn gọn về nhu cầu cấp bách cần có nhiều gia đình hơn nữa tham gia vào sứ mệnh thiện nguyện này. Thế là ông bà Ames đến văn phòng của Catholic Charities để tìm hiểu thêm, và đăng ký nhận nuôi nấng một bé gái tên Dorothy.
Tuy nhiên, vào thời điểm đến nơi đón thành viên mới của gia đình, họ nhận ra có sự nhầm lẫn. Cô bé không phải tên Dorothy mà là Faith, tức “đức tin”. “Ðối với chúng tôi, đó chính là thông điệp phản ảnh ý nghĩa của tất cả những chuyện này”, theo người chồng Richard.
Hãy như là người thân
Faith là đứa trẻ đầu tiên trong số khoảng 75 em bé được gia đình Ames nuôi nấng trong suốt 26 năm. Ðây quả là con số ấn tượng, nhưng không phải quá bất thường vì việc nhận nuôi dưỡng chỉ là tạm thời với thời gian không quá dài. Một người tên JC Amezcua, 27 tuổi và lớn lên ở miền nam California, có khoảng… 100 anh chị em nuôi. “Mẹ tôi đang nuôi thêm 3 đứa con nữa”, cô Amezcua cho biết. Cả cô và người mẹ Noemi làm việc cho FosterAll, một tổ chức đối tác của các giáo xứ Công giáo và những giáo hội khác chuyên tuyển mộ và hỗ trợ các gia đình nhận nuôi.
Có một số câu hỏi luôn lặp đi lặp lại: Làm cách nào xử lý các tình huống đến từ những trẻ có vấn đề về hành vi bắt nguồn từ những “trục trặc”, thậm chí sang chấn, mà trẻ phải trải qua trong gia đình cũ? Hoặc bằng cách nào có thể nói lời tạm biệt với con nuôi khi chúng quay về đoàn tụ với cha mẹ ruột? “Dĩ nhiên bạn sẽ trải qua những giây phút thăng trầm với chúng. Ðây là những đứa trẻ đến nhà bạn trong tâm trạng vô cùng sợ hãi, bị thương tổn và có thái độ tiêu cực”, cô Amezcua giải thích.
Gia đình Amezcua đã vượt qua những thách thức trên bằng cách đối xử với mỗi đứa trẻ như một thành viên của gia đình. “Chúng tôi luôn có mặt với chúng, trở thành bạn bè, người thân. Trong vòng 2 tuần, chúng sẽ mở lòng, gọi chúng tôi bằng những từ thân thương như mẹ, cha, chị. Khi sống vui vẻ với chúng tôi, lũ trẻ sẽ cảm thấy tự tin và an toàn. Và những khúc mắc, thách thức trước đó sẽ nhanh chóng bị lãng quên”, cô chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân.
Nói lời tạm biệt cũng không phải là chuyện dễ dàng, nhưng đối mặt với tình huống bằng thái độ đúng đắn có thể giúp gia đình và đứa trẻ rất nhiều. “Chúa đã mang bọn trẻ vào cuộc đời bạn để bạn trao cho chúng hạnh phúc giống như bạn dành cho gia đình của mình”, cô Amezcua nhớ lại lời dạy của mẹ.
Hồng ân
Và đó chính là mục tiêu của việc nhận nuôi: đặt đứa trẻ vào một gia đình an toàn trong một khoảng thời gian, khi mà cha mẹ ruột của chúng không thể chăm sóc con cái, và kế đến trả chúng về đoàn tụ với gia đình ban đầu khi tình hình được cải thiện. Tuy nhiên, không phải đứa bé nào được nhận nuôi cũng may mắn được quay về với gia đình cũ. Theo Viện Con nuôi Quốc gia (Mỹ), bất kỳ ngày nào cũng có khoảng 100.000 trẻ trong mạng lưới chăm sóc chờ được nhận làm con nuôi. Mẹ của Amezcua cuối cùng đã nhận làm con nuôi chính thức 3 trong số các đứa trẻ bà mang về nhà; còn gia đình Ames đang làm thủ tục nuôi đứa thứ 5.
Ðôi khi việc bị cách ly con cái có thể giúp ba mẹ ruột của những đứa trẻ này hồi tâm. Cô Amezcua kể lại trường hợp một bé gái 5 tuổi bị cha ruột vốn rất thờ ơ với con, làm bị bỏng nghiêm trọng và phải trải qua nhiều cuộc giải phẫu. Mỗi ngày gia đình Amezcua lại phải thay phiên thay băng gạc và làm vệ sinh cho bé nhiều lần trong ngày. Vào thời điểm đứa bé được trả về nhà cũ, gia đình Amezcua cảm thấy hết sức lo lắng, nhưng thực tế cho thấy hoàn toàn khác. “Trong suốt nhiều năm, mẹ tôi luôn duy trì liên lạc với cô bé và gia đình. Người cha đã hoàn toàn thay đổi. Ông ấy đã quan tâm hơn nhiều đến con”, cô nhớ lại.
Rõ ràng không dễ dàng để quyết định nhận nuôi con người khác, nhưng chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ đây là quyết định lớn lao đến thế nào. Dù hai vợ chồng Jude và Richard Ames từng cảm thấy giận dữ, buồn bã và thất vọng, người vợ khẳng định: “Cuộc đời của chúng tôi đã thay đổi theo hướng tốt hơn kể từ dạo đó. Chúng tôi xem đây là hồng ân của chính mình. Chúng tôi được trao cho những món quà giúp vượt qua những khó khăn, và chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi có thể tiếp tục con đường mình đã chọn”.
HỒNG HOANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.